Truy cập hiện tại

Đang có 49 khách và không thành viên đang online

Nghĩ về ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946

(TGAG)- Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam.

Tuy nhiên, giành độc lập được rồi, giữ nền độc lập vừa giành được càng khó hơn gấp nhiều lần. Chính phủ mới còn non yếu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lọt thỏm vào vòng vây của các nước đế quốc.

Trước hết, tận dụng thời gian hòa bình để củng cố tiềm lực của đất nước, Chính phủ Hồ Chí Minh đã tập trung diệt giặc đói, diệt giặc dốt, tổ chức và huấn luyện lực lượng vũ trang, tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, Quốc hội họp lại bầu ra Chính phủ chính thức, ra lời kêu gọi “Tuần lễ vàng”, “Nhân tài và kiến quốc”, “Tìm người tài đức”, đặc biệt là các giải pháp củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thông qua việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán (ngày 11/11/1945), rồi sau đó tiến hành việc thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, đoàn kết tất cả người Việt Nam yêu nước, chống Pháp giành độc lập, tự do.

Đối với giặc ngoại xâm, sau mấy tháng thăm dò, Chính phủ Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định sơ bộ (06/3/1946), đuổi Tàu Tưởng về nước. Sau đó là một quá trình nhân nhượng đối với thực dân Pháp và tìm kiếm một sự hỗ trợ từ các nước lớn đối với nền độc lập, tự do non trẻ. Nhưng tất cả đều thất bại. Cuối cùng, trước khi về nước sau gần 4 tháng hoạt động trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ký với Marius Moutet, là Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại (Bộ Thuộc địa Pháp cũ), Tạm ước 14/9, rồi về nước.

Ngày 20/10/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh về tới Hải Phòng. Sau đó tiếp tục gởi một số lời kêu gọi cho Quốc hội, Chính phủ Pháp, cho Liên Hiệp quốc, mong kéo dài thời gian hòa bình. Ngày 20/11/1946, Pháp gây hấn ra Hải Phòng, Lạng Sơn. Ngày 17/12, Pháp nổ súng gây hấn ở Hà Nội. Ngày 18/12, Pháp ra tối hậu thư đòi tước vũ khí lực lượng tự vệ Hà Nội, chiếm Sở Công an Hà Nội và đe dọa “đến sáng ngày 20/12, những điều đó không được chấp nhận thì quân Pháp chuyển sang hành động”. Trong tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp và tối 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi:

 
“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sỹ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ khoảng hai trăm từ, nhưng đầy đủ các ý một lời hịch của non sông.

Mở đầu, bằng vài dòng ngắn ngủi, Bác đã nói rõ ý chí và nguyện vọng của dân tộc ta: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng... nhất định không chịu làm nô lệ”, chứ không như đến ngày hôm nay vẫn còn những luận điểm xuyên tạc lạc lõng rằng dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quá hung hăng, hiếu chiến. Nhưng với truyền thống yêu nước thương nòi, dân tộc Việt Nam sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả tính mạng của mình để đổi lấy độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc.

Từ một đất nước thuộc địa, chống lại đế quốc hùng mạnh, để có sức mạnh đi tới chiến thắng, chỉ có con đường đại đoàn kết dân tộc, không sợ gian khổ, hy sinh, có niềm tin vào thắng lợi cuối cùng: thắng lợi của ý chí độc lập tự do của dân tộc, thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của niềm tin: “Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp, 19/12/1946, đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như một mốc son chói lọi./.

ĐẶNG HOÀI DŨNG
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37334643