Truy cập hiện tại

Đang có 45 khách và không thành viên đang online

Hồ Chí Minh con người bình thường vĩ đại!

Kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016)
(TGAG)- Từ khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, Nhân dân ta đã anh dũng đứng lên chống giặc. Nhưng do không có đường lối đúng, biết bao cuộc khởi nghĩa không thành: Phan Bội Châu chủ trương cầu ngoại viện, dùng bạo lực để khôi phục độc lập không thành. Phan Chu Trinh muốn “ỷ Pháp cầu tiến bộ”: Khai thông dân trí, nâng cao dân khí để tính chuyện giải phóng lại cũng không thành; “trăm lần thất bại cả trăm lần!”... Chính trong cảnh “trời sầu - đất thảm” đó, Hồ Chí Minh đã xuất hiện.

Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một con người sớm có tinh thần yêu nước. Gia đình Người là nơi nhiều sỹ phu thường xuyên lui tới bàn chuyện quốc gia. Thân phụ Người từng khẳng định: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, nghĩa là “Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn”. Trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Hồ Chí Minh rất khâm phục và coi trọng các bậc tiền bối, nhưng trước thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Người, để rồi có một quyết định chính xác và táo bạo là xuất dương tìm đường cứu nước.

Hồ Chí Minh không phải là người Việt Nam đầu tiên ra đi “tìm đường”; không phải chỉ ở Việt Nam, mà đại biểu nhiều dân tộc khác cũng trên hành trình tương tự... Nhưng chân lý là sự thử thách! Sự thử thách lớn về trí tuệ! Nhiều người đã có mặt ở Pa-ri, Mát-scơ-va... Nhưng tìm mà không thấy! Thấy mà không biết! Từ thực tiễn đến lý luận, sau nhiều năm bôn ba, Người đã tìm thấy và khẳng định dứt khoát: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Vượt qua thử thách “tìm đường”, thử thách tiếp theo càng lớn hơn, là làm sao cả Dân tộc cũng thức tỉnh như mình. Lịch sử đã chứng kiến biết bao khó khăn gian khổ “trở thành người dẫn đường”: Dựng nên Đảng ta, giác ngộ quần chúng, tổ chức lực lượng; phát động phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: “Hai tay xây dựng một sơn hà”.

GS William J. Duiker, đã dành gần 30 năm đi lại nhiều nơi trên thế giới để viết cuốn sách “Hồ Chí Minh, một cuộc đời” (NXB Hyperion, New York, năm 2000) dày 700 trang. Cuốn sách được đánh giá là cuốn tiểu sử về Bác Hồ đầy đủ và có giá trị nhất ở Hoa Kỳ hiện nay. Ông đã phát biểu: “Qua kinh nghiệm bản thân ở Việt Nam trong những năm 1960, tôi cảm thấy người Việt Nam có được quyết tâm chiến đấu hy sinh cho chính nghĩa cách mạng chính là nhờ ở sự lãnh đạo tài giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng nghiên cứu sâu về Việt Nam, tôi lại càng nhìn thấy Người là chiếc chìa khóa để ta có thể am hiểu được những gì đã xảy ra ở đó”,  Hồ Chí Minh là “Con người tạo sự kiện”, “là người đứng ra gánh vác cả xã hội trên đôi vai của mình để hoàn thành những mục tiêu cao cả...”. Nhà báo La-cót-tơ đã nhận xét: “Trong ngót nửa thế kỷ, ông Hồ Chí Minh lãnh đạo một cuộc chiến đấu chưa từng có... Thời nay có nhà cách mạng nào đủ gan lớn mật đầy để chống đối trật tự của các liệt cường với một quyết tâm bền bỉ đến thế? Ông Hồ đã hồi sinh một dân tộc, tái tạo một quốc gia, lãnh đạo hai cuộc chiến tranh, về cơ bản là chiến tranh của những người bị áp bức. Cuộc chiến đấu của ông chống Mỹ tỏ rõ các giới hạn của sức mạnh kỹ thuật khi đương đầu với con người”.

Theo Giáo sư Trần văn Giàu, điểm đặc sắc hàng đầu của Hồ Chí Minh là “Ưu tiên đạo đức” giống như Nho giáo, chữ “nhân” được nói đi nói lại nhiều nhất. Còn trong các bài viết của Cụ Hồ, chữ đạo đức cách mạng được sử dụng nhiều nhất. Người Việt Nam xem Cụ Hồ như bậc tái tạo lương tri, xây dựng phẩm chất, nhân cách cho các thế hệ. Hồ Chí Minh suốt đời tận trung với nước - tận hiếu với dân. Đây là cái đức lớn nhất, cái gốc của nhân cách Cụ Hồ. Quên mình vì nước, vì dân đã hiếm; mà tận tụy quên mình suốt đời phục vụ thì vô cùng hiếm hoi, chỉ có bậc thánh nhân và tông đồ của Nhân dân mới làm được. Nhà báo Úc nổi tiếng thế giới là Bớc-sét có dịp tiếp xúc với Người, đã nhận xét: “Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Cuộc đời Hồ Chí Minh là cả một sự nghiệp phi thường, nhưng đời sống của Người rất bình thường, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Tổng thống  An-len-dơ của Chilê nhận xét: “Không bao giờ chúng ta thấy sự giản dị và sự vĩ đại đi liền với nhau như vậy”. Ông M.Kha Li của Cộng hòa Arập thống nhất khẳng định: “Thiên thần thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc sống giản dị, khiêm tốn”. Cả Việt Nam, toàn thế giới đều biết đến bộ quần áo kaki sờn, đôi dép cao su mòn, ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ngay từ những ngày đầu đào tạo cán bộ cách mạng (1925), Người đã khuyên cán bộ phải “ít lòng ham muốn vật chất”, “không háo danh kiêu ngạo”. Và Người đã sống như những gì Người dạy cán bộ. Một người nước ngoài đã nhận định: “Nhà văn, nhà báo, dù ai có ác ý nhất cũng không tìm thấy một chút thiếu sót nhỏ nhặt trong cuộc đời gần 80 năm. Đây cũng là một trong những bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người ta không thể là nhà cách mạng trong những việc lớn mà lại thiếu sót trong những việc nhỏ”.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta; mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

LÊ CHÍ THÀNH
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37283266