Truy cập hiện tại

Đang có 152 khách và không thành viên đang online

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

(TGAG)- Điểm xuất phát để ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là nhận thức rõ và có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của dân tộc. Đó là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước; tinh thần đoàn kết; ý chí độc lập, tự lực, tự cường, truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất cho độc lập, tự do. Người viết: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người cu li biết phản đối...”.

Qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra mối tương đồng giữa các dân tộc bị áp bức: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Vì vậy từ rất sớm, Người đã kêu gọi: “Vì nền hòa bình thế giới, vì tự do và ấm no, những người bị bóc lột thuộc mọi chủng tộc cần đoàn kết lại và chống bọn áp bức”.

Đến khi tiếp cận với Luận cương của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh tìm thấy ở đó “một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”. Đó là bước chuyển lịch sử, từ người yêu nước thành người cộng sản, nâng cao nhận thức của Người về sức mạnh của thời đại: đó là sức mạnh của giai cấp vô sản, cách mạng vô sản, sức mạnh kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, sức mạnh đoàn kết quốc tế.

Từ nhận thức trên, Hồ Chí Minh đi vào tổ chức và hoạt động. Người thành lập Hội liên hiệp thuộc địa ở Pháp, viết báo Le Paria; tích cực tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức; Người viết: “Công cuộc giải phóng các nước và của các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản...”.

Về cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, Hồ Chí Minh viết: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”. Người đã kiến nghị với Ban phương Đông quốc tế Cộng sản: “Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”.

Kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, Hồ Chí Minh nói: “Đảng lấy toàn bộ thực tiễn của mình để chứng minh rằng chủ nghĩa yêu nước triệt để không thể nào tách rời với chủ nghĩa quốc tế vô sản”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giáo dục Nhân dân ta phân biệt rõ sự khác nhau giữa bọn thực dân, đế quốc với nhân dân lao động, yêu công lý và hòa bình ở các nước đế quốc. Người vẫn yêu mến và đề cao văn hóa Pháp, ca ngợi truyền thống đấu tranh cho độc lập tự do của Nhân dân Mỹ.

Sau khi giành được độc lập, tiến lên chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh, nội dung mới của kết hợp lòng yêu nước với tinh thần quốc tế là phải phát triển chủ nghĩa yêu nước truyền thống thành chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa, kết hợp lòng yêu nước với yêu chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò đoàn kết quốc tế, đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Người chăm lo bảo vệ sự đoàn kết thống nhất giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng cộng sản anh em. Khi trong phong trào có sự chia rẽ, Hồ Chí Minh đã hoạt động không mệt mỏi để khôi phục sự đoàn kết quốc tế trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh coi nguồn lực bên trong giữ vai trò quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, nó chỉ phát huy sức mạnh thông qua nguồn lực bên trong. Người nêu cao khẩu hiệu “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”; “muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình”; “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.

Muốn tranh thủ sức mạnh của thời đại phải có đường lối đúng đắn, phát huy độc lập tự chủ, kết hợp chặt chẽ mục tiêu đấu tranh cho độc lập, thống nhất của dân tộc mình với mục tiêu của thời đại: hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn là tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình, “Phải coi cuộc đấu tranh của bạn cũng như cuộc đấu tranh của ta..., giúp bạn là tự giúp mình”.

Hồ Chí Minh coi trọng thiết lập mối quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực và trên thế giới có chế độ chính trị khác nhau. Người đã đi thăm Ấn Độ, Mianma, Inđônêxia, nhiều nước khác nhau, góp phần xây dựng và phát triển sự đoàn kết các nước thuộc thế giới thứ ba, nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Người đã nhiều lần tuyên bố: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”; “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”.

Đối với nước Pháp, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn”; với các nhà tư bản, Người nói: Bất kỳ nước nào (gồm cả nước Pháp) thật thà muốn đưa tư bản đến kinh doanh ở Việt Nam, với mục đích làm lợi cho cả hai bên thì Việt Nam sẽ rất hoan nghênh, còn nếu mong đưa tư bản đến để ràng buộc, áp chế Việt Nam thì Việt Nam cương quyết cự tuyệt; với Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã bằng những hoạt động liên tục, không mệt mỏi để xây đắp mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Người đã dành ưu tiên cho mối quan hệ với các nước láng giềng gần gũi trong khu vực, nhất là các nước Lào, Campuchia cùng nhau đoàn kết chống kẻ thù chung.

Như vậy, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế, từ niềm tin vào sức mạnh của dân tộc đi đến nhận thức đầy đủ về sức mạnh của thời đại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam mà còn là chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản quốc tế, lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới.

Những kết quả đạt được trong quá trình mở cửa, hội nhập của đất nước vừa qua đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Thành tựu đó là kết quả tất yếu của đường lối kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.

Phòng LLCT và LSĐ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36728838