Truy cập hiện tại

Đang có 129 khách và không thành viên đang online

Châu Đốc: Tổ chức lễ giỗ lần thứ 90 cụ Trương Gia Mô

(TGAG)- Ngày 27/11/2019, Trường THCS Trương Gia Mô tổ chức lễ giỗ cụ Trương Gia Mô lần thứ 90. Tham dự lễ giỗ có ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc cùng các thầy cô giáo và đại diện phụ huynh học sinh của trường.


Với tấm lòng thành kính, các đại biểu đã cùng nhau thắp hương và mặc niệm tưởng nhớ cụ Trương Gia Mô.

Trương Gia Mô, hiệu Cúc Nông, tên tự là Sư Thành, sau đổi Sư Quản, còn có bút hiệu Hoài Huyền Tử, sinh năm 1866, tại Hương Điểm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre; quê quán huyện Bình Dương, Gia Định. Cha là Trương Gia Hội, từng làm quan dưới triều Tự Đức, mất sớm nên ông ở với mẹ. Năm 1892, ông được vua Thành Thái bổ nhiệm làm Thừa phái bộ Công. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, vốn là dòng dõi danh gia, tổ tiên nhiều đời làm quan chánh trực; ông không khỏi mang tâm trạng đau buồn, phẩn uất trước sự đàn áp, sách nhiễu dân lành của thực dân Pháp và sự bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn. Ông kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước và viết bản điều trần gồm năm việc gởi lên triều đình nhưng không được chấp nhận. Ông thất vọng từ quan vào Nam, rồi ra Trung vận động cải cách, canh tân nước nhà.

Năm 1905 Trương Gia Mô vào Phan Thiết và kết bạn với Phan Châu Trinh, cùng một số nhà Nho thành lập công ty Liên Thành, trường Dục Thanh để truyền bá duy tân, cách mạng. Năm 1908, miền Trung bất an bởi nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân nổi lên. Lúc nầy ông cũng bị bắt giam ở ngục Khánh Hòa vì tội hoạt động chống Pháp và triều đình. Khi ra tù, ông trở lại Phan Thiết. Năm 1910, Nguyễn Tất Thành tìm gặp ông đưa thư cụ Nguyễn Sinh Sắc gởi gắm con trai. Ông giới thiệu Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở trường Dục Thanh.

Là một nhà Nho yêu nước, chân yếu tay mềm ông chỉ biết dùng ngòi bút để đấu tranh và gởi gắm tâm sự của mình qua thơ văn. Nhưng đến nay, người ta chỉ tìm được một số bài thơ Nôm của ông đăng rải rác trên Nam Phong tạp chí và tập thơ chữ Hán Cúc Nông Thi Thảo. Các tập Gia Định Tam Tiên Liệt Truyện và Thu Hoài Phú cùng một số bài thơ mang tính giáo huấn đã bị thất lạc.


Thất chí, ông lang thang vào miền Tây và đến núi Sam, Châu Đốc, với tâm trạng như hai câu thơ ông đã viết trong bài Thuật hoài:

Sầu đong càng gạt lại càng đầy,

Cũng muốn khuây mà khó nỗi khuây.

Trong một đêm đầu tháng, ông cùng vài người dân làng Vĩnh Tế lên đỉnh núi Sam rót chén rượu tiêu sầu cuối cùng. Khuya ấy, ông lên ngọn tháp Pháo Đài gieo mình xuống vực sâu tự vẫn, mang theo một mối hận vong quốc, để lại bao tiếc thương cho  dân làng Vĩnh Tế và các chí sĩ yêu nước, bè bạn gần xa. Đó là đêm mùng 2 tháng 11 năm Kỷ Tị 1929.

Năm 1994, Ban quản trị Lăng miếu núi Sam xây dựng ngôi miếu thờ để tưởng niệm Trương Gia Mô bên đường Tháp trên sườn núi Sam. Miếu thờ tuy nhỏ nhưng khang trang với mái cong lợp ngói xanh, tọa lạc trên nền cao. Trước miếu là bản văn bia khắc trên đá do nhà văn Mai Văn Tạo viết rất cảm động về cụ Nghè. Theo sử liệu, ông vốn hiếu học, có kiến thức uyên thâm, là quan triều đình nên có người lầm tưởng gắn cho ông học hàm tiến sĩ và gọi là ông Nghè Mô. Ngoài miếu thờ, ở phường Núi Sam còn có một ngôi trường trung học mang tên ông./.

Vân Anh, Thành Thái
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40085345