Truy cập hiện tại

Đang có 36 khách và không thành viên đang online

Cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp sửa đổi của Liên bang Nga

(TGAG)- Theo đề xuất của Tổng thống Pu-tin trong bản Thông điệp Liên bang lần thứ 16 (ngày 15/01/2020), Nga đã tiến hành các thủ tục cần thiết để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp hiện hành (được thông qua vào năm 1993).

Từ ngày 25/6 đến ngày 01/7/2020, tất cả công dân Nga trên 18 tuổi (ngoại trừ những người mất năng lực và tù nhân) đều có quyền bỏ phiếu hoặc trực tuyến qua mạng hoặc trực tiếp tại các địa điểm bỏ phiếu về những sửa đổi, bổ sung đối với bản Hiến pháp. Trong số khoảng 71/110 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu, có 55,7 triệu cử tri (tương đương với khoảng 78%) đã đồng ý với những điều khoản sửa đổi, bổ sung và Hiến pháp sửa đổi của Liên bang Nga đã chính thức có hiệu lực từ ngày 04/7/2020.

Bản Hiến pháp mới có tổng cộng 206 điểm sửa đổi, bổ sung, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Nhóm vấn đề về xã hội: (i) Củng cố vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Nhà nước đóng vai trò bảo trợ khi trẻ em không có gia đình; (ii) Bảo đảm mức lương và lương hưu tối thiểu không thấp hơn mức sống tối thiểu; (iii) Làm rõ khái niệm “Nhà nước xã hội” trong Hiến pháp, trong đó đề cao vai trò của Nhà nước đối với xã hội; (iv) Tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái của nước Nga; (v) Củng cố và phát huy những giá trị gia đình truyền thống, khẳng định hôn nhân là sự kết hợp giữa nam và nữ (gián tiếp không công nhận hôn nhân đồng tính).

Nhóm vấn đề về chính thể: (i) Quy định một người không thể giữ chức Tổng thống Liên bang Nga quá 2 nhiệm kỳ, bỏ chữ “liên tiếp” tại đoạn 3, điều 81, chương 4 trong Hiến pháp cũ (2 nhiệm kỳ liên tiếp), nhiệm kỳ Tổng thống được tính lại từ đầu kể từ khi thông qua bản Hiến pháp này; (ii) Những người có quốc tịch nước ngoài và cư trú tại Nga dưới 25 năm không được phép tranh cử Tổng thống (trước đây là 10 năm), tuy nhiên, công dân tại bán đảo Crưm (được Nga sáp nhập năm 2014) được miễn yêu cầu về thời gian cư trú khi ứng cử Tổng thống; (iii) Nghiêm cấm Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Liên bang, đại biểu Quốc hội Nga và những người giữ chức vụ cấp cao của Liên bang Nga có quốc tịch nước ngoài hoặc thẻ định cư ở nước ngoài; nghiêm cấm mở tài khoản hoặc gửi tài sản có giá trị tại ngân hàng nước ngoài; (iv) Việc bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan cấp Liên bang chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến của Thượng viện; Thủ tướng và thành viên nội các phải được Hạ viện phê chuẩn; (v) Hiến định cơ chế Hội đồng Nhà nước, bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan trong ba nhánh quyền lực; (vi) Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga, nghiêm cấm bất kỳ hành động nào liên quan đến việc thu hồi hay yêu sách thu hồi lãnh thổ của Liên bang Nga; (vi) Khẳng định Hiến pháp Liên bang Nga được ưu tiên áp dụng trước các phán quyết của tòa án quốc tế.

Một số vấn đề khác: (i) Hiến định hóa quy chế cho tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia; (ii) Khẳng định văn hóa Nga là di sản độc đáo của nhiều dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Nga, Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ những đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, vùng miền; (iii) Bổ sung điều khoản khẳng định Liên bang Nga là chủ thể kế thừa của Liên Xô tại các tổ chức, điều ước quốc tế mà trước đây Liên Xô là thành viên hoặc đã ký kết.

Theo các chuyên gia, mặc dù cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp bị một số đảng phái và nhóm xã hội trong nước phản đối nhưng Nga vẫn tổ chức thành công. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của Liên bang Nga, tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển của Nga trong thời gian tới. Mặc dù phần lớn các điểm sửa đổi là về vấn đề xã hội, nhưng những điểm sửa đổi có tính quyết định lại liên quan đến việc hoàn thiện thể chế Nhà nước, cách thức tổ chức quyền lực và mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước dễ dàng hơn trong việc hoạch định các chính sách phát triển đột phá, phù hợp với tình hình mới, mang lại cho nước Nga nhiều thành tựu mới. Việc thông qua Hiến pháp mới cơ bản không gây xáo trộn đời sống chính trị và xã hội Nga, đồng thời mở ra nhiều phương án lựa chọn cho Tổng thống Pu-tin và Đảng “Nước Nga thống nhất” cầm quyền sau năm 2024.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40605744