Truy cập hiện tại

Đang có 75 khách và không thành viên đang online

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Xuyến

(TGAG)- Nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Xuyến (bí danh Kim Lệ, thường gọi Tư Lệ) sinh năm 1947 trong một gia đình bần cố nông tại xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Cha mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa, Ngọc Xuyến được một người cùng xóm nhận làm con nuôi. Số phận đã không cho Nguyễn Thị Ngọc Xuyến có một khoảng trời tuổi thơ êm ấm, nhưng cuộc đời và tình thương của Đảng đã cho người thiếu nữ kém may mắn ấy tình người và một nghị lực rắn rỏi như chính cái tên Kim Lệ.

Mới 13 tuổi đầu, Kim Lệ đã tham gia hoạt động cách mạng, làm giao liên cho cấp ủy xã Bình Hàn Trung. Luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, Kim Lệ rất được các đồng chí trong cấp ủy tin yêu, mến phục.

Tháng 2 năm 1961, Kim Lệ dẫn đầu một cuộc đấu tranh chính trị tại quận Kiến Văn, chẳng may bị địch bắt. Dù bị tra tấn hết sức dã man nhưng người thiểu nữ nhỏ bé chưa đến tuổi trăng tròn vẫn khẳng khái kiên gan, một mực không khai báo. Tên đại úy Quận trưởng Kiến Văn hèn hạ ra lệnh cho 9 tên thuộc hạ thay nhau hãm hiếp chị cho đến khi ngất xỉu. Sau khi hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, địch thả chị ra vì không đủ bằng chứng buộc tội để giam giữ. Ra tù, Kim Lệ đã tìm ngay về cơ sở để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Ngày 5 tháng 3 năm 1961, Tỉnh ủy Kiến Phong phát động cuộc đấu tranh chính trị qui mô lớn, lực lượng tham gia từ các vị trí tập kết có gần 10.000 người từ nhiều hướng kéo về thị xã Cao Lãnh. Lực lượng mũi nhọn do Kim Lệ dẫn đầu có khoảng 350 người lọt vô được thị xã. Địch hốt hoảng ném lựu đạn cay, bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm 2 người chết và nhiều người khác bị thương. Không nao núng, lực lượng mũi nhọn vẫn đấu tranh quyết liệt, đưa nhiều đơn tố cáo cho cảnh sát, một bộ phận còn đấu tranh trực diện ở Tòa hành chính. Bị vây ép, bọn đầu sỏ chuyển sang thái độ xoa dịu, cho người ra nhận đơn, hứa can thiệp, đình chỉ nổ sung và trả tự do những người đã bị bắt.

Sau cuộc biểu tình, trên đường về thì Kim Lệ bị địch bắt, đánh đập dã man và giam 8 tháng trời tại khám đường Kiến Phong. Sau khi ra tù, chị được rút về tỉnh công tác trong hội phụ nữ, sau đó được bố trí về huyện Kiến Văn hoạt động.

Tháng 4 năm 1966, Kim Lệ gài lựu đạn ở Bình Hàng Trung diệt 2 tên Mỹ, làm 6 tên khác bị thương, góp phần đánh bại cuộc càn của địch. Sau trận này, Kim Lệ được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Tháng 11 năm 1966, Tiểu đoàn 502 tập kết tại xã Bình Hàng Trung để chuẩn bị cho kế hoạch đánh vào chi khu Kiến Văn, đồng chí Tư Lệ được giao nhiệm vụ chỉ huy một đội dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu. Địch phát hiện chủ lực quân cách mạng liền mở trận càn cấp tiểu đoàn, có xe M113 và máy bay yểm trợ. Trong lúc cấp bách, đồng chí Tư Lệ đã nhanh trí vận động hơn 50 quần chúng cải trang làm dân chạy loạn chặn đầu quân địch và kịp thời báo tin cho Tiểu đoàn 502 rút về hậu cứ. Tiểu đoàn để lại một tiểu đội gồm 9 chiến sĩ cảm tử nhận nhiệm vụ gìm chân địch, trận chiến đấu không cân sức diễn ra một mất một còn, các chiến sĩ lần lượt hy sinh sau khi đã bắn cháy 2 xe M113 và diệt thêm một số tên địch.

Quyết tâm đem thi thể đồng đội về, mờ sáng hôm sau, đồng chí Tư Lệ cải trang làm người dân hợp pháp lẻn vào trận địa, lần mò gỡ 10 quả lựu đạn  địch gài dưới xác các chiến sĩ mà không chút run sợ, sau đó lấy một chiếc ghe nhỏ của đồng bào tản cư bỏ lại để chở thi thể đồng đội. Một mình chị hết bồng rồi kéo từng thi thể của 9 chiến sĩ xuống ghe rồi vội vã chèo ghe ra khỏi trận địa. Sau khi phát hiện có người đến lấy xác, địch bắn pháo, cho máy bay quần đảo ném bom xung quanh trận địa, đồng chí Tư Lệ nhanh trí chèo ghe tấp vào mé, đưa 9 chiến sĩ lên bờ rồi lấy cỏ ngụy trang lại, sau đó nhận chìm ghe để tránh bị địch nghi ngờ.

Bom pháo nổ rít xuống cả ngày hôm đó, đến khoảng 5 giờ chiều địch mới ngớt bắn phá. Chị Tư Lệ lại hì hục tát nước moi ghe lên, lần lượt đưa thi thể 9 chiến sĩ xuống rồi chèo ghe đi tiếp. Tới đập Kinh 5 thì trời đã tối mịt, dân tản cư đã đi hết, một mình chi lại phải đưa từng chiến sĩ lên nằm tạm ở bờ đập, gắng sức đẩy ghe qua đập, rồi lại bồng, kéo từng chiến sĩ trở lại ghe, chèo thêm cả chục cây số nữa. Đêm đó trời mưa to, nước mưa vô ghe hòa với máu của đồng đội, đau đớn nhìn các chiến sĩ trong nước mắt, chị Tư Lệ quên cả cái đói, cái lạnh, chèo ghe một mạch về hậu cứ của Tiểu đoàn 502. Khi đến được kinh Nguyễn Văn Tiếp thì kiệt sức, ngất xỉu. Chứng kiến cảnh tượng đó, ai nấy đều xúc động, cảm phục trước nghị lực và tinh thần dũng cảm phi thường của chị.

Sau Tết Mậu Thân địch tăng cường bình định, đánh phá rất ác liệt vùng Kiến Văn. Tháng 3 năm 1969, đồng chí Tư Lệ gài 6 quả lựu đạn, làm 25 hầm chông, diệt 1 tên, làm bị thương 5 tên (trong đó có 1 tên cố vấn Mỹ), góp phần bẻ gãy trận càn của địch vào xã Bình Hàng Trung.

Sau giải phóng, đồng chí Tư Lệ tiếp tục làm công tác phụ nữ trong vai trò Huyện ủy viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Chợ Mới. Năm 1977, trong một lần dẫn đầu đoàn phụ nữ huyện lên vùng chiến sự biên giới để tặng quà, động viên tinh thần anh em chiến sĩ thì một toán quân Pol Pot bất ngờ đánh vào chốt phòng ngự, bộ đội thương vong chỉ còn lại 2 chiến sĩ, đồng chí Tư Lệ cho chị em rút về tuyến sau, còn chị ở lại với 2 chiến sĩ chiến đấu giữ chốt, diệt 8 tên và buộc những tên còn lại phải bỏ chạy.

Tiếp tục gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng đến năm 1991 thì chị Tư Lệ nghỉ hưu. Mấy bận bị địch tra tấn thừa sống thiếu chết trong những năm tháng kháng chiến đã làm sức khỏe chị suy nhược. Dẫu vậy, tinh thần và nhiệt huyết đối với sự nghiệp cách mạng, đối với phong trào phụ nữ trong chị vẫn luôn ngời sáng, đầy lạc quan và tin tưởng.

Với những cống hiến, đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Xuyến (Kim Lệ, Tư Lệ) được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến công Hạng ba; Danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Chiến sĩ thi đua” và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 28 tháng 4 năm 2000, đồng chí được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đối với những đồng đội, đồng chí và nhân dân hai huyện Cao Lãnh và Chợ Mới, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Xuyến (Kim Lệ, Tư Lệ) đã trở thành hành mẫu về phẩm chất “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam với nhiều kí ức không dễ phai mờ về một nữ đảng viên kiên trung, gan dạ, xông xáo, quên mình vì đồng đội. Còn đối với chị Tư Lệ, Chợ Mới, An Giang đã trở thành quê hương thứ hai trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi và nhiều kỉ niệm của những năm tháng chiến tranh ác liệt và cả trong những ngày gian lao, vất vả của thời kì đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Trà Thôn
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39953802