Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch
Quan tâm hơn nữa đối với công tác quản lý, trùng tu, bảo tồn và phát huy các di tích
- Được đăng: Thứ hai, 12 Tháng 1 2015 07:44
- Lượt xem: 5610
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Một trong trong những kết quả đáng chú ý đó là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp các ngành và của toàn xã hội, đặc biệt là trong công tác trùng tu, tôn tạo, phát hiện và phục hồi. Nhiều di tích có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt. Hệ thống các di tích, các thiết chế văn hóa truyền thống, dân gian trên địa bàn tỉnh ta cùng với lễ hội truyền thống gắn liền với nó, đã trở thành điểm nhấn, là động lực góp phần tích cực trong việc thúc đẩy đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng ngày thêm khởi sắc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, trở thành nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí chủ yếu của cộng đồng, nhất là vùng nông thôn; từng bước đã trở thành điểm đến của du khách gần xa, góp phần quan trọng vào phát triển du lịch của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 77 di tích, bao gồm 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 27 di tích cấp quốc gia và 48 di tích cấp tỉnh. Có thể thấy rõ trong thời gian qua, công tác trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng với sự xã hội hóa rất cao. Bảo tàng An Giang được quan tâm đầu tư xây dựng khá khang trang và hiện đại với diện tích trên 5000 m2, lưu giữ và bảo quản hơn 12000 hiện vật, tài liệu có giá trị, phản ánh lịch sử vùng đất, con người và truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân An Giang qua các thời kỳ. Ngoài ra An Giang còn có 103 ngôi đình, hàng trăm nhà thờ, chùa và các thiết chế văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo khác. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, từ năm 1998 đến 2013, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành trùng tu tôn tạo 74 di tích với tổng kinh phí trùng tu hơn 100 tỷ đồng. Trong số đó, nguồn đóng góp từ cộng đồng là chủ yếu (gần 73,5 tỷ). Mới đây nhất, huyện Chợ Mới đã tiến hành trùng tu tôn tạo ngôi đình Tấn Mỹ - một di tích lịch sử cấp tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, nguồn kinh phí này chủ yếu huy động từ nguồn đóng góp xã hội.
Tuy nhiên, còn đó không ít nỗi lo trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích trên địa bàn trong thời gian qua. Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của Tỉnh ủy đã chỉ rõ: “...nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy tác dụng của các di sản văn hóa”. Ở cấp tỉnh, lượt người dân đến với Bảo tàng, đến với hệ thống các hiện vật trưng bày nơi đây còn hạn chế. Ở cơ sở, có những di tích trong quá trình trùng tu đã làm biến đổi diện mạo, không còn giữ được những giá trị đặc sắc truyền thống của mình. Một số di tích bị cơi nới, xâm hại do bị lấn chiếm, do thi công các công trình giao thông, dân sinh... kèm theo đó, ý nghĩa văn hóa của một số lễ hội gắn với di tích ở một số nơi đã bị giải thích sai lệch, dẫn đến những biến tướng lệch chuẩn. Các chức năng, giá trị văn hóa, tôn giáo của các lễ hội đình chùa, di tích cũng chưa được phát huy đúng đắn, thậm chí có thể bị lợi dụng cho các mục đích sai trái, mê tín dị đoan, để từ đó dẫn tới những việc đưa vào khuôn viên thờ tự những hiện vật, những nghi lễ không phù hợp. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: chưa nắm vững các quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Đối với Ban quản trị, Ban quý tế của các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng chưa phải là di tích thì việc xây dựng các quy chế hoạt động còn nhiều lúng túng, chưa có được sự hướng dẫn cụ thể, từ đó trong hoạt động vô tình dẫn đến những sai sót không đáng có…
Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã chỉ rõ “... bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế”, đồng thời “… xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa”. Để làm được điều đó, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp quan trọng như chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cũng như ưu tiên tăng cường các nguồn lực xã hội để đầu tư cho hệ thống di tích và các thiết chế văn hóa khác. Tăng cường công tác truyên truyền phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Di sản văn hóa (đã được sửa đổi, bổ sung) giúp cho các Ban quản lý di tích thực hiện tốt hơn nữa vai trò chức năng và nhiệm vụ của mình.
Đồng thời, cần tổ chức khảo sát, nghiên cứu và mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức xây dựng, nội dung cơ bản về quy chế hoạt động cho các Ban quản trị, Ban quý tế của các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng trên địa bàn. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các ngành các cấp, nhất là của ngành chuyên môn trong việc khắc phục những mặt còn hạn chế trong thời gian qua, giúp cho hoạt động của hệ thống di tích và các thiết chế văn hóa khác trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, đẩy phát triển đời sống văn hóa địa phương.
Nguyễn Mạnh Hà