Truy cập hiện tại

Đang có 89 khách và không thành viên đang online

Sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

(TUAG)- Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Văn học, nghệ thuật (VHNT) là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Nhận định này đã thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt của VHNT trong văn hóa, trong sự phát triển của con người và xã hội nói chung.
 
Do vậy, trong quá trình lãnh đạo các lĩnh vực xã hội, Đảng luôn giành cho văn hóa, văn nghệ những chỉ đạo từ tầm vĩ mô đến cụ thể trong từng bối cảnh, từng giai đoạn. Điều đó thể hiện ở hệ thống các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ về văn hóa trong từng kỳ Đại hội. Đáng chú ý là tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người ở vị trí tương xứng với các lĩnh vực quan trọng của đất nước.

Trong bài phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021 có nhấn mạnh luận điểm: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, đã đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn hóa với số phận dân tộc. Bài phát biểu ghi nhận công lao, khích lệ, động viên nhưng cũng giao phó trách nhiệm cho những người làm công tác VHVN nỗ lực lao động sáng tạo đáp ứng nhiều nhiệm vụ mới. Tinh thần đội ngũ văn nghệ sĩ từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc là vô cùng phấn khởi, tự hào khi VHVN tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, Nhân dân kỳ vọng về những tác phẩm lớn lao xứng tầm thời đại.

Hiện nay, khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, vấn đề cấp thiết của đội ngũ văn nghệ sĩ là sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới, cổ vũ tinh thần, trở thành động lực để toàn dân nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những thách thức đòi hỏi VHNT không ngừng phát triển, thích ứng, đổi mới như: Toàn cầu hóa và vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong VHNT, xây dựng “quyền lực mềm” quốc gia thông qua VHNT, mối quan hệ truyền thông số và khoa học, công nghệ với VHNT... Nhiều vấn đề rất mới đòi hỏi việc nghiên cứu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đúc kết lý luận, hình thành các định hướng, tránh những biểu hiện lệch lạc trong sáng tạo, xử lý hài hòa, phù hợp các vấn đề nảy sinh trong đời sống VHNT.

Song, về căn bản VHNT Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu đồng hành với dân tộc, đồng hành với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Đây là nguyên tắc cơ bản, từ đó vận dụng linh hoạt để xử lý hàng loạt vấn đề thực tiễn vốn vô cùng đa dạng và phức tạp của đời sống VHNT. VHNT cách mạng là phải đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau về vấn đề thụ hưởng tác phẩm VHNT. Chính vì vậy, VHNT luôn cần những tác phẩm mới, đỉnh cao về giá trị nghệ thuật nhưng không có nghĩa chúng ta thiếu bản lĩnh trong tiếp nhận, đề cao vô lối những tác phẩm chạy theo thể nghiệm nhưng lại xa rời đời sống, lệch lạc thẩm mỹ, bắt chước lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục, chỉ cốt đáp ứng cái tôi sáng tạo vị kỷ.

Truyền thông số và khoa học, công nghệ trên thực tế đã góp phần thay đổi quá trình sáng tạo, tiếp nhận VHNT. Đây là xu thế tất yếu không thể đảo ngược và trên thực tế có nhiều đóng góp tích cực để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng VHNT của người dân, rõ nhất ở nhiều thời điểm giãn cách xã hội. Song, cốt yếu của VHNT vẫn là nội dung chứa đựng phẩm chất chân-thiện-mỹ mới thật sự góp phần làm đời sống tinh thần lành mạnh. Cho nên, chúng ta cần phê phán, không cổ xúy những tác phẩm thiếu lành mạnh, giải trí tầm thường, thậm chí xấu độc, lợi dụng truyền thông số và khoa học, công nghệ để lan truyền nhanh chóng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhận thức của một bộ phận công chúng.



Có 5 vấn đề đặt ra được xác định là quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay mà VHNT đặc biệt lưu tâm: Một là, VHNT với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế. Hai là, VHNT với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, gắn với phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước. Ba là, VHNT với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo. Bốn là, VHNT với nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài. Năm là, VHNT với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bám sát vào nguyên tắc của nền VHNT cách mạng là điều vô cùng quan trọng khi suy nghĩ về các giải pháp để VHNT đáp ứng vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hiện nay. Trước hết, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận VHNT Việt Nam.

Thời gian tới, bối cảnh văn hóa thế giới và trong nước có nhiều biến đổi, nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ, lĩnh vực VHNT chắc chắc chịu sự tác động mạnh mẽ. Song với những định hướng kịp thời của Đảng, cộng với sự nỗ lực của các bộ phận liên quan đến lĩnh vực này, hy vọng sẽ tạo nên diện mạo mới, xứng tầm của VHNT. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho VHNT một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của VHNT chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay”./.

THÁI THÚY XUÂN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39984651