40 năm giải phóng Trường Sa: Đất liền không bao giờ quên đảo xa
- Được đăng: Thứ năm, 09 Tháng 4 2015 15:57
- Lượt xem: 3207
Đến nay, sau 40 năm, các cựu chiến binh từng tham gia giải phóng bảo vệ đảo có dịp quay lại Trường Sa đều không giấu được niềm tự hào.
Những ngày này 40 năm trước, trong khi quân ta hướng về Sài Gòn giải phóng miền Nam thì cũng có một số đơn vị theo những con tàu ra giải phóng, tiếp quản Trường Sa. Với sự chỉ đạo nhạy bén của Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội ta đã nhanh chóng giải phóng Trường Sa.
Tháng 3-1975, bộ đội ta liên tiếp giành được những chiến thắng quan trọng tại Tây Nguyên và miền Trung. Trong lúc này, Quân ủy Trung ương do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư đã kiến nghị Bộ Chính trị giải phóng các hòn đảo trên Biển Đông và đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25-3-1975.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về tình hình biển đảo, chỉ đạo Cục Quân báo nắm tình hình quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Biển Đông để có kế hoạch giải phóng kịp thời. Mũi tiến công trên biển được giao cho Đoàn 125 phối hợp với đoàn 126 - Đặc công nước của Hải quân và Sư đoàn 2 bộ binh, Quân khu 5 đảm nhiệm.
Các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa
Chiều 11-4-1975, biên đội 3 tàu vận tải và 2 tàu cá giả trang cắt sóng thẳng hướng quần đảo Trường Sa. Sau hơn 3 ngày hành quân, tàu của ta đã bí mật đưa Bộ đội Đặc công nước đổ bộ lên đảo Song Tử Tây vào ngày 14-4.
Cựu chiến binh Bùi Ngọc Liêm kể, 40 năm trước, ông là chiến sỹ quân báo được điều về Đoàn 126 để lên tàu ra giải phóng phóng quần đảo Trường Sa. Ông Liêm nhớ lại trận đánh tại đảo Song Tử Tây, bộ đội vừa tấn công bất ngờ, vừa phát loa thông báo nhiều vùng trong đất liền đã được giải phóng, kêu gọi lực lượng giữ đảo đầu hàng. Vì thế, trận đánh diễn ra nhanh chóng, giảm tổn thất cho cả 2 bên.
Những ngày sau đó, khi trong đất liền liên tiếp thắng lớn thì ở ngoài biển, quân ta lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa như: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang… Đến ngày 29/4/1975, 6 đảo do chính quyền Sài Gòn chốt giữ đã được giải phóng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thùy, Cựu chiến binh Hải quân, Trưởng Ban liên lạc Hội Bộ đội giải phóng Trường Sa, cấp trên đã yêu cầu các đơn vị tác chiến phải kiên quyết, táo bạo, có thời cơ là đánh ngay, bảo đảm chắc thắng.
“Đảng ta, đặc biệt là Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhạy bén trong mọi tình huống. Trong lúc đó, tất cả mọi người đều tập trung cao độ nhất cho Sài Gòn nhưng chúng ta vẫn không quên việc ngoài đảo xa, đảo thì nhỏ, chỉ có cát trắng, chúng ta vẫn giữ phần đất thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Nguyễn Xuân Thùy nhấn mạnh.
Giải phóng đảo đến đâu, tàu ta nhanh chóng đưa lực lượng của Sư đoàn 2 bộ binh ra tiếp quản, chốt giữ các đảo đến đó. Ông Ninh Khắc Vận, cựu chiến binh Trung đoàn 38, Sư đoàn 2- Quân khu V cho biết, ngày đó, ta chốt giữ 6 đảo, trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ bề từ nước ngọt đến lương thực, thực phẩm. Đến nay, sau 40 năm, các cựu chiến binh từng tham gia giải phóng bảo vệ đảo có dịp quay lại Trường Sa đều không giấu được niềm tự hào.
Ông Ninh Khắc Vận ngỡ ngàng trước sự đổi thay của Trường Sa hôm nay: “Khi chúng tôi ra chốt giữ, thiếu thốn nhiều lắm. Trong 3 tháng đầu tiên không được tiếp tế, thiếu nước ăn, thiếu gạo, thiếu thư từ của nhà, cây cối lưa thưa. Đến bây giờ, nhà chùa, trường học, công sở không khác gì trong đất liền chúng ta cả”.
Đến nay, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có 2 xã là Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa. Nhiều công trình dân sinh được xây dựng kiên cố như: trường học, bệnh xá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ người dân địa phương và ngư dân từ đất liền ra khai thác thủy sản. Tại các đảo xa, nhiều ngôi chùa, đền thờ Bác Hồ, tượng đài Trần Hưng Đạo, Đài Liệt sĩ… là những nơi cư dân trên đảo thường xuyên đến dâng hương, dâng hoa tỏ lòng tri ân các anh hùng dân tộc và những người đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết: Những năm qua, đồng bào trong và ngoài nước đã chung tay góp sức xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh.
“Sau 40 năm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài, các chức sắc tôn giáo nên đến nay huyện đảo Trường Sa cơ bản thay đổi toàn diện. Trước hết cơ sở vật chất trên từng điểm đảo được cải thiện, các đảo nổi hiện nay đều có hệ thống năng lượng sạch, đường sá, trường học, nhà ở của dân vững chắc chịu được mọi cơn sóng gió. Hiện nay, các trạm xá là chỗ dựa cho ngư dân chúng ta bám biển dài ngày”- ông Nguyễn Viết Thuân bày tỏ.
Ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Tỉnh Khánh Hòa đang triển khai tổ chức hoạt động kinh tế ở khu vực Trường Sa, các đội tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo. Người dân trên đảo và ngư dân ở trong đất liền cùng hoạt động trên đó nên giao lưu hàng hóa sẽ làm giàu cho ngư dân trên đảo cũng như trong đất liền. Hệ thống chính trị sẽ được xây dựng càng ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Cả nước luôn hướng về Trường Sa thân yêu, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 40 năm thống nhất đất nước, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa không ngừng lớn mạnh, khẳng định vị trí chiến lược trọng yếu về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng của nước ta./.
Theo VOV