Truy cập hiện tại

Đang có 117 khách và không thành viên đang online

Mỗi đại biểu cần phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tham gia Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi được bầu và giữ chức Chủ tịch nước, trả lời các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ tham gia bầu cử là vì dân, vì nước chứ không phải vì công danh, phú quý, không mảy may ẩn chứa tư lợi.

Người xác định đấy là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cùng toàn dân, mỗi người một việc, tùy theo khả năng mà dân giao phó, tất cả đều phải vâng lệnh quốc dân để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đều phải đáp ứng đòi hỏi của dân, bởi: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”(1), "… Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (2). Người khẳng định tất cả là quyền dân, khi nào dân cho lui thì trở về với cuộc sống đời thường hoàn toàn giản dị, bình dân và thanh tịnh chứ tuyệt nhiên “không dính líu gì với vòng danh lợi”, không đòi hỏi nhà cao cửa rộng và phương tiện mà chỉ là một “cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc”, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu” (3) thế là toại nguyện mục đích trở thành một đại biểu Quốc hội để thực hiện quyền được làm “tôi tớ trung thành của nhân dân”, đáp ứng những đòi hỏi của dân trong bầu cử. Đó chính là tấm gương để mỗi công dân Việt Nam soi mình, làm theo trong quá trình bầu cử.

Hiện nay, cả nước đang khẩn trương cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo khí thế “thành công tốt đẹp” từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhằm thực hiện những nhiệm vụ trọng đại được Báo cáo chính trị khái quát ở mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới, đó là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”(4).

Từ khí thế hướng tới giải quyết những nhiệm vụ như thế, tự nó cho thấy, nhân dân đòi hỏi một nguồn lực mới phù hợp với tình hình mới, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định, trước hết vẫn là đội ngũ những người có đức, có tài, có sức khỏe, phát huy được truyền thống hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hợp thành một hệ thống bộ máy quyền lực của dân từ toàn quốc đến làng, xã. Ý thức tập trung cho cuộc bầu cử được thể hiện nhất quán từ dày công nghiên cứu, tìm hiểu, đóng góp ý kiến, cống hiến trí tuệ cho quá trình tổ chức, xác định cơ chế, xác định nhân sự, hoạt động hiệp thương lựa chọn đề cử đại biểu ra ứng cử, nghiêm túc nghiên cứu, xem xét những đại biểu tự ứng cử đến khi cầm bút lựa chọn trong bỏ phiếu... Tất cả đều là một quá trình tâm huyết, trách nhiệm cao với mục đích cử được những đại biểu có đủ điều kiện, có “ham muốn tột bậc” là làm sao cho Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được biến thành hiện thực. Trước hết, thực hiện chủ trương loại bỏ những trở ngại lớn nhất của đất nước, đó là “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Dân đòi hỏi phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bầu cử cũng chính là nguyên tắc, là tư tưởng chủ đạo, là nền tảng tư tưởng để mọi công dân có thái độ đúng, tự giác hưởng ứng cuộc bầu cử với tư cách chủ nhân của đất nước. Đặc biệt, phải có trách nhiệm cao trong lựa chọn đại biểu. Theo tinh thần ấy, trách nhiệm cao đã bao hàm cả tự lựa chọn, nếu thấy mình chưa thể thì “xin lui” khỏi danh sách hiệp thương và tiếp tục phấn đấu với thái độ vui mừng về những đại biểu được lựa chọn. Đồng thời, cũng với tinh thần vì dân, mọi công dân đều phải tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ để tham gia gánh vác trọng trách của đất nước với thái độ rõ ràng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu ý: “Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử”. Muốn lo việc nước, thấy có thể thì tự ứng cử... Tất cả cùng chung “một ham muốn”, do đó trúng cử hay không trúng cử đều có thái độ đúng, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào... Những người không trúng cử cũng “không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ cố gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta” (5). Khi kêu gọi toàn dân đi bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những định hướng cơ bản cho đồng bào cả nước là như vậy. Như thế là động cơ tham gia bầu cử càng rõ ràng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng bền chặt, sự ham muốn mẫu mực do Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sẽ được vận dụng và biến thành sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa để triển khai thắng lợi mọi phương hướng, nhiệm vụ do Đại hội XII của Đảng xác định.

Sau bầu cử, từ Chủ tịch nước đến viên chức bình thường đều phải vững vàng thường trực ý thức là “công bộc” của dân, là “đầy tớ trung thành của nhân dân”. Chỉ như vậy mới vượt lên đáp ứng những đòi hỏi cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại; chỉ như vậy mới bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong hoàn cảnh nhiều diễn biến phức tạp, khó lường bởi 4 nguy cơ còn tồn tại, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất và sự suy thoái về đạo đức, lối sống còn chưa được đẩy lùi...

Dân đòi hỏi mỗi đại biểu được dân cử phải duy trì và phát triển niềm tin mà dân gửi gắm để không có tình trạng “cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”(6). Dân đòi hỏi mỗi đại biểu đều phải thật sự có “ham muốn tột bậc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh ham muốn. Đấy cũng là chuẩn mực hết sức cơ bản để dân theo dõi, kiểm tra, đánh giá cái thực chất của động cơ tham gia bầu cử, khả năng phấn đấu thể hiện động cơ ấy sau bầu cử, để dân đôn đốc, thực hiện quyền điều chỉnh. Nghĩa là từ chuẩn mực này, mọi công dân còn phải xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ chăm lo xây dựng các cơ quan quyền lực do mình lập ra, phải bảo đảm thật sự trong sạch, vững mạnh./.

------------------------
(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.161
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, tr. 76
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 145, 146
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 57

Nguồn:  TCCS
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37066125