Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - sự toả sáng giá trị văn hoá quân sự Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại
- Được đăng: Thứ ba, 31 Tháng 3 2015 21:23
- Lượt xem: 9117
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, đó “là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam”(1).
Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mở ra một bước ngoặt trong lịch sử đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một trong những trang sử chói lọi, đi vào lịch sử nhân loại như một trong những chiến công thần kỳ của cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc trong thế kỷ XX. Đặc biệt, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, mà một trong những dấu ấn ấy là sự tỏa sáng giá trị văn hóa quân sự Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.
Sự nghiệp dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam là kết tinh một hệ thống đa giá trị trong đó giá trị văn hoá quân sự được biểu hiện hết sức phong phú, đa dạng và độc đáo. Tinh thần độc lập dân tộc, chủ động sáng tạo, đại đoàn kết, quyết chiến quyết thắng... kết tinh thành giá trị văn hóa quân sự truyền thống, được lớp lớp con cháu Đại Việt lưu giữ, kế thừa và phát huy lên tầm cao mới - văn hóa giữ nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là sự kế thừa có chọn lọc kết hợp với sự phát triển của bản lĩnh, trí tuệ và con người Việt Nam - giá trị nhân đạo, nhân văn vì con người và do con người.
“Đem đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo” là giá trị cao đẹp, biểu hiện tính chất chính nghĩa và nhân văn trong văn hóa quân sự Việt Nam. Giá trị “không có gì quý hơn độc lập, tự do” luôn là mục đích hoạt động quân sự của dân tộc Việt Nam và giá trị đó tiếp tục được hội tụ và lan tỏa trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đó là thắng lợi của chính nghĩa, vì lương tri, vì phẩm giá của con người trên tinh thần “đất nước được độc lập, nhân dân được tự do”. Đó là mục đích cao nhất giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, phản ánh ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc, quốc gia có chủ quyền với một nền văn hiến lâu đời mà không kẻ thù nào có thể hủy hoại. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 còn là sự đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng hàng đầu của toàn dân tộc Việt Nam là thống nhất non sông về một mối. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song, chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt nhất, là cuộc đấu tranh vì một nền độc lập dân tộc thực sự - nền độc lập dân tộc có khả năng giải phóng con người về mặt xã hội, mưu cầu hạnh phúc và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Đó là nền độc lập hoàn toàn khác hẳn với thứ “độc lập”, “tự do” giả hiệu, mị dân của nguỵ quyền Sài Gòn mà nhân dân ta không thể chấp nhận. Mặt khác, cũng từ tính chất chính nghĩa, nhân văn của cuộc chiến nên trong phương châm chỉ đạo tiến hành các chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công, ta chủ trương “không đánh hủy diệt, chỉ sử dụng hỏa lực mạnh khi thật cần thiết”, “vừa đánh địch vừa lo bảo vệ dân, tạo thuận lợi để dân nổi dậy giành chính quyền cách mạng”. “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng” và “đạp quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” là kết tinh của tinh thần thượng võ, nhân đạo của dân tộc Việt Nam, đó cũng là sự tỏa sáng của giá trị văn hóa quân sự Việt Nam từ thời mở nước đến thời đại Hồ Chí Minh.
Dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân để tiến hành chiến tranh và xây dựng lực lượng vũ trang vốn là một nét đặc trưng của truyền thống quân sự Việt Nam đã được phát huy cao độ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Có thể nói, trong suốt toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc, nhân dân là nguồn sức mạnh vô tận cho văn hóa dựng nước và cũng là khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển văn hóa giữ nước. Tư tưởng dựa vào dân, lấy dân làm gốc của tổ tiên ta đã trở thành truyền thống văn hóa, là quy luật tồn tại, phát triển dân tộc Việt Nam. Những nét văn hóa đặc sắc đó đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa và phát triển lên tầm cao mới trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, để “cứu dân khỏi nơi chìm đắm”, nhân dân ta đã “dựng gậy làm cờ, bốn phương dân cày tụ họp” giá trị truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam, đánh giặc là vì dân, của dân và do nhân dân tiến hành. Sự nghiệp giải phóng miền Nam được mở đầu từ Đồng Khởi năm 1960 đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một bước tiến dài, vĩ đại của sự nghiệp cách mạng của dân, do dân, vì dân. Từ nhân dân, ta chủ động mở đầu cuộc đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng bộ phận, đánh vào khâu yếu nhất của địch khi đó là chính quyền cơ sở, tạo thế và lực tại chỗ, đẩy địch và cuộc khủng hoảng triền miên, bị động cả về chính trị, quân sự, ngoại giao ngay từ đầu. Do sức mạnh của nhân dân, cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công để đến thời điểm có thể kết thúc chiến tranh, ta tạo ra thế “đánh cho Mỹ cút” để tiến đến “đánh cho Nguỵ nhào”. Mở đầu và kết thúc chiến tranh bằng các động thái tiến hành chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, tạo thế, tạo lực và nắm thời cơ cho Tổng tiến công “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”. Đồng thời, thắng lợi bằng quân sự chỉ trọn vẹn khi nhân dân nổi dậy giành được chính quyền cách mạng, vì lẽ đó, nhân dân cũng chính là người kết thúc chiến tranh.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 còn là sự tiếp nối, tỏa sáng của đường lối quốc phòng toàn dân, xác định đúng đắn vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, phát huy được sức mạnh toàn dân để tiến hành chiến tranh nhân dân và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng. Nhân dân là nguồn sức mạnh vô tận của Quân đội nhân dân Việt Nam, quyết định vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc làm nòng cốt cho sự nghiệp toàn dân đánh giặc. “Toàn dân đánh giặc” là truyền thống quý báu, là sức mạnh vô địch, là yếu tố làm nên chiến thắng của sức mạnh quân sự Việt Nam, đồng thời đó cũng là giá trị văn hóa quân sự truyền thống, điều đó thấm nhuần vào từng người dân Đại Việt, làm cho quân đội luôn được nhân dân ủng hộ, đùm bọc, che chở, phối hợp và sát cánh cùng chiến đấu, tạo nên sự đồng tâm hiệp lực toàn quân, toàn dân vì mục đích cao cả. Chính vì phát huy được truyền thống đó nên quân đội và nhân dân đã cùng nhau xây dựng lực lượng Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tạo lập thế trận, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện vật chất, tinh thần, sẵn sàng chớp thời cơ đánh địch, kết thúc chiến tranh. Sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang, giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, giữa tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ… đã trở thành quy luật phát triển cơ bản trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kế thừa truyền thống “toàn dân đánh giặc” của dân tộc lên tầm mới trong thời đại Hồ Chí Minh, chiến lược quân sự cách mạng được Đảng ta vận dụng linh hoạt và sáng tạo, nhuần nhuyễn giữa đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và các mặt đấu tranh khác nhằm kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài đến ngày toàn thắng.
Vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách thức sử dụng lực lượng vũ trong trong truyền thống dân tộc, Đảng ta đã tổ chức quân đội gồm ba thứ quân cùng với kỷ luật tự giác, nghiêm minh, đoàn kết, gắn bó với nhau như ruột thịt “lớp cha trước, lớp con sau, cùng là đồng chí, chung câu quân hành” thể hiện tính nhân văn, nghiêm minh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự sáng tạo ra vũ khí phù hợp với cách đánh của ta, khắc chế cách đánh và vũ khí của địch... đã được tiếp nối bằng cách thức kết hợp vũ khí, trang bị thông thường với vũ khí, trang bị tương đối hiện đại nhằm mang lại hiệu quả chiến đấu cao, tạo ưu thế bất ngờ, đẩy địch đến lúng túng, thất bại.
Về nghệ thuật dụng binh trong lịch sử giữ nước, tổ tiên ta rất coi trọng nắm vững tình hình, đánh giá đúng địch: “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều”; “toàn dân vi binh, cả nước đánh giặc”, “lấy đoản binh thắng trường trận”... Tài dụng binh còn là nghệ thuật “tạo lực, lập thế, chọn thời” giáng đòn quyết định, nhanh chóng giành thắng lợi. Tất cả những nét đặc sắc đó được tiếp nối một cách sáng tạo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại và được thể hiện tập trung trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trận quyết chiến chiến lược này là sự hội tụ chín muồi của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân. Biểu thị tư duy quân sự sáng tạo, tiêu biểu cho học thuyết chiến tranh nhân dân Việt Nam được bắt nguồn từ chiều sâu lịch sử - truyền thống và phát triển đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh.
Tinh thần đoàn kết quân - dân là biểu tượng cao đẹp của văn hóa quân sự Việt Nam, là sức mạnh trong sự nghiệp dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc, phát huy được tinh thần của quân và dân cùng sức mạnh tất cả các loại vũ khí, trang bị quân sự nhằm tiêu diệt địch, trên tinh thần “cả nước nghênh địch, trăm họ là binh”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để đánh thắng địch có sức mạnh tuyệt đối về vũ khí trang bị hiện đại, làm thất bại các chiến lược chiến tranh, đập tan ý chí xâm lược của chúng, thắng lợi quân sự luôn giữ vai trò trung tâm trong việc giải quyết những nhiệm vụ chiến lược. Trong mối quan hệ với đấu tranh chính trị, vai trò của đấu tranh vũ trang ngày càng nổi lên và chi phối toàn bộ các hình thức đấu tranh khác để thực hiện chiến lược quân sự cách mạng tổng hợp trên cả hai miền đất nước. Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kế thừa, phát huy đến đỉnh điểm nét văn hóa quân sự đặc sắc đó với khí thế “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” của các Binh đoàn chủ lực. Cách thức bảo đảm hậu cần quân sự của dân tộc cũng được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong công tác bảo đảm chiến đấu và xây dựng hậu phương chiến lược trong chiến tranh.
Với truyền thống đại đoàn kết ăn sâu vào tâm thức người Việt, trong lịch sử đánh giặc cứu nước và giữ nước, tổ tiên ta không những coi trọng xây dựng khối đoàn kết toàn dân, mà còn chú ý vấn đề mở rộng quan hệ đoàn kết với các nước trong khu vực để cùng chống kẻ thù chung. Kế thừa và phát triển giá trị lịch sử ấy, sự phối hợp chiến trường trên phạm vi nước ta với mặt trận chung của ba nước Đông Dương từ khi Mỹ mở rộng chiến tranh sang Lào và Cam-pu-chia đã hình thành và phát triển thế chiến lược tiến công chung của chiến tranh cách mạng ba nước, vừa kiềm chế và thắng địch ở Việt Nam, vừa ngăn chặn không để địch mở rộng thành xung đột khu vực và quốc tế. Điều đó còn cho phép chúng ta kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống xâm lược vừa phù hợp với thời cơ lịch sử, vừa có lợi nhất cho cách mạng nước ta và thế giới.
Trong lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước, tổ tiên ta đã để lại truyền thống quý báu trong kết hợp giữa đánh thắng địch về quân sự với khôn khéo trong ứng xử chính trị và nhân văn với kẻ thù trong chiến tranh. “Thể lòng trời mở đức hiếu sinh”, “lấy hòa hiếu làm trọng”, đó là biểu hiện bản sắc độc đáo của nghệ thuật kết thúc chiến tranh một cách ít đau thương nhất cho dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh và được hội tụ và tỏa sáng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Để đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, Đảng ta chủ trương kết hợp đấu tranh quân sự và chính trị với đấu tranh ngoại giao nhằm tiến công địch toàn diện, lấy thắng lợi của đấu tranh quân sự, chính trị trên chiến trường và trong nước để tạo thế cho đấu tranh ngoại giao; lấy thắng lợi của đấu tranh ngoại giao tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự và chính trị giành thắng lợi lớn hơn. Trong mối quan hệ này, Đảng luôn nắm chắc nguyên tắc về tính quyết định của đấu tranh quân sự và chính trị, không hề ảo tưởng vào ngoại giao thuần tuý. Do đó, ta vừa làm thất bại ý đồ thương lượng trên thế mạnh của đế quốc Mỹ, vừa không dồn chúng vào thế “bất khả thương thuyết”, đồng thời tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân loại tiến bộ, trong đó có nhân dân Mỹ.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc đối đầu lịch sử ác liệt, lâu dài trong lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước của dân tộc. Đây là chiến thắng vĩ đại, oanh liệt của nhân dân ta, đó là đỉnh cao của sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng là sự hội tụ và lan tỏa giá trị văn hóa quân sự Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Điểm nổi bật ở đây không chỉ là phát triển chiến lược quân sự cách mạng đến mức cao ở cả hai miền đất nước, mà còn là sự hình thành và phát triển khá toàn diện nghệ thuật đấu tranh chính trị đặc sắc, làm cho chính trị không chỉ là nền tảng cơ bản của cuộc chiến tranh nhân dân mà còn là một phương thức có hiệu lực chiến lược cao nhằm tiến công trực diện quân địch trên chiến trường. Với một cuộc chiến tranh của dân, do dân, vì dân, thì quân sự phải là quân sự chính trị, và chính trị trong chiến tranh phải là chính trị quân sự. Nghệ thuật tiến hành chiến tranh hay, đạt hiệu lực chiến lược lớn chính là nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao được phát triển đến trình độ cao.
Giá trị văn hóa quân sự truyền thống của tổ tiên ta phản ánh suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm đã được giữ gìn, tiếp nối, phát huy mạnh mẽ và phát triển đến đỉnh cao văn hóa giữ nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Điều đó thể hiện ở chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, giá trị truyền thống văn hóa quân sự và sức mạnh quân sự Việt Nam đã chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến của nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một mốc son chói lọi. Sức mạnh ấy đã, đang và sẽ được nhân lên không ngừng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.
--------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t 37, tr 472
ThS. Nguyễn Đình Tương
Viện Khoa học xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng
(Nguồn: TCCS)
Viện Khoa học xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng
(Nguồn: TCCS)