Truy cập hiện tại

Đang có 193 khách và không thành viên đang online

Câu chuyện “Chiến thắng Điện Biên Phủ và tài dùng người của Bác”

(TGAG)- Khi nhắc đến tên Bác, mỗi người dân Việt Nam đều cảm thấy vô cùng tự hào xen lẫn niềm biết ơn vô bờ bến về những hy sinh cao quý mà Người đã dành trọn vẹn cho non sông, đất nước và đồng bào ta. Người không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng đại tài mà nghệ thuật dùng người của Bác vẫn còn để lại rất nhiều ý nghĩa và bài học cho ngày hôm nay.

Mời các bạn cùng tìm hiểu về tài dùng người của Bác qua câu truyện với tựa đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ và tài dùng người của Bác”:

Trước khi lên đường ra mặt trận làm nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuối Tát để chào Bác và xin ý kiến Bác, Bác hỏi Võ Đại tướng:

- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại?

- Thưa Bác, chỉ có trở ngại là mặt trận Điện Biên ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.

Bác thân mật nói với Võ Đại tướng:

- Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.

Khi chia tay, Bác còn nhắc:

- Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.

Lời dặn đó như kim chỉ nam xuyên suốt giúp Đại tướng đưa ra được những quyết định sáng suốt và đầy bản lĩnh ở những thời khắc cực kỳ khó khăn.

Từ An toàn khu Định Hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có mặt ở sở chỉ huy Thẩm Púa (cách Điện Biên Phủ 15 km) và bắt tay vào triển khai kế hoạch tác chiến như đã xác định và thống nhất từ ban đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh”.

Nhưng với tinh thần trách nhiệm trước sinh mệnh của hơn 40 ngàn quân tham chiến, với cương vị của người Tổng chỉ huy mặt trận, trên cơ sở tình hình đang diễn biến ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Võ Đại tướng có cảm nhận nếu chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm. Vì vậy, Đại tướng đã có cuộc trao đổi với trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh và lời khuyên của cố vấn Trung Quốc là “nên giữ phương án đánh nhanh, thắng nhanh” để giải quyết sớm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tuy cho rằng “đánh nhanh” không thể giành được thắng lợi, nhưng chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn và cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị nên Võ Đại tướng đã triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch tác chiến.

Thời gian nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được quyết định là 17 giờ ngày 25-1-1954. Gần ngày nổ súng, một chiến sỹ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng tiến công lại 24 tiếng đồng hồ. Từ khi giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị đến lúc này chỉ mới mười một ngày. Nhưng thêm mỗi ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng nhận thấy rõ là không thể “đánh nhanh” được.

Đại tướng nhớ lại lời dặn của Bác Hồ trước khi lên đường ra trận và nghị quyết của Trung ương hồi đầu năm là “chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!”. Càng nhớ, càng thấy gánh nặng trên đôi vai của một “tướng quân tại ngoại”. Sự đắn đo, suy tính cho việc thắng hay bại của trận quyết chiến chiến lược và cái giá phải trả bằng xương máu hy sinh của cán bộ, chiến sỹ đã khiến Đại tướng nhiều đêm không ngủ được, đặc biệt là đêm 25-1-1954.

Sáng sớm 26/1, ông triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận cùng các tư lệnh, chính ủy đại đoàn và các cục trưởng để đi đến thống nhất một quyết định có tính chất lịch sử. Trong cuộc họp, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn vì kế hoạch đã được phổ biến đến bộ đội và cũng chỉ còn ít giờ nữa sẽ nổ súng. Khi ấy có ý kiến lo lắng nếu chuyển phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, việc chuẩn bị hậu cần sẽ rất khó khăn bởi gạo nuôi quân khi đó phải vận chuyển từ Thanh Hóa lên hoặc Việt Bắc sang đều phải trải qua quãng đường 500 km.

Tuy vậy, sau khi nghe tất cả mọi người trình bày ý kiến, Võ Đại tướng đặt câu hỏi: “Ai có thể khẳng định chắc thắng nếu đánh nhanh?”, thì không vị nào đủ tự tin. Sau đó, Đại tướng kết luận cuộc họp lịch sử và cân não ấy bằng chỉ thị: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra”. Ngay sau đó, các cán bộ Cục Tác chiến phải gấp rút tỏa xuống các đơn vị để phổ biến phương án mới.

Về sau, trong hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Võ Đại tướng đã thổ lộ: “Ngày hôm đó (tức ngày 26-1-1954), tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”.

Ngày nay, tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ và đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta như một điểm son sáng chói. Đó chẳng những là thắng lợi quyết định dẫn đến chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, mà còn góp phần làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Điều đó càng chứng minh sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng tài tình của Đảng ta, của Trung ương và Bộ Chính trị, mà trước hết là của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã sáng suốt, nhìn thấy rõ phẩm chất, bản lĩnh và tài năng của từng cán bộ. Người đã vững tin ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của mình.

Ngày nay, trước yêu cầu đòi hỏi cao của xã hội, người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, biết chăm lo phát hiện nhân tài, biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ. Dùng người tài mà không đúng, công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng. Có thể nói, quan điểm này của Người là bài học lớn trong công tác cán bộ của Đảng./.

T.P.H

___________
Tham khảo: Những mẫu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40579744