Truy cập hiện tại

Đang có 174 khách và không thành viên đang online

Phải luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, trong sạch về đạo đức lối sống

(TGAG)- Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sạch về đạo đức lối sống là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cộng sản phải luôn tự chỉnh đốn, loại bỏ những tiêu cực, khắc phục khuyết điểm sai lầm của mình.

Đánh giá tình hình thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ qua, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nghiêm khắc chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí phấn đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao...

Nói tư tưởng chính trị có nghĩa là anh theo khuynh hướng chính trị nào, đứng trên lập trường nào, quan điểm nào, đứng về phía ai, bảo vệ ai? Là đảng viên Đảng cộng sản, chúng ta có thật lòng vì chủ nghĩa xã hội và kiên định đường lối, lý tưởng của Đảng không? Cương lĩnh đã nói, Nghị quyết đã nói, chúng ta có nói khác không? có đưa lên các phương tiện thông tin truyền thông, rồi trả lời phỏng vấn hay bày tỏ trên mạng xã hội không, hãy tự kiểm điểm xem? Các thế lực xấu đang tìm mọi cách để chống phá ta, tấn công vào Đảng ta, vậy thái độ của chúng ta thế nào?

Nói suy thoái đạo đức lối sống là nói tính ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, đoàn kết xuôi chiều; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc... Vấn đề này đang là điều nhức nhối, đặc biệt là ở địa phương, cơ sở; và quần chúng là người dễ nhìn thấy nhất. Quần chúng ở cơ sở không mất lòng tin vào Đảng, vào đường lối mà mất lòng tin vào con người cán bộ cụ thể ở cơ sở, mất lòng tin qua một số hiện tượng như tham nhũng, tiêu cực, cơ hội, trục lợi gây bất bình trong nhân dân.

Vậy chúng ta tự hỏi, tại sao người dân kêu mất niềm tin? Chúng ta thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ đúng chưa, hay tự đặt mình lên trên tập thể, ra ngoài tổ chức; bản thân chúng ta có mạnh dạn, thẳng thắn, trung thực không, hay vẫn xuê xoa, nể nang, lấy lòng nhau, trong hội nghị thì nhất trí, nhưng ra ngoài thì nói khác; phân công công tác có nhận không, hay chạy hết chỗ này đến chỗ khác? Có sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân không? Có vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân không? Có rượu chè, đánh bạc, phí phạm thời giờ lao động không? Đó là đạo đức, lối sống chứ là gì? Những vấn đề cụ thể như thế mình có hay không? do đâu? do cơ chế, điều kiện khách quan? hay tại chúng ta không chịu tu dưỡng, rèn luyện?

Lâu nay chúng ta vẫn nói, tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, nhưng thực tế có không ít tập thể và cá nhân chưa làm tốt việc này. Có nơi biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau, cũng có tình trạng lợi dụng dịp này để “hạ bệ” nhau.

Trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành, Đảng ta luôn tự đấu tranh, tự chỉnh đốn, không ngừng làm trong sạch đội ngũ của mình. Trong tác phẩm Tự chỉ trích, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm là khó tránh khỏi, điều quan trọng là phải biết tự phê bình, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong cuốn Đường kách mệnh rằng, một đảng mà không tự nhận thấy khuyết điểm, yếu kém của mình và không sửa chữa là một “đảng hỏng”...

Phát huy truyền thống anh hùng và bản chất tốt đẹp của Đảng, chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, không sợ nói ra “bệnh” của mình; ta học tập Bác Hồ về tự phê bình và phê bình cốt để bản thân và đồng chí mình tự thấy “vết nhọ trên trán” để lau sạch, để sửa mình. Nhưng muốn có kết quả tốt thì phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và có các hình thức dân chủ để đảng viên đóng góp phê bình và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đúng đắn.

Quá trình tự phê bình và phê bình phải thật công tâm, chân thành, khách quan, nói phải khoa học, đúng mức, không nên tự bôi nhọ mình, tự làm mất uy tín của mình để kẻ xấu lợi dụng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Ngoài ra cũng không ai được phép lợi dụng việc đấu tranh khắc phục khuyết điểm, tiêu cực để bôi nhọ, hoặc có thái độ cực đoan, đả kích người khác, gây rối nội bộ đều là không đúng.

Xây dựng chỉnh đốn Đảng để làm cho Đảng mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, đoàn kết nội bộ hơn. Việc cần và có thể làm ngay là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu tự giác điều chỉnh mình, nêu gương bằng những hành động thực tế; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ. Phải tự chỉnh đốn, rèn luyện để luôn vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sạch về đạo đức lối sống để được nhân dân ủng hộ, góp phần đưa Đảng ta đứng vững và đủ sức lãnh đạo đất nước đi lên.

LÊ HÂN


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37027085