Truy cập hiện tại

Đang có 76 khách và không thành viên đang online

Đột phá nào cho kinh tế An Giang?

(TGAG)- Bước vào thời kỳ đầu đổi mới, so với khu vực và cả nước, An Giang là tỉnh phát triển khá. Có nhiều lợi thế về nông nghiệp, du lịch và tiểu thủ công nghiệp. Với nguồn tài nguyên đất đai phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh và lực lượng lao động dồi dào. Đó là một lợi thế rất lớn. Nhưng sau 30 năm đổi mới, An Giang để tụt mất thế mạnh và vị trí của mình, trở thành tỉnh tốp sau trong khu vực. Từng được “tuyên dương” khen ngợi, nay thành chê với biệt danh “anh hai lúa”. “Hai lúa” chỉ có nghèo!

Cây lúa trở thành “cứu cánh” cho cả nền kinh tế trong thời kỳ đầu đổi mới (cung cấp gần 1/10 lương thực cho cả nước). Tỉnh đã sớm chuyển từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế thị trường, nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh, thế mạnh nông nghiệp được phát huy tối đa, làm bật dậy sản xuất, cây lúa và con cá là 2 sản phẩm chủ lực của An Giang đã góp phần xuất khẩu quan trọng cho cả nước. Giai đoạn 1991 - 2010, An Giang đạt được những con số “thần kỳ”: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 9,9% - 10,18%, luôn cao hơn bình quân của cả nước, đứng tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực (khu vực I từ 70% xuống còn 34,43%). Đi liền với nông nghiệp, thủy sản; dịch vụ, công nghiệp trở thành thế mạnh của tỉnh với cơ cấu 53,46% và 12,10% (năm 2010).
 
 
Đi vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, An Giang không thuận lợi về địa lý kinh tế, thế mạnh độc tôn của cây lúa không còn, tỉnh chưa có giải pháp phát triển kinh tế phù hợp để theo kịp đà phát triển chung của khu vực và cả nước; tốc độ tăng trưởng GDP ngày càng giảm và chậm so với bình quân chung; nguồn thu ngân sách địa phương bị chững lại; cơ cấu kinh tế tuy có chuyển dịch tích cực, nhưng tỷ trọng công nghiệp và du lịch rất thấp, lấy phát triển nông nghiệp là chính, nhưng chủ yếu vẫn là cây lúa với giá thành ngày càng tăng, tính cạnh tranh ngày một giảm, khó tiêu thụ, hiệu quả thấp dẫn đến tình trạng tụt hậu về kinh tế.
 
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề nông nghiệp và nông dân. Chúng ta cần nghiên cứu sâu sắc vấn đề này cho giai đoạn mới của tỉnh: Phải phát triển nhanh công nghiệp để tự bổ trợ lại cho nông nghiệp, không đợi Trung ương có chính sách trợ nông và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. Vừa qua, An Giang đã góp phần “bệ đỡ” cho nền công nghiệp quốc gia, riêng công nghiệp của tỉnh thì dậm chân tại chỗ, giai đoạn này nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng và cái giá phải trả là sự tụt hậu không “phanh”? Yếu thế nhất của An Giang hiện nay là tỉnh nông nghiệp, đi liền với đó là các vấn đề xã hội chậm phát triển. Ta nhận thức vấn đề này chậm. Tại sao lại “ưu tiên phát triển nông nghiệp”, “tập trung phát triển nông nghiệp”, xem đó là nền kinh tế “mũi nhọn” cho hiện tại và tương lai, phải giữ diện tích lúa ngay cả đối với vùng cao năng suất thấp để làm nghĩa vụ an ninh lương thực? Xác định thứ tự ưu tiên: “nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng” như hiện nay có nghĩa là chúng ta chấp nhận “bình bình”, “dậm chân tại chỗ” mãi chăng? “Cánh kéo” về giá trị và hiệu quả giữa công nghiệp và nông nghiệp đang ngày một dang xa, phải tập trung phát triển công nghiệp mạnh mẽ đạt cả về giá trị tuyệt đối và tương đối, đi đôi với phát triển dịch vụ và phát triển nông nghiệp theo chiều sâu.
 
Vấn đề sôi động của cả nước như một “công trường” hiện nay là phát triển khu vực II và III, các nhà đầu tư đang tập trung. Chúng ta trăn trở tại sao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cứ liên tục giảm; nhiều tiềm năng lớn chưa được phát huy, chưa có giải pháp nào để vực dậy môi trường đầu tư? Phải chăng cái chính là do chúng ta chưa tập trung phát triển mạnh mẽ công nghiệp và du lịch, đó là cái khó của tỉnh nông nghiệp?
 
Kinh tế - xã hội nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. An Giang là một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ sẽ từng bước có cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; với các công trình giao thông lớn được đầu tư, tạo ra cho An Giang nằm ngay cửa ngõ Đông - Tây, giữa đồng bằng sông Cửu Long với các nước Đông Nam Á sẽ thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch. Là tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, có khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ nhạy bén, có nhiều doanh nhân thành đạt. Với nhiều di tích văn hóa, lịch sử, cảnh quan, văn hóa đa dạng, phong phú so với các tỉnh trong khu vực. Việc Đại học An Giang trở thành thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Điều kiện đó tạo cho An Giang không còn là “vùng xa” mà là cửa ngõ giao thương, mở ra cho phát triển công nghiệp và du lịch.
 
Nền nông nghiệp cây lúa nước ở tỉnh An Giang đã phát triển cao cả chiều rộng, lẫn chiều sâu và đứng đầu so với cả nước, nên không phải đặt thành mục tiêu hàng đầu? Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiện nay là một quá trình diễn ra tất yếu, nhanh hay chậm do thị trường quyết định và sự hướng dẫn, giúp đỡ của nhà nước để đúng theo cơ cấu, quy hoạch và ngày càng có điều kiện đẩy mạnh vấn đề này. Công nghiệp và du lịch của tỉnh còn rất thấp so với tiềm năng, là cái nghèo của An Giang; vấn đề có thể tạo ra sự đột biến, cần đột phá, yếu tố làm giàu hiện nay; đây là nội dung chính của công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh An Giang. Do đó, phải đặt mục tiêu cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - du lịch - nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ gắn với tái cơ cấu ngành; quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên và xã hội. Phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động gắn với phát triển đô thị; phát triển du lịch gắn với điều kiện thiên nhiên; phát triển vùng chăn nuôi gắn với chế biến, giảm diện tích lúa.
 
Vấn đề chính tạo ra động lực để phát triển là nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển mạnh doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; đi đôi với khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác, kinh tế hộ. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: Tỉnh An Giang phải quan tâm vấn đề khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đi liền với cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh phải tốt hơn; phải nâng môi trường đầu tư của tỉnh lên, những chỉ số cải cách ở địa phương từ đất đai đến tín dụng phải tốt - đây là vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm. Vấn đề khởi nghiệp rất quan trọng, An Giang có rất nhiều người giỏi, vấn đề đặt ra là cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phải “chủ trì” phong trào khởi nghiệp đạt hiệu quả tốt./.
 
LÊ HỒNG KHÂM
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40589785