Truy cập hiện tại

Đang có 17 khách và không thành viên đang online

Nét son tự hào của Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam

Ngày 16-1-2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 102/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Theo kế hoạch, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Thành ủy TPHCM sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu cao quý này vào sáng 15-4-2015, tại hội trường thành phố (số 111 Bà Huyện Thanh Quan, P7Q3, TPHCM).

Các cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và ông Trần Trọng Tân (áo bà ba trắng) tại căn cứ Chiến khu Tây Ninh (năm 1965)
Các cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và ông Trần Trọng Tân (áo bà ba trắng) tại căn cứ Chiến khu Tây Ninh (năm 1965)

Năm 1964 - 1965, trước tình hình suy sụp của chính quyền - quân đội Sài Gòn sau các chiến dịch Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài... của quân Giải phóng, đế quốc Mỹ đã phải chuyển hướng chiến lược, đưa thực binh sang trực tiếp xâm lược Việt Nam. Chiến trường miền Nam chuyển sang bước ngoặt mới. Lúc đó, trong tư tưởng của một số cán bộ, chiến sĩ xuất hiện những băn khoăn về cách đánh Mỹ thế nào, vì Mỹ huyênh hoang là “Đội quân thiện chiến nhất thế giới” (?). Trung ương cục miền Nam (T.Ư.C) thời gian này do đại tướng Nguyễn Chí Thanh lãnh đạo. Trong một Hội nghị cán bộ toàn miền bàn về cách đánh Mỹ, đồng chí nêu vấn đề: “Điều quan trọng trước hết không phải là cách đánh Mỹ thế nào, mà chính là giải đáp câu hỏi: Có dám đánh Mỹ không? Nếu dám đánh Mỹ thì sẽ tìm ra cách đánh!”.

Lãnh hội tư tưởng chỉ đạo đó, Ban Tuyên huấn (BTH) T.Ư.C miền Nam đã cử những cán bộ chủ chốt của ban xuống chiến trường T4 (mật danh của khu Sài Gòn - Gia Định). Tuyên truyền thì có các anh Văn Chương (Năm Quảng), Đỗ Duy Liên; Báo chí - Thông tấn thì có Vũ Linh (Võ Nhân Lý), Khả Minh, Hồng Điểu (Nguyễn Trọng Xuất), Huỳnh Văn Ngọc; Văn nghệ thì có Rum Bảo Việt, Mai Lộc, Hoàng Hà... và nhiều đồng chí cốt cán khác. Bên Phụ vận thì có các chị Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Chơn... Bí thư T.Ư.C, Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư.C Nguyễn Văn Linh, Phó trưởng ban Thường trực Trần Bạch Đằng cũng xuống tham gia cấp ủy Đảng của đặc khu...

Phải nói, lực lượng T.Ư.C, trong đó chủ yếu là BTH T.Ư.C, chiếm đa số trong đợt tiếp sức cho Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Và chính lực lượng hùng hậu này đã góp phần tạo bước chuyển biến tình hình ở nơi trung tâm đầu não chỉ huy chiến tranh của địch.

Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc do ta chủ trương năm 1966 đã có sức thu hút hầu như tất cả các giới Sài Gòn - Gia Định. Nhà giáo Lê Văn Giáp đứng đầu tổ chức “Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc”, Nhà văn Vũ Hạnh là Tổng thư ký. Địch ra sức đàn áp, chụp mũ “Việt cộng”, bắt giam nhiều vị nhân sĩ trí thức; thế nhưng càng ra tay đàn áp thô bạo thì sự thất bại về chính trị của địch càng trầm trọng. Khi Nguyễn Văn Thiệu nói: “Các ông theo Việt cộng. Chống Mỹ cứu nước là không phải quốc gia!”, một trí thức viết bài trên báo Sài Gòn phản bác lại Thiệu: “Nếu ông Thiệu không thích khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước”, thì tôi xin gợi ý ông nên dùng khẩu hiệu ngược lại “Chống nước cứu Mỹ”! Đó không chỉ là chuyện chơi chữ, mà là trí tuệ, sự nhạy bén của người trí thức yêu nước đối phó với địch.

Phong trào Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi Phụ nữ Việt Nam (BVNPQLPNVN) do nhiều nữ trí thức, nhân sĩ Sài Gòn đứng đầu, như nhà giáo Phan Thị Của, cụ bà Phan Đình Đàn, nữ luật sư Ngô Bá Thành, Ni sư Huỳnh Liên... Khí thế của Hội Phụ nữ Nhân phẩm (cách nói thông thường của Hội BVNPQLPNVN) rất lớn.

Tác giả Nguyễn Trọng Xuất ở Chiến khu Sài Gòn - Gia Định (địa đạo Củ Chi)

Các phong trào khởi đầu trong những năm 1965 - 1967 ở vùng đô thị địch tạm chiếm đã là tiền đề cho các phong trào chống Mỹ khác, như Phong trào Dân tộc tự quyết do luật sư Nguyễn Long đứng đầu, Phong trào Vận động Hòa Bình do giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ đứng đầu... Vai trò của Ban Tuyên huấn T4, Đảng ủy Văn hóa T4 do các cán bộ BTH T.Ư.C làm nòng cốt, đã góp phần quan trọng vào cuộc tiến công địch trên trận địa chính trị tư tưởng ở đô thị. Bên cạnh đó là chiến thắng trên mặt trận vũ trang trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, chuẩn bị cho trận “Tập kích chiến lược” Tết Mậu Thân 1968 chấn động nước Mỹ, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” mà Mỹ hy vọng sẽ đè bẹp được lực lượng cách mạng miền Nam.

Trong thành tích hoạt động cách mạng thời gian này ở đô thị, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Bạch Đằng, Trần Trọng Tân, Văn Chương... của BTH T.Ư.C, cánh Tuyên huấn T4 đã góp phần quan trọng. Các bài báo trên tờ Cờ Giải Phóng, những tiểu phẩm đề cao tự hào dân tộc lưu truyền trong thanh niên, như cuốn “Dân tộc Việt Nam chúng ta như thế đấy!” của nhà báo Hồng Điểu, đã góp phần xóa tan mặc cảm “nhược tiểu da vàng” trong nhiều giới, nhất là trong thanh niên, khi đối đầu với Mỹ...

Cánh Tuyên huấn T4 đã phục hồi và phát triển mạnh Đội vũ trang tuyên truyền bị thiệt hại khá nặng trước đó. Dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Trần Văn Tương, Phạm Thị Đào, Nguyễn Trữ, Hai Vĩnh... đội đã thực hiện diệt ác, phá kềm, kết hợp xây dựng các lõm chính trị, căn cứ nhân tâm ở một số khu xóm lao động như Bảy Hiền, Gò Vấp, Bình Thới, Khánh Hội... Nhiều tổ của Tuyên huấn T4, Thành đoàn thanh niên... đã dũng cảm chớp nhoáng đột nhập một số rạp hát, chiếu bóng đang giờ trình diễn để trương cờ, phổ biến 10 chánh sách Mặt trận Giải Phóng...

Báo chí, cả bí mật và công khai, vẫn là thế mạnh của cách mạng vì nói tiếng nói của chính nghĩa. BTH T.Ư.C đã giúp Tuyên huấn T4 “xuất bản” tờ Cờ Giải Phóng, bằng cách đọc chậm các bài báo trên Đài Phát thanh Giải phóng. Cơ sở ở nội thành sẽ ghi lại, cho đánh máy, in Ronéo phổ biến trong hệ thống đoàn thể Giải phóng bí mật. Nhờ vậy nội dung cách mạng đến được cơ sở, đồng thời bảo mật được lực lượng.

Lực lượng cán bộ của BTH T.Ư.C tăng cường cho khu Sài Gòn - Gia Định thuộc hầu hết các ngành: Giáo dục, Huấn học, Tuyên truyền, Điện ảnh, Báo chí - Thông tấn, Văn nghệ, Điện đài... Nhiều đồng chí đã tham gia cuộc Tập kích chiến lược Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975... Đã có hơn 120 liệt sĩ ngành Tuyên huấn T.Ư.C và T4 hy sinh ở chiến trường khu Sài Gòn - Gia Định. Họ đã ghi một nét son rạng rỡ trong lịch sử BTH miền Nam./.

NGUYỄN TRỌNG XUẤT
(nguyên Phó Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định)
Nguồn: BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40048531