Truy cập hiện tại

Đang có 724 khách và không thành viên đang online

Bàn về chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam hiện nay

(TGAG)- Chuẩn mực đạo đức là những nguyên tắc, quy tắc đạo đức được mọi người thừa nhận trở thành những mực thước, khuôn mẫu để xem xét, đánh giá và điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội.

Nghiên cứu các tài liệu lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, kế thừa các công trình nghiên cứu đã có về lĩnh vực này, kết hợp với quan sát thực tiễn, trao đổi, tọa đàm, trưng cầu ý kiến nhiều đối tượng khác nhau, có thể thấy rằng, nội dung chuẩn mực đạo đức chủ yếu của con người Việt Nam hiện nay là sự kế tiếp các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Có thể khái quát các nét chuẩn mực đạo đức chủ yếu của con người Việt Nam hiện nay như sau:

1- Tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc

Tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc thể hiện ở tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa. Lịch sử dân tộc Việt Nam nổi bật là lịch sử đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, từ đó mà hình thành tinh thần yêu nước. Tinh thần yêu nước đã trở thành một chuẩn mực đạo đức truyền thống của con người Việt Nam. Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước có bước phát triển mới, hoàn chỉnh - đó là yêu nước xã hội chủ nghĩa mà nét nổi bật của nó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lòng trung kiên với con đường xã hội chủ nghĩa là nét chủ đạo trong đời sống tinh thần của nước ta hiện nay và là chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam mới.

Trong điều kiện hiện nay, tinh thần yêu nước phải được thể hiện ở hăng say lao động vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Yêu nước xã hội chủ nghĩa còn phải được thể hiện ở tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tinh thần tự tôn dân tộc thấm đượm bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện ở ý thức giữ gìn quốc thể, nâng cao vị thế dân tộc, tự hào với truyền thống ngàn năm văn hiến, quyết tâm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2- Ý thức cộng đồng, cố kết gia đình - dòng họ - làng xóm - Tổ quốc

Ý thức cộng đồng của người Việt Nam thể hiện trước hết ở tinh thần đoàn kết vì mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại đoàn kết toàn dân là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, một giá trị tinh thần bền vững, một điều kiện bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển trường tồn của dân tộc ta. Hiện nay, đoàn kết toàn dân trên cơ sở thống nhất mục tiêu, lợi ích cơ bản giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là điểm tương đồng, nhằm phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Yêu nước, đoàn kết để xây dựng và bảo vệ đất nước đã trở thành triết lý sống của dân tộc ta, là đạo lý của mỗi người Việt Nam hôm nay.

Ý thức cộng đồng tồn tại trên cơ sở thống nhất các lợi ích: lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, lợi ích của đất nước. Sự thống nhất lợi ích tạo sự đồng thuận trong xã hội, trở thành động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong cơ chế kinh tế thị trường đã hình thành trên thực tế nhiều thành phần kinh tế, làm xuất hiện nhiều giai tầng xã hội, với các lợi ích xã hội đan xen nhau. Các lợi ích đó vừa thống nhất vừa triệt tiêu nhau. Về cơ bản, lợi ích của các giai tầng xã hội thống nhất với lợi ích dân tộc trong quá trình phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giải quyết hài hòa các lợi ích là vấn đề cốt lõi trong giải quyết mối quan hệ cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xóm, Tổ quốc; là cơ sở để xây dựng ý thức cộng đồng, tạo sự cố kết bền chặt ở con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

3- Năng động, thông minh, sáng tạo, vượt khó trong lao động

Quá trình dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm đã tạo dựng đức tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo và trở thành chuẩn mực của con người Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, tinh thần đó lại được phát triển trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Năng động, thông minh, sáng tạo, vượt khó trong lao động của con người Việt Nam ngày nay thể hiện trước hết ở tinh thần đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI năm 1986.

Với những bước đi và cách làm phù hợp, chúng ta đã tiến hành đổi mới thành công. Công cuộc đổi mới đã thu hút được nhiều thắng lợi và thành tựu, đưa đất nước ta thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo thế và lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thắng lợi và thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước đã củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tạo dựng một chuẩn mực trong lao động, trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng phải đổi mới, sáng tạo, thông minh, vượt khó trong lao động.

Tinh thần đổi mới, sáng tạo vượt khó trong lao động là một chuẩn mực đạo đức đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

4- Sống có nhân nghĩa, trung thực, nhân ái, ứng xử có văn hóa

Nhân nghĩa, trung thực là một trong những đặc trưng làm nên bản chất đạo đức của con người Việt Nam. Một người có đạo đức phải là người sống có nghĩa tình, nhân ái, trung thực, ứng xử có văn hóa. Sống có nhân nghĩa, trung thực, nhân ái, ứng xử có văn hóa của con người Việt Nam hôm nay thể hiện ở tinh thần tôn trọng làm giàu chính đáng, khinh ghét làm giàu không chính đáng; trọng đạo lý, uống nước nhớ nguồn; sống lương thiện, thủy chung với bạn bè, vị tha với những lỗi lầm của người thân hoặc đồng loại. Trong các tiêu chuẩn đánh giá phẩm hạnh của con người, tính trung thực được đặt lên hàng đầu. Thiếu trung thực sẽ dẫn đến suy thoái về đạo đức, dẫn đến dối trá, lừa lọc, đạo đức giả.

Tinh thần trọng đạo lý, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” luôn luôn được đề cao. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong thời kỳ mới, Đảng ta xác định: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đảm bảo sự gắn kết, phát triển đồng bộ ba lĩnh vực trên là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.

5- Hành động theo pháp luật

Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật đang dần trở thành một chuẩn mực trong hoạt động và sinh hoạt xã hội, trong các quan hệ xã hội dân sự ở nước ta hiện nay.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời nó phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, các quan hệ xã hội và các hoạt động xã hội dựa trên những quy định chặt chẽ của pháp luật. Với tinh thần đó, trong mấy chục năm qua, Quốc hội nước ta đã thông qua nhiều bộ luật. Các luật đó đã được thực thi trong hiện thực đời sống xã hội. Cùng với xây dựng hệ thống pháp luật, chính quyền các cấp được củng cố và tăng cường hiệu lực quản lý kinh tế - xã hội, thực sự là một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Dân chủ xã hội từng bước được thực hành rộng rãi và có hiệu quả. Vai trò làm chủ xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày một nâng cao. Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền đã nâng dần trình độ nhận thức và hành vi chấp hành pháp luật của các tầng lớp trong xã hội, mọi người đã có ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

6- Ham học hỏi, cầu tiến bộ

Ham học hỏi, cầu tiến bộ là một phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc đã được thế hệ người Việt Nam ngày hôm nay phát huy trong điều kiện lịch sử mới. Ham học hỏi, cầu tiến bộ thể hiện khá rõ trong tiếp thu khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Học hỏi, cầu tiến bộ để đổi mới cách nghĩ, cách làm, để thoát nghèo và làm giàu.

Ham học hỏi, cầu tiến bộ, đổi mới cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế - xã hội đang là một khuynh hướng trong xã hội ta và là một chuẩn mực đạo đức đánh giá từng con người, nhóm người.

Ham học hỏi của mỗi người còn là cơ sở để phấn đấu cho một xã hội học tập.

7- Kết hợp hài hòa tinh thần dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế

Thông qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tinh thần quốc tế vô sản cao cả của con người Việt Nam đã được hình thành và phát triển. Bước vào thời kỳ mới, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang kết hợp hài hòa tinh thần dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế để tạo thành sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mở cửa, giao lưu và hội nhập kinh tế quốc tế. Với tinh thần đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, “Chúng ta sẵn sàng là bạn” của mọi người, mọi dân tộc, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, cùng có lợi, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Đây là tinh thần cơ bản trong quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thời kỳ mới. Tinh thần đó phù hợp với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cho phép chúng ta tận dụng những điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tinh thần độc lập tự chủ, phát huy nội lực. Đối ngoại rộng mở trên tinh thần độc lập tự chủ, phát huy tối đa nội lực là nội dung để kết hợp tinh thần dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế trong thời kỳ mới.

Trong cuộc mưu sinh hàng ngày cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ cao cả của đất nước, trong các quan hệ dân sự ở trong nước cũng như các quan hệ quốc tế, tinh thần tự lực, tự cường luôn là ý thức thường trực của người Việt Nam chúng ta. Mỗi người đều nhận thức rằng, không độc lập tự chủ, tự lực tự cường phát huy mọi nguồn lực trong nước sẽ không thể hòa nhập quốc tế. Chỉ có trên tinh thần độc lập tự chủ, phát huy nội lực, chúng ta mới có cơ sở để tận dụng mọi điều kiện quốc tế tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay./.

P.TTCTTG
__________
Nguồn: BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36724934