Truy cập hiện tại

Đang có 133 khách và không thành viên đang online

Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng

(TUAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam; là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí ấy; những lời dạy của Người về báo chí là tài sản vô cùng to lớn, quý giá đối nền báo chí cách mạng Việt Nam.


Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bản tin tại Phủ Chủ tịch.

Là người sáng lập, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam, ngay từ những ngày đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (Ng­ười cùng khổ) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống "cùng khổ" của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh "tự giải phóng". Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã sáng lập Báo Thanh Niên. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính.

Trong hơn nửa thế kỷ vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn bài viết, với hàng trăm bút danh khác nhau, được đăng ở nhiều báo trong, ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng. Không chỉ viết báo, Người còn làm mọi công việc liên quan đến "nghề báo" như: Tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo việc làm báo, sửa bài, biên tập, in ấn, phát hành… Thực tiễn phong phú đó đã góp phần tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng - một di sản vô cùng quý giá, đặc biệt mà Bác đã để lại cho thế hệ sau.

Về tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới", suy rộng ra là phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Về vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi người hoạt động báo chí là một chiến sĩ cách mạng, vì "nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí". Đối với người làm báo cách mạng, "cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ", do đó "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng". Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải "Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động".

Về tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam: Đây là điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam, là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng với báo chí phản cách mạng. Người cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân.

Về xây dựng đội ngũ nhà báo vừa "hồng", vừa "chuyên", Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình; nhất là phải trau dồi lập trường chính trị vững chắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nhà báo phải là người có trí thức rộng và sâu, đặc biệt là có trách nhiệm với công việc, sản phẩm của mình; với hiệu quả, hệ quả của sản phẩm đó. Trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng (9/6/1949), Người viết: "Muốn viết báo khá thì cần: (1) Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; (2) Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; (3) Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; (4) Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...".

Đối với công việc viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp hoặc cán bộ cấp dưới. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người nói: "Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo phải "chân thực" - chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin. Mỗi bài viết của phóng viên phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bài viết phải đem lại cho người đọc lượng thông tin cao và chính xác. Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết...

Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn, là "kim chỉ nam" dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

NGUYỄN HỮU THỊNH
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732095