Truy cập hiện tại

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc

(TGAG)- Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp ra sức kỳ thị, chèn ép Phật giáo với mưu đồ xoá dần tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá truyền thống của dân ta. Phong trào “Chấn hưng Phật giáo” ở cả 3 miền Trung - Nam - Bắc trong những thập niên 30, 40 của thế kỷ XX đã thổi bùng lên truyền thống yêu nước và tinh thần trách nhiệm đối với Dân tộc và Đạo pháp của Tăng Ni, Phật tử. Phật giáo Việt Nam ý thức được rằng muốn có sức mạnh thật sự phải cùng nhau đoàn kết.

Sau chiến thắng 30/04/1975, non sông thu về một mối, Phật giáo Việt Nam có đầy đủ cơ duyên thực hiện nguyện vọng thống nhất trọn vẹn các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 7-11-1981. Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, cư sĩ Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam.

Đánh giá về công lao của Phật giáo đối với dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã phát biểu trong buổi tiếp các đại biểu của Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo mà từ bản chất, bản sắc từ trong thực tiễn hoạt động của mình đã biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc”.

Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, với tâm nguyện phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật, đồng thời để phát huy vai trò trong khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm: “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, các thành viên của Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo,  Tăng Ni và Phật tử cả nước đã tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nếp sống văn hóa  văn minh trên địa bàn khu dân cư…

Tăng Ni và Phật tử trong toàn Giáo hội đã tích cực trong các mặt hoạt động từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt…; tham gia ủng hộ công tác xây dựng trường học, phòng học tại các vùng sâu vùng xa, đắp lộ, xây cầu; tham gia công tác phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; động viên con em gia đình Phật tử hăng hái thi hành nghĩa vụ quân sự, làm tròn bổn phận công dân đối với đất nước. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ VI (2007 – 2012), Trung ương Giáo hội, Tỉnh, Thành hội Phật giáo và các cơ sở Tự viện đã huy động hơn 2.879 tỷ đồng. Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh đạt trên 750 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện.

Tăng Ni và Phật tử trong toàn Giáo hội còn tích cực tham gia các phong trào, đoàn thể, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Bảo vệ môi trường sinh thái, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Người Cao Tuổi v.v…. Đại biểu Quốc hội khóa XI có 04 thành viên Giáo hội tham gia. Đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2011 – 2016, cấp tỉnh trung bình có một đến hai thành viên tham gia; cấp Quận, Huyện và cấp phường, xã đều có các thành viên là Tăng Ni hoặc Cư sĩ tham gia. Từ đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình, người tốt việc tốt, bàn tay vàng giàu lòng nhân đạo v.v… Đặc biệt, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Giáo Hội.

Thực tiễn khẳng định qua hai nghìn năm có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, trở thành tôn giáo đồng hành, gắn bó với truyền thống dân tộc Việt Nam. Phật giáo Việt Nam đã tập hợp được lực lượng tín đồ đông đảo để xiển dương các giá trị đạo đức, nhân văn vì hạnh phúc của chúng sinh, vì hòa bình của đất nước và nhân loại.

Mấy ngàn năm tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam đã minh chứng sinh động cho tư tưởng nhập thế tích cực, ích đạo lợi đời trong giáo lý Phật Đà và thực tế Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống hộ quốc an dân, Phật giáo Việt Nam mãi đồng hành cùng dân tộc!

Sự thật
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37036152