Truy cập hiện tại

Đang có 52 khách và không thành viên đang online

Phong trào nhân dân An Giang đấu tranh chống, phá ấp chiến lược

(TGAG)- Phong trào Đồng khởi của quân dân miền Nam thắng lợi đã đưa khí thế cách mạng lên cao, đồng thời làm chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, trong đó bình định, dồn dân lập ấp chiến lược là “xương sống”, là nội dung cơ bản.

Biện pháp chủ yếu đế tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực là hành quân càn quét, đánh phá, triệt hạ làng mạc, dồn dân, chiếm đóng, khống chế nhân dân là chính. Mục tiêu cơ bản của ấp chiến lược là kềm kẹp dân để thực hiện “tát nước, bắt cá” lùng bắt cán bộ, đảng viên cộng sản, cơ sở cách mạng, đánh phá “tận gốc” phong trào cách mạng.

Được chính quyền Sài Gòn chọn làm trọng điểm xây dựng ấp chiến lược ở miền Tây, chính quyền An Giang tập trung nhiều tiền của, công sức để thực hiện với quyết tâm chỉ trong năm 1962 sẽ lùa hết dân nông thôn An Giang vào các ấp chiến lược.

Ở những vùng gần căn cứ cách mạng hoặc trên những vùng giao thông chiến lược, địch tiến hành qui khu, xây dựng ấp chiến lược kiểu mẫu như những pháo đài có hàng rào kẽm gai bao quanh, phía ngoài là hào sâu cắm đầy chông nhọn, bên trong đắp ụ chiến đấu sau bờ đất cao. Ở vùng dễ kiểm soát dọc hai bên đường hoặc cặp bờ kinh thì chúng làm hàng rào phía sau nhà dân ngăn cách đồng ruộng, vườn tược. Ven chân núi thì địch triệt phá hết nhà cửa, cây trái, hoa màu. Ở biên giới, địch làm đường giao thông liên hoàn, liên kết các ấp chiến lược lại thành từng “vùng chiến lược”...

Theo báo cáo của địch từ ngày 10-1 đến 30-11-1962 chính quyền An Giang đã mở 15 chiến dịch xây dựng ấp chiến lược với hàng trăm cuộc càn quét, gom dân và đến cuối năm đã lập được 245 ấp chiến lược (345.055 dân), trong đó có 11 ấp do quân đội cai quản, 50 ấp do thanh niên chiến đấu bảo vệ.

Sau một thời gian bị động trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch khiến cho các ấp giải phóng trước đây trở thành vùng giải phóng không dân, Tỉnh ủy An Giang chỉ đạo các nơi tích cực đẩy mạnh phong trào phá ấp chiến lược bằng nhiều hình thức, từ đấu tranh chính trị tại chỗ cho đến kết hợp với lực lượng vũ trang, binh vận đánh địch.

Hàng trăm đồng bào xã Vọng Thê (Huệ Đức) bao vây hội đồng xã và đồn dân vệ chống việc bắt dân đi xây dựng ấp chiến lược. Cuộc đấu tranh khá căng thẳng khiến đám dân vệ là con em đồng bào phải trốn khỏi đồn. Ở Thới Sơn, Nhơn Hưng (Tịnh Biên) đồng bào nhiều lần kéo lên quận đấu tranh đòi bồi thường cây trái bị đốn phá. Phụ nữ xã Ba Chúc ban ngày đấu tranh đòi được đi lại làm ăn, mua bán; ban đêm được du kích hỗ trợ, đồng bào tháo gở hàng rào, cắt dây kẽm gai. Bốn mươi đồng bào ở ấp chiến lược An Phước (Ba Chúc, Tri Tôn) giả bị bệnh kiết lỵ kéo ra quận xin thuốc uống và tố cáo do uống nước giếng cố vấn Mỹ bỏ thuốc lọc nước, gây hoang mang dư luận. Đồng bào vùng Châu Thành kéo đến dinh Tỉnh trưởng tố khổ vì nạn lụt, đòi cứu trợ, đòi tự do đi lại làm ăn… Ở Khánh Bình (An Phú), đồng bào Chăm tham gia phá ấp chiến lược số 2 với sự đồng tình của các tộc trưởng.

Song song, lực lượng vũ trang tỉnh kết hợp lực vũ trang tại chỗ đánh địch, phá ấp chiến lược. đại đội 291 của Khu 8 phối hợp lực lượng địa phương diệt đồn Cái Da, phá ấp chiến lược An Quới (Hòa Bình, Chợ Mới); phá ấp chiến lược Mỹ Trung (Mỹ Luông) diệt trưởng ấp. Tiểu đoàn 512 tấn công ấp chiến lược Lương An Trà (Lương Phi) diệt 17 bảo an; tấn công khu trù mật Ba Chúc làm chết và bị thương 16 lính biệt động quân… trong một báo cáo riêng về ấp chiến lược năm 1962, địch cho biết đã có 45 vụ phá ấp chiến lược, 23 lính và tề, điệp bị bắn chết và tử hình, 7 bị bắt, mất 7 súng.

Bước qua năm 1963, cuộc đấu tranh giữa lập và phá ấp chiến lược ở An Giang quyết liệt hơn khi địch thay đổi chủ trương gom dân từ diện rộng sang có trọng điểm, đưa quân chủ lực trực tiếp dỡ nhà, phát hoang vườn tược và đàn áp nhân dân đấu tranh, xây dựng hàng loạt ấp chiến lược trên đường chiến lược ở vùng biên giới Bảy Núi, Huệ Đức; đánh phá ác liệt vùng giải phóng…

Việc thay đổi thủ đoạn của địch gây khó khăn lớn cho phong trào cách mạng. Lực lượng tại chỗ bị thiệt hại nhiều, cán bộ, đảng viên bên ngoài khó đi lại bám địa bàn hoạt động, cơ sở bên trong ấp chiến lược bị khống chế khó dấy lên phong trào chính trị. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường mũi vũ trang và binh vận tập trung phá ấp chiến lược có hiệu quả hơn, đồng thời mở rộng địa bàn tác chiến vào các trung tâm địch, tiêu diệt sinh lực địch để chúng bị động đối phó, không tập trung cao độ vào ấp chiến lược.

Với ba mũi giáp công, trong năm 1963, hàng loạt ấp chiến lược ở vùng trọng yếu như vành đai biên giới, vùng giáp ranh, ven căn cứ… bị phá vỡ.

Địa phương quân huyện An Phú và du kích xã Phú Hữu liên tục hỗ trợ đồng bào phá đi, phá lại nhiều lần ấp chiến lược Phú Hiệp, nhổ cọc sắt, cắt kẽm gai, ban bờ mỗi lần từ 50 mét đến 300 mét, đến mùa nước 1963, cách mạng giải phóng ấp Phú Hiệp. Tối 30-6-1963, địa phương quân huyện An Phú phối hợp du kích xã và một số dân công tập kích ấp chiến lược II (Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Lộc) diệt đại diện xã, bắt toàn bộ trung đội dân vệ giáo dục thả tại chỗ, phát động quần chúng nổi dậy phá tan hàng rào ấp chiến lược, chở cọc sắt về căn cứ. Ở Nhơn Hội, địa phương quân huyện, du kích xã phối hợp nội tuyến diệt ác, đánh dân vệ đi tuần phá gần hết ấp chiến lược Tắc Trúc, Bắc Đai.

Ở Mỹ Hiệp (Chợ Mới), du kích xã bao vây, bắn phá đồn dân vệ, hỗ trợ cho 300 đồng bào phá ấp chiến lược ấp Trung, ban bờ hàng rào chiến lược dài 1.500 mét. Đồng bào còn tuần hành hô vang các khẩu hiệu đả đảo Ngô Đình Diệm và quốc sách ấp chiến lược, Hồ Chí Minh muôn năm... Trưởng ấp, phó ấp được cách mạng giáo dục nên nghỉ việc, còn nộp cho du kích 200 viên đạn. Liên tiếp mấy đêm sau, đồng bào phá hết ấp chiến lược trong xã, xây dựng các công sự chiến đấu từ đầu ấp Thị đến ấp Đông, cắm chông, gài lựu đạn, nơi này trở thành căn cứ lõm của cách mạng. Ở xã Hội An, mỗi đêm có khoảng 500 người, trong đó có 300 phụ nữ được lực lượng vũ trang hỗ trợ kéo ra cắt dây chì gai, ban đất xuống phá hết các ấp chiến lược An Phú, An Thái, An Khương, An Ninh, An Bình.

Ở Bảy Núi, phong trào đấu tranh đòi về ruộng vườn cũ diễn ra liên tục bằng nhiều hình thức như tự đốt nhà ở ấp chiến lược rồi tố cáo là sống không an toàn (xã Nhơn Hưng), cất lại chòi, nhà trong vườn chỉ để trẻ em ngoài ấp chiến lược đi học… Ba mươi người dân xã Thới Sơn (Tịnh Biên) ra hội đồng xã đấu tranh chống lính đến phá vườn rồi đưa đơn lên quận. Tiếp theo, 47 người mang đơn xuống tỉnh yêu cầu ngưng dồn dân, dời nhà vào ấp chiến lược. Ở những nơi địch kềm kẹp nặng, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện trực tiếp tấn công tiêu diệt địch, phá ấp chiến lược như đột kích vào Ba Chúc diệt 2 đại đội địch, giải phóng 2 ấp An Phước, An Hòa; tấn công đốt, phá ấp chiến lược Lương An Trà…

Sau ngày Ngô đình Diệm bị đảo chánh (1-11-1963), phong trào phá ấp chiến lược lên đỉnh cao với những cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang liên tục trên các địa bàn. Đồng bào thường xuyên nổi trống mõ, mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn, cùng du kích bao vây đồn bót… Ở Long Sơn (Tân Châu) có 26 cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ bằng hình thức “đi chợ nhồi” từ cây số 7 lên quận lỵ. Trên 3.000 đồng bào các xã và thị trấn Tân Châu kéo biểu tình qua đường phố hô vang các khẩu hiệu phản đối Mỹ - chính quyền Sài Gòn đàn áp, khủng bố, đòi bãi bỏ ấp chiến lược. Hơn 150 đồng bào Bình Hưng và Bình Chánh kéo biểu tình đả đảo hội đồng xã Bình Long (Châu Phú) đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống lính khủng bố, bắn pháo vào ruộng rẫy. Tính chung, đến cuối năm 1963 đã có 381/452 ấp chiến lược toàn tỉnh của địch bị phá sạch.

Trong đợt Xuân Hè (từ 13-4 đến 4-5-1964), quân giải phóng tấn công địch mở vùng biên giới Tân Châu, An Phú phá hết các ấp chiến lược ở Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội; xã Phú Hội được giải phóng. Đêm 30-11 và 1-12-1964, quân giải phóng tiêu diệt đồn Băng Trạo (An Tức), Tha La Păng Xây (Ô Lâm), bức rút đồn cầu sắt Cô Tô, Huệ Đức chiếm lại vùng giải phóng núi Tô (Tri Tôn)…

Bằng sức mạnh tổng hợp của phong trào ba mũi giáp công, lực lượng cách mạng đã đánh diệt địch làm lỏng thế kềm kẹp, phá hết các ấp chiến lược còn lại mà chúng đặt tên mới là ấp tân sinh, phá tan kế hoạch bình định, lập ấp chiến lược của địch ở An Giang, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - chính quyền Sài Gòn ở miền Nam./.

Nguyễn Thị Nga

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39850553