Truy cập hiện tại

Đang có 291 khách và không thành viên đang online

Mùa cá đồng tại chợ biên giới Vĩnh Xương



Chợ cá buổi sáng

(TGAG)- Mùa nước nổi ở xã đầu nguồn biên giới Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu là mùa sôi động nhất trong năm, mùa của cá nước chim trời cùng những sinh hoạt sông nước của người dân. Về thăm nơi đây, vào những ngày mùa nước nổi là dịp để cảm nhận vẻ đẹp, chứng kiến sự hào phóng mà thiên nhiên ban tặng cho xứ biên giới đầu nguồn.

Hiện nay, mực nước lũ trên sông vực nhanh, nước cánh đồng đang rút mạnh, đây là thời điểm người dân làm nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi rất phấn khởi, vì sản lượng cá đánh bắt được nhiều hơn, chợ quê cũng nhộn nhịp hẳn với nhiều đặc sản như cá linh, cá cốc, cá kết, rắn, bông điên điển, bông súng… Dù chỉ là những món sản vật bình dị, dân dã nhưng chứa đựng những nét đặc trưng của vùng sông nước đầu nguồn.

Từ 4 giờ sáng, chợ biên giới ấp 5, xã Vĩnh Xương đã náo nhiệt, tấp nập người mua, kẻ bán, tiếng rao mời của các tiểu thương, tiếng ngả giá của khách hàng đi mua sản vật mùa nước nổi đan xen, làm tăng thêm không khí nhộn nhịp của một góc chợ quê ngày mới. Những mẻ cá linh, cá lăng, cá chạch… được người dân thu hoạch sau một ngày vất vả đánh bắt mang ra đây bán. Theo người dân nơi đây, cứ vào mùa lũ hàng năm, chợ ấp 5 lại sôi động. Đây không chỉ là chợ đầu mối phân phối cá đồng cho các chợ, mà việc buôn bán ốc, rắn, các loại cá để ủ làm nước mắm, làm khô còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trong mùa lũ. Cô Lê Thị Hà, chủ vựa cá tại chợ ấp 5 cho biết: "Mỗi ngày vựa của cô nhập từ 1- 5 tấn cá đồng các loại từ người dân địa phương đánh bắt, nhất là những loại cá chỉ có vào mùa nước nổi như cá chèn, cá heo, cá cốc… lại càng được ưa chuộng. Cô Lê Thị Hà chia sẻ. “Những ngày này chợ cá đồng Vĩnh Xương có đủ các loại cá như: cá cốc, cá trạch, cá heo đuôi đỏ thì 200, cá chèn 90 ngàn cá năm nay nhiều hơn các năm, có khi ngày tấn rồi 2-3, rồi tới ngay con nước ngày cũng 9-10 tấn; cá vụn thì bán làm mồi, làm mắm thì qua mắm , bạn hàng từ các nới đến thu mua như ở Long Xuyên, Tân Châu, rồi bên Thường Phước qua…, năm nay nước lớn cá nhiều, mấy người mà ta đặt dớn thì thấy cũng khỏe, thu nhập thì thấy cũng đỡ hơn mấy năm trước”.

Để bắt các loại cá mùa nước nổi, người dân dùng các dụng cụ như: đặt dớn, đú, giăng lưới, đặt đáy, gió cất,... trong đó, đặt đú là dụng cụ đặc trưng nhất. Chú Nguyễn Văn Bé, người dân xã Vĩnh Xương cho biết: gia đình không có ruộng đất, mùa khô thì đi làm thuê, năm nào cũng vậy, khi con nước bắt đầu lớn thì gia đình gồm 4 người đi đánh bắt thủy sản mùa nước nổi kiếm thêm thu nhập. Lúc nước mới về (khoảng cuối tháng 7), ít người đánh bắt nên giá cao, như cá linh đến hơn 50.000/kg, mỗi ngày có thể thu được vài trăm ngàn đồng. Hiện tại, thời điểm nước đang rút đánh bắt được cá nhiều, giá xuống chỉ còn vài nghìn đồng/kg, nhưng mỗi ngày cũng thu được 100.000 – 200.000 đồng, đây là khoản thu khá lớn đối với người dân nghèo biên giới. Chú Nguyễn Văn Bé nói. “Đặt dớn cá năm nay nhiều hơn năm trước bị gì nước lớn cá linh mới nhiều, qua mùa đặt dớn thì đi làm mướn, cũng bán lẻ, rồi cá ủ cho ta vậy đó, thì gạo thóc, xây xài hàng ngày vậy”.

Ngoài đặc sản cá linh, hiện nay người dân trên biên giới rất phấn khởi thu hoạch được nhiều loại cá như: cá cốc, cá chạch, cá heo, cá chèn… Đây là các loại cá có giá thành rất cao từ 100-200 ngàn đồng/kg, mà chỉ khi con nước từ thượng nguồn rút xuống, thì các loại cá này người dân mới đánh bắt được nhiều và  rất được các chủ hàng quán và khách mua thưởng thức với làm quà biếu; ngoài ra, còn có các loại cá he, cá mè dinh, cá dãnh cũng được rất nhiều người dân ưa chuộng để chế biến món ăn hàng ngày cho gia đình. Cô Lê Thị Nô, ngụ xã Vĩnh Xương cho biết: “Năm nay, nước lớn hơn năm trước, bởi vậy cá hơi nhiều hơn, giá cả nó cũng nới hơn năm rồi, cá linh ủ hay cá linh mắm cũng nới hơn, hoặc cá mè dinh, như cá linh thì mình mầm mắm để dành ăn, cá linh mình ủ nước mắm; thường ngày đi chợ cũng mua cá mè dinh về, để mình mần chế biến trong gia đình ăn vậy đó, chiên, thôi nấu canh chua, kho lạc, mùa này rất thích đi chợ vào sáng sớm để ngắm cá, tất cả đều tươi, sống”.

Mùa nước nổi người dân biên giới Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu có muôn kiểu kiếm tiền, đủ mọi vất vả, song vượt lên trên hết vẫn là niềm vui đón lũ, đón sản vật về đồng để người bán, người mua đều được tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng sau nhiều năm khắc khoải với lũ thấp.

Nhờ sản vật mùa nước nổi ban tặng, chợ đầu mối, cho đến chợ “chồm hổm” mùa này trở nên sung túc, phong phú đủ loại thức ăn. Nhờ giao thông thuận lợi, xe cộ các nơi tập trung về thu mua, bán lại rất đông, giao dịch diễn ra nhanh chóng. Mùa này phong phú nhất là cá đồng và các loại rau thủy sinh, ở đâu cũng ngập những sắc màu tươi ngon, góp phần cho chợ quê thêm sung túc. Chợ lúc nào cũng có sẵn cá đồng, cua, ốc, rắn, cá lăng… Trên các sạp rau, bông điên điển vàng ươm nổi bật, bông súng nở tươi rói được bó lọn chất thành từng chồng.

“Tươi từ sáng đến chiều” là câu nói chỉ những mặt hàng bán ở chợ quê mùa nước nổi. Bởi, không phải chờ đợi, chen lấn, ngày 2 buổi đều có ngư dân đem đủ các loại cá, tôm đánh bắt được ngoài đồng đem ra chợ bán. Số lượng ít thì họ tự bán, nhiều hơn sẽ giao cho bạn hàng. Mùa này, không những sản vật nhiều mà còn rẻ, cá mè dinh, cá chốt, cá lăng, cá thiểu giá chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Ông Phan Văn Nuôi, Trưởng ấp 5, xã Vĩnh Xương cho biết: “Năm nay, mùa nước nổi về lớn, lượng cá nhiều hơn 2017-2016, nói chung đời sống của bà con thì cũng tạm ổn, cá tập trùng về chợ ấp 5 thì rất là nhiều, thì Ban nhân dân ấp 5 cũng phối hợp cùng với công an xã tuyền truyền với bà con là chúng ta mua bán tránh chiếm hành lang lộ giới”.

Mùa lũ đem về sự trù phú cho vùng quê biên giới, từ sáng đến tối luôn nhộn nhịp tươi vui. Với những người xa quê, khi ăn cá linh và những đặc sản thiên nhiên ban tặng chắc chắn khiến họ dấy lên cảm giác bùi ngùi nhớ quê, nhớ những mùa nước nổi ngày nào. Còn với khách phương xa, các món ăn này tạo cảm giác lạ miệng nhưng mang đầy hấp dẫn...

Thanh Thúy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40688515