Truy cập hiện tại

Đang có 80 khách và không thành viên đang online

Tình hình và giải pháp ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh An Giang

(TGAG)- Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra rất nghiêm trọng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy An Giang là tỉnh ít bị ảnh hưởng nhưng tác động của hạn hán và xâm nhập mặn cũng rất rõ nét và đã có những tác hại đến đời sống và sản xuất của Nhân dân. Vì vậy, việc đánh giá đúng các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn để tìm ra giải pháp ứng phó trước mắt, cũng như xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó lâu dài là nhiệm vụ quan trọng mà các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, từ giữa năm 2015 hiện tượng El Nino bắt đầu xảy ra và có thể kéo dài đến hết năm 2016, gây ra hiện tượng thời tiết bất thường: khô hạn, không có lũ, xâm nhập mặn... Thực tế, từ năm 2015 đã xảy ra những hiện tượng cực đoan như nhiệt độ có thời điểm cao nhất lên đến 37,60C so với nhiều năm qua, mực nước lũ tại Tân Châu chỉ đạt 255cm (thấp nhất so chuỗi số liệu quan trắc được từ năm 1926), mặn xâm nhập có nồng độ cao và kéo dài (4,5o/oo)... Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã có những diễn biến phức tạp: Theo số liệu quan trắc tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc, Chợ Mới và Long Xuyên: mực nước cao nhất bình quân từ +100cm đến +140cm (so cùng kỳ năm 2015 thấp hơn từ 10-30cm); mực nước thấp nhất bình quân từ 0cm đến -50cm (so cùng kỳ năm 2015 thấp hơn từ 10-30cm); Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên có mực nước cao nhất bình quân từ +10cm đến +50cm (so cùng kỳ năm 2015 tương đương và thấp hơn từ 10-20cm); mực nước thấp nhất bình quân từ -20cm đến +40cm (so cùng kỳ năm 2015: tương đương và thấp hơn từ 10-30cm). Độ mặn tại các trạm thuộc khu vực dọc kênh Ranh An Giang - Kiên Giang từ 1,1÷1,9 o/oo. Bên cạnh đó, nhiệt độ không khí ở mức cao hơn trung bình năm trước và nhiệt độ cao nhất là 37,30C; lượng bốc hơi ở mức cao, độ ẩm không khí thấp, số giờ nắng luôn ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh mưa rất ít (trong tháng 3 không có mưa); hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cạn nước... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 05 vụ cháy trong phạm vi đất lâm nghiệp (tăng 05 vụ so với cùng kỳ năm trước). Tuy các vụ cháy rừng được phát hiện và dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại đến rừng, nhưng toàn bộ diện tích rừng và đất rừng tỉnh An Giang (với khoảng 14.700 ha) đang ở cấp cháy V, là cấp cháy cực kỳ nguy hiểm có khả năng xảy ra cháy lớn, lan nhanh và sẽ gây thiệt hại nặng đến diện tích rừng.

Với diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn như trên đã có những ảnh hưởng nhất định: gây nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 150.000 dân ở khu vực vùng cao của các xã Văn Giáo, Nhơn Hưng, Chi Lăng, Núi Voi và An Cư của huyện Tịnh Biên; xã Cô Tô, Lương Phi, Lê Trì, Ba Chúc và Lạc Quới của huyện Tri Tôn; có khoảng 26.162 dân bị ảnh hưởng nhiễm mặn ở khu vực các xã Bình Thành, Thoại Giang, Vọng Thê (Thoại Sơn), xã Vĩnh Gia, Tân Tuyến, Lương An Trà (Tri Tôn). Khả năng ảnh hưởng thiếu nước cho sản xuất: với diện tích 6.000 ha ở vùng cao và gần 40.000 ha ở các huyện còn lại. Đặc biệt, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến 14.564 ha đất sản xuất, trong đó: khu vực 1 giáp ranh Kiên Giang là 8.000 ha (Thoại Sơn 2.730 ha, Tri Tôn 5.270 ha); khu vực 2 giai đoạn mặn xâm nhập sâu là 6.564 ha (Thoại Sơn 1.889 ha, Tri Tôn 4.675 ha). Tại khu vực đầu nguồn cũng đã xảy ra 02 vụ sạt lở đất bờ kênh Xáng và sụp lún đất bờ sông ở ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu và ấp An Thạnh, thị trấn An Phú thuộc huyện An Phú với diện tích 1.220m2, làm ảnh hưởng đến 18 căn nhà, trong đó có 07 căn nhà bị sụp lún 1 phần đến nửa căn nhà.


Để kịp thời, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, chúng ta cần phải có những giải pháp trước mắt, những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn:

- Đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân là biện pháp hàng đầu.

- Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân các phương pháp tiết kiệm nước, tự xử lý và trữ nước sinh hoạt, đặc biệt là nước mưa.

- Phục hồi các vùng đất ngập nước, các vùng chứa lũ; nạo vét hệ thống kênh mương để khơi thông nguồn nước chảy vào nội đồng và có thể trữ nguồn nước ngọt trên hệ thống các kênh, rạch. Nghiên cứu các biện pháp tích trữ nước vào mùa mưa, lũ (hồ chứa nước, chứa nước trên kênh rạch, lưu trữ nước mưa...).

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đảm bảo ứng phó với tình hình xâm nhập mặn và hạn hán đang và sẽ tiếp tục diễn ra; nghiên cứu, sử dụng các loại giống thích ứng. Đây cũng là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm hạn chế mức thiệt hại cho người nông dân để có thể thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

- Chuyển đổi hình thức lao động cũng là một trong những giải pháp cần được tính đến. Có thể chuyển đổi sang các hình thức lao động sản xuất phi nông nghiệp như làm các sản phẩm nghề thủ công và các nghề khác để tranh thủ thời gian nhàn rỗi khi cánh đồng tạm thời chưa sản xuất nhằm tạo thêm thu nhập cho người nông dân.

- Sự vào cuộc kịp thời của các hội, đoàn thể nhằm hỗ trợ cho người dân những lúc khó khăn cũng là một giải pháp quan trọng. Có thể là vận chuyển nguồn nước, hỗ trợ các bình đựng nước... là những hoạt động thiết thực nhằm tạo hiệu ứng chung tay cùng người dân vượt qua những thời điểm khó khăn.

- Tăng cường hợp tác, chia sẻ liên vùng, liên quốc gia để sử dụng hiệu quả nguồn nước ở hệ thống sông Mê Kông. Phối hợp tỉnh Kiên Giang trong việc điều tiết các đập, cống ngăn mặn... nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, chủ động được phần nào nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Bên cạnh việc thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, để chuẩn bị bước vào mùa mưa, lũ, các ngành, địa phương cần quan tâm đến việc chủ động thích ứng với các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan có thể xảy ra do La Nina gây ra, như giải pháp phòng chống lũ lụt; phòng chống mưa, bão, dông, lốc, sét, mưa đá, sạt lở núi, sạt lở bờ sông...

HUỲNH VĂN THÁI
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37292217