Những kết quả đạt được qua thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Được đăng: Thứ tư, 25 Tháng 2 2015 08:28
- Lượt xem: 4441
(TGAG)- Về nhóm sản phẩm lúa - gạo: toàn tỉnh có 187 tổ nhân giống/5.160 hộ, với diện tích 25.500 ha đạt sản lượng 169.300 tấn giống lúa chất lượng cao; trong đó có 31 tổ sản xuất, cơ sở kinh doanh đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với diện tích 5.930 ha. Đồng thời, mặt hàng lúa chất lượng cao tập trung đẩy mạnh với diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của cánh đồng mẫu lớn đạt trên 22.250 ha, lợi nhuận từ 14 - 16,5 triệu đồng/ha/vụ.
Về nhóm sản phẩm rau màu: số lượng cây giống rau sản xuất khoảng 4,47 triệu cây ở Chợ Mới, An Phú, Tân Châu, trong đó, mô hình nông dân ở Chợ Mới đạt lợi nhuận từ 90 - 97,5 triệu đồng/1.000 m2/5 tháng. Đồng thời, chuỗi liên kết sản xuất, truy nguyên nguồn gốc theo hướng an toàn VietGAP đối với cây đậu bắp Nhật, bắp thu trái non, đậu nành rau, các loại rau... thực hiện 2.230 ha tại An Phú, Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, Tân Châu, Châu Đốc, Long Xuyên.
Về nhóm sản phẩm thủy sản: Trung tâm Giống thủy sản hợp tác với Tập đoàn Tiran (Israel) sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực trên cơ sở nhập đàn tôm cái giả từ Israel về, kết quả cung cấp trên 15 triệu con post, năng suất và chất lượng tôm thương phẩm cao, đều và to (20 con/kg), hiệu quả tăng 30 - 50%. Tôm càng xanh toàn đực thực hiện 12 ha tại Thoại Sơn, sản lượng 1,1 tấn (20 con/kg), giá bán 210.000 đồng/kg, lợi nhuận 46 triệu đồng/ha/06 tháng.
Về nhóm sản phẩm cây ăn trái: xoài cát Hòa Lộc và xoài Ba màu theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 7,5 ha/09 hộ tại Chợ Mới, năng suất 15 tấn/ha, chi phí đầu tư là 168 triệu đồng/ha/năm (02 vụ), lợi nhuận 237 triệu đồng/ha/năm (02 vụ). Xoài thơm Vĩnh Hòa (Tân Châu) được 630 cây và chuối cấy mô với diện tích 01 ha/1.000 cây. Cam sành gốc ghép cam mật trồng trên 6,5 ha ở Châu Đốc. Thanh long ruột đỏ 0,3 ha và chanh không hạt 0,1 ha tại Tịnh Biên.
Mô hình nuôi lươn không sử dụng bùn
Về nhóm sản phẩm chăn nuôi: tổng đàn bò lai sinh sản đạt 1.630 con (gieo tinh nhân tạo trên 300 con, đậu thai 175 con, sinh bê 47 con). Tổng đàn bò lai cao sản (hướng thịt): 56.300 con (Châu Đốc, Tân Châu, Tri Tôn, An Phú, Chợ Mới). Ngoài ra, Châu Phú ký hợp đồng nuôi bò với doanh nghiệp tư nhân ở Hồng Ngự là 377 con/22 hộ.
Về công tác thông tin truyền thông: Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang đã phát sóng 26 tiết mục “Nông nghiệp An Giang ứng dụng công nghệ cao” với các chủ đề như: “An Giang sau 01 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy”, “Mô hình sản xuất rau màu trong nhà lưới”; “Tình hình lai tạo và sản xuất lúa giống chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh”; “Nhân giống và chăn nuôi bò cao sản ở huyện Chợ Mới”; “Mô hình trồng nấm rơm trong nhà”...
Về công tác thông tin truyền thông: Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang đã phát sóng 26 tiết mục “Nông nghiệp An Giang ứng dụng công nghệ cao” với các chủ đề như: “An Giang sau 01 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy”, “Mô hình sản xuất rau màu trong nhà lưới”; “Tình hình lai tạo và sản xuất lúa giống chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh”; “Nhân giống và chăn nuôi bò cao sản ở huyện Chợ Mới”; “Mô hình trồng nấm rơm trong nhà”...
Tuy nhiên, còn một số khó khăn và hạn chế cần được tiếp tục quan tâm, như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một lĩnh vực mới nên các ngành, các địa phương còn nhiều lúng túng trong quá trình triển khai, thiếu thông tin cần thiết, đặc biệt là thông tin thị trường nên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nghệ và tổ chức sản xuất. Cơ chế chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập, khó vận dụng vào thực tế, chưa thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp, nông dân.
Thiếu vốn đầu tư, hỗ trợ sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trình độ, năng lực để tiếp cận và nhận chuyển giao các công nghệ mới chưa đáp ứng, còn thiếu và yếu so với nhu cầu. Công tác tuyên truyền và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa sâu rộng. Các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có giá bán không cao, chưa kích thích sản xuất phát triển.
Trong thời gian tới, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, tập trung vào một số công việc cụ thể như:
Một là, có chính sách cụ thể hỗ trợ cho người dân tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chính sách tín dụng). Thành lập và đẩy mạnh hoạt động của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tạo sự đồng nhất trong khâu sản xuất để dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong công tác tìm kiếm, mở rộng vùng nguyên liệu. Hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm chủ lực: nếp (Phú Tân), xoài thơm Vĩnh Hòa (Tân Châu)... Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, các buổi hội thảo, tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ.
Hai là, triển khai kế hoạch kiểm tra tiến độ thực hiện của các ngành, địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những bất cập, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai. Ngành Nông nghiệp triển khai 8 quy hoạch, 01 gói kỹ thuật - tài chính - thị trường nấm, đề án “đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hoạt động khuyến nông, khuyến ngư phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang”; Tiếp tục duy trì và mở rộng thực hiện các mô hình hiệu quả như trồng nấm rơm trong nhà, sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nuôi lươn mật độ cao và nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất.
Ba là, triển khai thực hiện Đề án “Xác lập khung chính sách tiếp cận, thiết lập và xâm nhập thị trường cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đa dạng có lợi thế của doanh nghiệp và người dân An Giang vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước đến năm 2020” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, tiếp cận và xâm nhập các hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bốn là, tiếp tục hỗ trợ và đôn đốc kiểm tra tiến độ thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tổ chức hội chợ chuyên ngành, hội chợ thương mại để giới thiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; tổ chức và tham gia hội chợ nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh, thành phố; lồng ghép vào hoạt động, đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư với đối tác nước ngoài nghiên cứu trình diễn và chuyển giao công nghệ...
Năm là, các huyện, thị, thành tiếp tục triển khai, theo dõi, đẩy mạnh các mô hình, dự án đang triển khai tại địa phương; đồng thời, xúc tiến đẩy mạnh kêu gọi hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu và tiêu chí đề ra trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà./.
Trần Tiến Hiệp
Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học