Truy cập hiện tại

Đang có 126 khách và không thành viên đang online

Sự nghiệp và phong cách báo chí của Nguyễn Đức Cảnh

(TGAG)- Cuộc đời Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932) đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Thuộc lớp người “khai sơn phá thạch”, ông để lại những bài học sâu sắc, góp phần đặt nền móng lý luận và thực tiễn vững chắc cho xây dựng lực lượng và tổ chức các hoạt động cách mạng. Ông để lại cho đời sau tượng đài sừng sững của một nhà cách mạng, nhà tổ chức, nhà lãnh đạo, nhà báo mẫu mực, tài năng và kiệt xuất.
   

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932)

Hai mươi bốn năm không phải là dài so với cuộc đời một con người. Ở độ tuổi ấy, bị thực dân Pháp kết án tử hình, chuẩn bị vĩnh biệt đồng chí, đồng bào, điều chiếm ngự tâm cang Nguyễn Đức Cảnh, khiến ông đau đáu, day dứt, trăn trở đến nỗi “nát lòng” chính là “muôn việc giữa đường chưa xong”. Bắt đầu hoạt động yêu nước năm 17 tuổi (1925), hoạt động theo quỹ đạo cách mạng vô sản năm 19 tuổi (1927), trở thành người cộng sản năm 20 tuổi, sự nghiệp của Nguyễn Đức Cảnh có thời lượng rất ngắn nhưng rất sinh động, đa dạng, đồ sộ với những cống hiến to lớn. Gần 8 năm kể từ khi tham gia hoạt động, chưa đầy 25 tuổi, Nguyễn Đức Cảnh đã đảm trách rất nhiều cương vị quan trọng - Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng, tham gia sáng lập Chi bộ cộng sản đầu tiên, Ủy viên Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, sáng lập và lãnh đạo Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy Hải phòng (đầu tiên), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Chừng ấy công việc, rất nhiều cương vị được người thanh niên ở độ tuổi đôi mươi đảm trách rất tốt, để lại dấu ấn và nhiều đóng góp to lớn vào quá trình gầy dựng và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam.

Trải nhiều cương vị, ở nhiều địa bàn trong quãng thời gian chưa đầy 10 năm cho thấy Nguyễn Đức Cảnh có quá trình hoạt động cách mạng rất phong phú. Mặt khác, điều đó cũng cho thấy, trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng và sự phân công của tổ chức, Nguyễn Đức Cảnh không “đứng chân” lâu dài ở một cương vị, mặc dù ông đảm trách rất tốt, thể hiện phẩm chất và năng lực của nhà lãnh đạo, nhà tổ chức kiệt xuất, trên một số khía cạnh còn ở tầm mức lãnh tụ. Nghiên cứu cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh, đi tìm công việc và cương vị mà ông gắn bó, lồng ghép trải dài xuyên suốt nhiều cương vị khác mà ông đảm trách, chỉ có thể là viết báo và lãnh đạo cơ quan báo chí.

Năm 17 tuổi, Nguyễn Đức Cảnh tham gia phong trào yêu nước với hoạt động đòi thả Phan Bội Châu (1925), sau đó là để tang Phan Châu Trinh (1926) và bị đuổi học. Dấn thân vào trường đời, Nguyễn Đức Cảnh rời Nam Định lên Hà Nội mưu sinh với công việc thư ký cho hiệu ảnh Hưng Ký, sau đó là một thời gian ngắn làm giáo viên ở Trường tư Công Ích tại phố Bạch Mai. Yêu cầu của nhà trường trái với mong muốn truyền bá tư tưởng yêu nước mà Nguyễn Đức Cảnh dạy cho học sinh khiến ông thôi việc. Sau sự kiện này, Nguyễn Đức Cảnh vào làm thợ sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư. Từ đây, cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh có những tiếp xúc đầu tiên với tổ chức Nam Đồng thư xã. Những quan điểm yêu nước và chính trị của tổ chức này ảnh hưởng dẫn đến việc Nguyễn Đức Cảnh gia nhập một tổ chức chính trị mà về sau mới được biết là Việt Nam Quốc dân Đảng. Nam Đồng thư xã đã tổ chức viết, biên dịch nhiều sách báo tiến bộ để tuyên truyền vào phong trào yêu nước. Ở đây, Nguyễn Đức Cảnh tiếp thu các tư tưởng cách mạng, đã học hỏi những kiến thức làm báo, kiến thức tuyên truyền, tiếp thu các tư tưởng cách mạng, làm quen với công tác in ấn, xuất bản, phát hành để phục vụ cho công tác cách mạng của mình sau này. Việc gia nhập tổ chức Nam Đồng thư xã là dấu mốc ghi nhận Nguyễn Đức Cảnh bắt đầu tiếp xúc với các công việc liên quan đến báo chí. Lúc này, Nguyễn Đức Cảnh mới 18 tuổi, tham gia hoạt động yêu nước mới được hơn một năm.

Năm 1927, bước chuyển mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh diễn ra với việc gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên sau khi dự thính một lớp huấn luyện chính trị do Tổng bộ tổ chức này mở tại Quảng Châu (Trung Quốc). Kể từ đây, Nguyễn Đức Cảnh hoạt động yêu nước trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, được giao nhiều trọng trách và có nhiều đóng góp rất quan trọng. Sau đó, Nguyễn Đức Cảnh về nước, hoạt động ở Hà Nội. Một trong những công việc đầu tiên mà ông thực hiện trong vai trò người cộng sản đó là thành lập một cơ sở in ấn bí mật ở chợ Đuổi nhằm cung cấp tài liệu phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc tìm ra. Đây là cơ sở in ấn tài liệu cách mạng đầu tiên được bố trí ở trong nước. Nguyễn Đức Cảnh đã viết nhiều tài liệu tuyên truyền cách mạng, phổ biến xuống cơ sở công nhân, lao động tại Hà Nội. Như vậy, chưa đầy một năm sau khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Đức Cảnh tiếp tục hoạt động cách mạng của mình gắn liền với viết và in ấn tài liệu - một trong những hình thức rất gần, có thể xem là tiền đề của báo chí cách mạng. Một điểm nữa cần ghi nhận đó là chỉ mới hơn một năm sau khi tiếp xúc với tổ chức có chuyên môn in ấn sách báo – Nam Đồng thư xã – Nguyễn Đức Cảnh đã sáng lập được cơ sở in ấn tài liệu cách mạng đầu tiên được bố trí trong cả nước, đồng thời trực tiếp viết những tác phẩm tuyên truyền cách mạng đầu tiên. Lúc này, Nguyễn Đức Cảnh 20 tuổi, hơn 3 năm hoạt động yêu nước, chưa đầy 1 năm trở thành người cộng sản.

Một trong những mặt trận Nguyễn Đức Cảnh gắn bó dài, có những đóng góp ở tầm vóc nền tảng và đặc biệt quan trọng là lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân. Tháng 2 năm 1928, ông được phân công làm Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách khu Duyên hải và trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Tháng 9 năm 1928, thực hiện chủ trương "Vô sản hóa" của Tổng bộ Thanh niên, ông xin vào làm thợ tại xưởng Caron, và trở thành một trong lãnh đạo công nhân trong các đợt đấu tranh với giới chủ. Cuối năm 1928, ông viết tập tài liệu 16 trang với tiêu đề "Tổ chức công hội" nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tổ chức bí mật in ấn lưu hành trong công nhân. Nguyễn Đức Cảnh đã chủ trương lấy báo chí làm công cụ tuyên truyền cách mạng vào thợ thuyền. Đồng chí đã viết bài cho các báo cách mạng như: Đồng Lòng, Đấu Tranh, Tin Tức, Cờ Đỏ, Xi-moong xuất bản ở Hải Phòng - Hồng Gai.

Chưa đầy nửa năm lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân với những hoạt động viết báo truyền bá cách mạng cần mẫn và sôi nổi, Nguyễn Đức Cảnh tham gia sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929), sau đó là sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương (6/1929). Ngày 28 tháng 7 năm 1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời về công tác công vận, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc kỳ tại 15 Hàng Nón (Hà Nội), thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Trên cương vị lãnh đạo Công hội, Nguyễn Đức Cảnh chủ trương xuất bản báo Lao Động và tạp chí Công hội Đỏ làm cơ quan ngôn luận của tổ chức Công đoàn cách mạng Việt Nam. Cùng với đồng chí Trần Học Hải, đồng chí Thu Vân, sự giúp đỡ của cơ sở và vượt qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí của mình đã xuất bản thành công báo Lao Động vào ngày 14 tháng 8 năm 1929; tiếp đó là tạp chí Công hội Đỏ vào tháng 10 năm 1929. Sau đó các số báo Lao Động cũng như tạp chí Công hội Đỏ lần lượt được xuất bản, trở thành vũ khí tuyên truyền cách mạng trong giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Như vậy, ở đội tuổi 21, gần 5 năm hoạt động yêu nước, hơn 2 năm trở thành người cộng sản, Nguyễn Đức Cảnh đã sáng lập, là chủ biên, ngòi bút chính của một trong những tờ báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam, cơ quan ngôn luận, lý luận đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ba tháng sau khi tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930), Nguyễn Đức Cảnh được Đảng phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Trên cương vị này được 5 tháng, trước yêu cầu của phong trào cách mạng ở miền Trung, Đảng cử ông vào tham gia Xứ ủy Trung kỳ. Nhận thấy ở Nguyễn Đức Cảnh tài năng và kinh nghiệm làm công tác tuyên truyền, công tác báo chí, Hội nghị toàn Xứ ủy đã bầu ông làm Ủy viên Thường vụ phụ trách công tác tuyên huấn, tham gia chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trên cương vị mới, Nguyễn Đức Cảnh vừa phụ trách, vừa là ngòi bút nòng cốt cho các báo của Xứ uỷ như: Người lao khổ, Tiến lên, Chuông vô sản, Công nông binh, Bônsêvích, Đấu tranh, Lao động. Những tờ báo này đã thành vũ khí sắc bén, cổ vũ công - nông Nghệ Tĩnh vùng lên đấu tranh chống kẻ thù, góp phần tạo nên phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh nói riêng và cao trào cách mạng 1930 - 1931 cả nước nói chung.

Ngày 31 tháng 7 năm 1932, Nguyễn Đức Cảnh hy sinh trong niềm thương tiếc vô bờ bến của đồng chí, đồng bào!

Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh

Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Nguyễn Đức Cảnh, có thể rút ra những nhận định ban đầu như sau:

Thứ nhất, Nguyễn Đức Cảnh đến với công tác in ấn, tuyên truyền và hoạt động báo chí từ rất sớm và duy trì liên tục cho đến lúc hy sinh. Nếu lấy sự kiện tham gia Nam Đồng thư xã làm khởi mốc thì Nguyễn Đức Cảnh bắt đầu tiếp xúc với công việc này khi mới 18 tuổi đời, 01 tuổi hoạt động yêu nước. Nếu lấy sự kiện trực tiếp tham gia viết báo thì khi đó Nguyễn Đức Cảnh mới 20 tuổi đời, hơn 1 năm trở thành người cộng sản. Từ những dấu mốc khởi đầu đó, Nguyễn Đức Cảnh duy trì hoạt động báo chí liên tục cho đến khi hy sinh. Đó là một sự nghiệp báo chí liền mạch, không hề có sự đứt quãng.

Thứ hai, thời gian hoạt động báo chí chiếm phần nhiều trong tổng thời gian hoạt động yêu nước, hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh. Bắt đầu tham gia hoạt động yêu nước năm 1925, tham gia hoạt động cách mạng năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh có tổng thời gian hoạt động yêu nước - cách mạng chưa đầy 8 năm. Trong đó, hơn hai phần ba thời gian Nguyễn Đức Cảnh tiếp xúc, tham gia trực tiếp với hoạt động in ấn, tuyên truyền tài liệu, lãnh đạo và viết báo. Sự nghiệp báo chí chiếm hầu hết thời lượng sự nghiệp yêu nước – cách mạng là một minh chứng khẳng định mối quan tâm sâu sắc và tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động báo chí đối với cuộc đời nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh. Sự nghiệp báo chí lồng ghép, đan xen trong sự nghiệp cách mạng, tương tác thúc đẩy mạnh mẽ góp phần rất quan trọng tạo dựng nên sự nghiệp cách mạng to lớn của Nguyễn Đức Cảnh.

Thứ ba, sự nghiệp báo chí của Nguyễn Đức Cảnh đồ sộ cả về số lượng và chất lượng đóng góp. Dù có khoảng 5 năm trực tiếp tham gia hoạt động báo chí song diện hoạt động và chất lượng tác phẩm của Nguyễn Đức Cảnh là rất sâu rộng. Trong thời gian không nhiều ấy, Nguyễn Đức Cảnh tham gia viết cho các tờ báo: Đồng Lòng, Đấu Tranh, Tin Tức, Cờ Đỏ, Xi-moong xuất bản ở Hải Phòng - Hồng Gai; báo Lao Động và tạp chí Công hội Đỏ - cơ quan ngôn luận, lý luận của tổ chức Công hội và phong trào công nhân; Người lao khổ, Tiến lên, Chuông vô sản, Công nông binh, Bônsêvích, Đấu tranh, Lao động ở miền Trung. Ít nhất có 14 tờ báo lớn, có tiếng. Chất lượng bài viết tỉ lệ thuận với số lượng tham gia. Tất cả các tác phẩm đều được thực tiễn đón nhận và định hướng tốt cho thực tiễn. Trong thời gian ngắn, làm được như Nguyễn Đức Cảnh không dễ mấy ai.

Thứ tư, Nguyễn Đức Cảnh tham gia vào mặt trận báo chí trong nhiều vai trò khác nhau song luôn thể hiện tầm vóc, phẩm chất và tài năng của nhà báo kiệt xuất. Từ khâu in ấn đến viết bài; từ viết bài, in ấn đến tuyên truyền phổ biến; từ tham gia cộng tác đến chủ bút; từ sáng lập đến lãnh đạo, định hướng. Hầu như mọi khâu/bước của hoạt động báo chí (viết – in – phát hành); hầu như mọi vai trò đối với một tờ báo (sáng lập – lãnh đạo – quản lý – định hướng – chủ bút – cộng tác), Nguyễn Đức Cảnh đều trải qua và làm rất tốt. Tầm vóc báo chí của Nguyễn Đức Cảnh là toàn diện và kiệt xuất.

Quá trình hoạt động báo chí của Nguyễn Đức Cảnh thể hiện phong cách vừa mang những nét chung của các nhà báo yêu nước - cách mạng, vừa thể hiện những đặc trưng riêng. Có thể khái quát một số nét cơ bản sau:

Một là, tính lý luận gắn bó chặt chẽ với tính thực tiễn. Trong tất cả các tác phẩm báo chí của Nguyễn Đức Cảnh, hai yếu tố “lý luận” và “thực tiễn” như bạn đường, tác động qua lại, bổ sung cho nhau, vừa góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng, vừa phân tích, soi rọi, dẫn dắt thực tiễn. Lý luận sắc bén nhưng không sa vào câu chữ, xa rời thực tiễn; đầy ắp hơi thở thực tiễn nhưng được phân tích, luận chứng bởi lý luận cụ thể, vững vàng. Đây là đặc trưng đầu tiên cần nói đến trong phong cách báo chí của Nguyễn Đức Cảnh.

Hai là, cách viết báo đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, không quanh co, dài dòng, không né tránh, ngại va chạm. Nguyễn Đức Cảnh chỉ thẳng ra vấn đề, phân tích gọn gang những yếu tố trong vấn đề đó và chỉ ra những phương cách, biện pháp rất cụ thể để giải quyết. Đây là một điển hình của phong cách tuyên truyền cách mạng, phong cách báo chí mà Hồ Chí Minh chỉ ra va yêu cầu phải thực hiện: Viết ngắn gọn sao cho thật dễ hiểu để đồng bào nghe thì hiểu ngay, hiểu thì nhớ lâu, nhớ lâu thì thực hành được và thực hành tốt.

Ba là, ngôn từ báo chí mộc mạc, đơn giản, súc tích nhưng có khả năng chuyển tải lý luận tốt, dễ đọc, dễ nhớ, dễ phổ biến trong đối tượng chính yếu mà báo chí cách mạng hướng đến lúc bấy giờ là đồng bào, giai cấp công nhân đang còn có trình độ học vấn thấp. Mặt khác, nhiều bài viết của Nguyễn Đức Cảnh có nội dung định hướng cách làm cách mạng  - đình công, bãi công; cách thức nêu yêu sách để đòi quyền lợi đối với bọn chủ, cách rút lui để bảo toàn lực lượng, khi bọn mật thám cảnh sát đàn áp,… Có thể gọi đây là những định hướng “nghiệp vụ” hoạt động cách mạng.

Bốn là, bút lực vô cùng dồi dào. Trong khoảng thời gian ngắn, mặc dù bị chi phối bởi nhiều hoạt động cách mạng khác nhưng Nguyễn Đức Cảnh tham gia rất nhiều tờ báo, viết rất nhiều bài, nhiều tác phẩm. Ngay cả trong nhà tù thực dân, trước khi hy sinh, Nguyễn Đức Cảnh vẫn còn kịp viết tác phẩm lý luận "Công nhân vận động" tổng kết lại những bài học kinh nghiệm về công tác công vận của Đảng.

Năm là, viết nhanh, nhiều nhưng rất cẩn trọng và đạt chất lượng. Điều này thể hiện rất rõ ở quá trình hoạt động báo chí của Nguyễn Đức Cảnh và để lại bài học rất quý báu về trách nhiệm của người làm báo. Nguyễn Đức Cảnh viết rất nhanh nhưng không hề cho ra những tác phẩm “non”. Nhiều lúc, ông vừa viết, vừa trực tiếp biên tập, đọc duyệt nhiều lần bài viết của chính mình và của người khác. Ông làm việc nhanh chóng, gọn gàng với tần suất cao nhưng lại rất tỉ mỉ, cẩn trọng, chắc chắn.

Cuộc đời không dài của nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh chứng minh triết lý “Điều cốt yếu là biết sử dụng đời sống, chứ không phải là sự sống lâu” (Sénèque). Nhìn vào cuộc đời ông không hề thấy sự “lãng phí” cuộc sống. Ông đã sử dụng phần lớn thời gian của đời của mình để làm việc yêu nước, việc cách mạng. Sống để làm việc – đó là điều dễ thấy từ cuộc đời, sự nghiệp của ông. Từ ông toát lên một sự nghiệp, một phong cách của nhà lãnh đạo, nhà báo mẫu mực, tài năng, một trong những biểu tượng kiệt xuất của phong cách người cộng sản, người làm báo chí cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh!

Nguyễn Phương An
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
   
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40440575