Truy cập hiện tại

Đang có 250 khách và không thành viên đang online

An Giang 5 năm xây dựng nông thôn mới

(TGAG)- Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; kinh tế nông thôn phát triển bền vững; an ninh quốc phòng ổn định; hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, đánh dấu bước ngoặt cả nước thật sự bước vào một cuộc cách mạng mới trong xây dựng và phát triển nông thôn; đây là bước cụ thể hóa đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” vào thực tiễn.

Qua 5 năm thực hiện, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực vượt qua, thu được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn đã đổi thay theo hướng tích cực.

Theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh (19 tiêu chí, 50 chỉ tiêu), năm 2011 toàn tỉnh có trên 90 xã chỉ đạt từ 5 tiêu chí trở xuống, chỉ có 01 xã đạt cao nhất 12 tiêu chí. Bình quân xã đạt 4,8 tiêu chí/xã (2010) đến nay là 10,5 tiêu chí/xã (2015), tăng 2,1 lần. Hiện nay không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí, có 13 xã đạt 19 tiêu chí (10,92%) và được công nhận xã nông thôn mới. Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương, cuối năm 2015 cả nước có 1.526 xã được công nhận xã nông thôn mới, chiếm 17,04% tổng số xã, và 15 huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, có 8 tỉnh đạt từ 11 xã trở lên, 5 tỉnh đạt từ 4 - 9 xã. Như vậy, so với cả nước thì An Giang thấp hơn, nhưng đạt mức trung bình trong khu vực.

Thu nhập bình quân đầu người trên năm khu vực nông thôn năm 2011 đạt 18,81 triệu đồng thì nay tăng lên, đạt 27,56 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm hằng năm từ 1,2 - 1,4%/năm (năm 2011 tỷ lệ 10,50% đến năm 2015 giảm còn khoảng 2,8%). Các chỉ tiêu khác cũng có bước phát triển tốt. Nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có những bước đổi thay căn bản, toàn diện. Bộ mặt nông thôn khang trang; cảnh quan nông thôn, vệ sinh môi trường được cải thiện; đời sống người dân được nâng lên; kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng của các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ được đầu tư nâng cấp; hệ thống kinh mương, công trình thủy lợi được kiên cố hóa; tỷ lệ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, tham gia bảo hiểm y tế đều tăng.

Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; xây dựng Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể chính trị đạt trong sạch vững mạnh. Dân chủ cơ sở được nâng cao, niềm tin của Nhân dân đối với đảng, chính quyền được củng cố và phát huy; trật tự xã hội ổn định.

Kết quả đạt được là rất lớn, tuy nhiên hạn chế khó khăn không phải là không có như:

Mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới của các xã còn thấp, đặc biệt là các xã nghèo, xã biên giới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng thiếu vững chắc và nguy cơ tái nghèo còn cao. Đề án xây dựng nông thôn mới các cấp chưa sát thực tế, chưa nắm bắt đúng nhu cầu, còn mang tính chủ quan, chưa cân đối được nguồn lực nhân sự và tài chính để thực hiện.

Nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, nội dung của Chương trình; thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện; sự phân công đôn đốc chưa triệt để, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên. Công tác vận động tuyên truyền kết quả chưa cao, một bộ phận người dân thờ ơ, chưa quan tâm. Sự phối hợp giữa các sở, ngành cấp tỉnh và giữa ngành tỉnh với Ban Chỉ đạo huyện, xã nhiều nơi thiếu chặt chẽ. Công tác hỗ trợ, kiểm tra thực hiện chưa đều. Việc sơ kết, tổng kết ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên...

Bài học kinh nghiệm rút ra:

Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Sự quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, ủy ban nhân dân có tác động rất lớn. Thực tế cho thấy, nơi nào đồng chí Bí thư, Chủ tịch quan tâm chỉ đạo thực hiện sâu sát thì nơi đó việc xây dựng nông thôn mới có kết quả ấn tượng.

Nhân dân đồng thuận và cùng chung sức xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định thành công của chương trình. Do đó công tác tuyên truyền vận động phải được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức và nội dung đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó là phát huy dân chủ cơ sở, nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Cần khéo léo tận dụng nguồn lực có sẵn, lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực xã hội hợp lý trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên tham gia để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống người dân.

Từng cán bộ, đảng viên và từng đơn vị, theo chức trách của mình trong thực thi nhiệm vụ cần chú ý góp phần cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020, An Giang có 60 xã (50% xã) đạt chuẩn nông thôn mới, đây là nhiệm vụ khá nặng nề. Để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các ngành, các cấp và mỗi cá nhân cần chung tay thực hiện tốt các nội dung sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hội. Đưa nội dung xây dựng nông thôn mới thành tiêu chí thi đua hằng năm của các đơn vị, địa phương. Phát huy vai trò giám sát, phản biện trong xây dựng nông thôn mới của Mặt trận và các đoàn thể.

Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục. Mở rộng triển khai thực hiện các phong trào quần chúng trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân làm thay đổi nhận thức của người dân, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.

Tiếp tục rà soát để hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường công bằng, minh bạch và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, nhằm tạo đột phá trong phát huy nội lực và thu hút, tranh thủ ngoại lực để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập khu vực nông thôn.

Tận dụng và lồng ghép các nguồn vốn để đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại. Ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các công trình hạ tầng phát triển kinh tế nhằm làm tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nông thôn.

Phát triển sản xuất, dịch vụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần dân cư nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất.

Để đạt xã nông thôn mới, Đảng bộ và Nhân dân địa phương phải vượt qua nhiều khó khăn và thử thách. Không chỉ có quyết tâm chính trị mà còn phải có sự đoàn kết, tâm huyết và có những cách làm sáng tạo./.

Nguyễn Văn Xuân
Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40708380