Truy cập hiện tại

Đang có 50 khách và không thành viên đang online

Phú Tân: Hướng đến chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau sạch

(TGAG)- Trên địa bàn huyện Phú Tân (An Giang), mỗi năm diện tích gieo trồng rau màu khoảng 1900-2000ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Tân Trung, Tân Hòa và Long hòa; chủ yếu là rau dưa, ớt, bắp và sản xuất, tiêu thụ theo tập quán bình thường, chưa sản xuất theo quy trình rau an toàn hay theo quy trình GAP nào cả; mặc dù hằng năm đều có tập huấn từ 1 đến 2 lớp sản xuất rau an toàn cho nông dân ở các xã có diện tích trồng rau màu nhiều của huyện.


(Rau sạch giá bán cao hơn thị trường từ 2.000- 4.000đ/kg. Ảnh VC)

Đến năm 2014, thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện đã mạnh dạn hỗ trợ cho nông dân ở các xã, thị trấn trong huyện xây dựng 7 nhà lưới giá rẻ với kinh phí khoảng 120 triệu đồng để thử nghiệm sản xuất rau theo hướng an toàn. Qua gần 2 năm thực hiện đã cho thấy hiệu quả rất rõ của việc sản xuất rau trong nhà lưới; 2 nhà lưới ở Phú Mỹ nâng lên từ 324m2 ban đầu thành 1700m2 và ở Phú Bình nông dân tự đầu tư 1800m2, cả 2 nhà lưới này nông dân đều không phun thuốc trừ sâu, bệnh; năng suất rau bằng hoặc cao hơn trồng bên ngoài; đồng thời tiêu thụ rau rất tốt, với giá bán cao hơn giá thị trường từ 2.000- 4.000đ/kg, nên mang lại hiệu quả rất cao.

Để nhân rộng mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, huyện cũng đã tổ chức hội thảo cho các đối tượng là UBND cấp xã; Hội nông dân, kỹ thuật viên trồng trọt và một số nông dân có trồng rau màu ở các xã trong huyện để giới thiệu hiệu quả kinh tế và vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng do mô hình sản xuất này mang lại. Tuy nhiên do phải bỏ vốn ra thêm để đầu tư ban đầu, trong khi đầu ra chưa rõ nên nông dân còn ngán ngại chưa xã nào có khởi động đầu tư thêm.

Trong thời gian qua, trên Báo, Đài thông tin về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm, thuốc không rõ xuất xứ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại năng, Nitrate, vi sinh vật có hại, kí sinh trùng có trên các loại rau, củ, quả gây ngộ độc cấp tính và tích lũy lâu ngày gây ung thư đã làm lo lắng và hoang mang cho người tiêu dùng. Nguy hại hơn là các loại rau quả không đảm bảo an toàn được tiêu thụ nhiều ở các bếp ăn của trường học, nhà trẻ, mẫu giáo và những độc chất nhiễm trong rau, quả không những tác động đến sức khỏe nói chung mà còn ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ trẻ em, gây hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển của các em trong tương lai.

Từ thực tế trên, huyện Phú Tân sẽ hướng tới xây dựng vùng sản xuất và hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng chất lượng hiệu quả và góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng là rất cần thiết. Đây cũng là hướng đi phù hợp với Nghị Quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Phấn đấu xây dựng các Tổ sản xuất rau màu an toàn tại các xã Tân Trung, Tân Hòa và Long Hòa nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, phong phú và đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong huyện và yêu cầu thị trường; tổ chức hướng dẫn việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận vùng rau an toàn ở các tổ theo đúng trình tự và thủ tục, hướng dẫn việc thiết kế mẫu mã, in bao bì để thực hiện đóng gói sản phẩm; hoàn thành các thủ tục thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể; từng bước hoàn thiện quy trình sơ chế, đóng gói và bảo quản đối với sản phẩm của Tổ sản xuất rau an toàn khi có nhu cầu.

Huyện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối, nông dân và các tiểu thương tham gia thực hiện trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; tổ chức các điểm bán lẻ tại các chợ, nhằm đảm bảo cung cấp các mặt hàng rau an toàn có nguồn gốc và đạt chất lượng theo quy định. Từng bước thay đổi nhận thức người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và  lợi ích cho gia đình, xã hội...

Văn Hải

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40417770