Truy cập hiện tại

Đang có 63 khách và không thành viên đang online

Phú Tân: Nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả góp phần phát triển kinh tế ở địa phương

(TGAG)- Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thông qua các hoạt động dịch vụ đã hỗ trợ kinh tế hộ xã viên, hộ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hình thành những vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn sản xuất theo hướng hiện đại, tăng số lượng, chất lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho xã viên và giải quyết việc làm cho người lao động.


Phú Tân đã giải ngân hơn 11 tỷ đồng để nông dân mua 18 máy gặt đập liên hợp, 01 máy cày, 01 máy cuốn rơm. Ảnh ĐH

Toàn huyện Phú Tân hiện có 19 HTX đang hoạt động với 1.860 xã viên, diện tích phục vụ 16.290ha; từ năm 2012 đến nay có 2 HTX được thành lập mới; có 8 HTX đã chuyển đổi mô hình theo Luật HTX 2012. Ban quản trị (HĐQT) có 55 người trong đó (03 đại học, 08 trung cấp); Ban kiểm soát có 41 người trong đó (01 đại học, 02 trung cấp); một số chức danh quản lý, điều hành dựa trên tâm huyết, nhiệt tình, nhưng năng lực, chuyên môn có hạn, có biểu hiện bằng lòng hiện tại. Hoạt động của các HTX này rất ổn định, giá dịch vụ hài hòa lợi ích, chất lượng nâng lên; lịch thời vụ được quan tâm; ứng dụng không học công nghệ trong sản xuất cho nông dân và xã viên được chú trọng; bước đầu liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm.

Cụ thể, thực hiện mô hình Cánh đồng lớn, huyện đã quy hoạch 02 vùng sản xuất là đông sườn Phú An và tây sườn Phú Lâm, giới thiệu mời các doanh nghiệp tham gia liên kết từ 2014, đối với vụ Hè Thu 2015, có 03 công ty tham gia ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân (Công ty Tân Thạnh An 400ha, Công ty Lương thực Bình Định tại An Giang 400ha ký với HTX nông nghiệp Phú An; Công ty Tín Thương 508,1ha ký với HTX nông nghiệp Phú Thượng và Phú Thành, đến nay đã tổ chức thu mua được 175ha, sản lượng 1.113 tấn với giá mua 4.950 đ/kg).

Các HTX nông nghiệp "ăn nên làm ra" trên địa bàn huyện rất nhiều như HTX Phú Thạnh tổng nguồn vốn hoạt động trên 5 tỷ đồng; vốn điều lệ là 01 tỷ 750 triệu đồng; tổng diện tích phục vụ 1651 ha. Hoạt động với 8 dịch vụ: bơm tưới và tiêu úng; nạo vét cơ giới (Kobe); Tín dụng nội bộ; Sản xuất và cung ứng giống; kinh doanh nhớt và phun xịt. Doanh thu năm 2014 đạt trên 8 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 01 tỷ đồng.

HTX Chợ Vàm cũng hoạt động rất hiệu quả, với số lượng thành viên ban đầu là 97 thành viên, số tiền góp vốn gần 500 triệu đồng. Năm 2015 (áp dụng theo luật 2012), HTX nông nghiệp Chợ Vàm đã huy động thêm 60 thành viên nâng tổng số thành viên lên 157 thành viên, trong đó số lượng thành viên có đất sản xuất và được HTX phục vụ là 154 thành viên, số vốn góp 600 triệu đồng. Khi áp dụng theo luật HTX nông nghiệp năm 2012 thì số lượng nông dân có đất tham gia vào HTX tăng lên đáng kể từ 216ha  tăng lên 400ha/1156ha, đạt tỷ lệ 34,6%. Qua nhiều năm hoạt động từ 2010 - 2014, HTX đã tích luỹ và mua sắm thêm tài sản cố định mở rộng các dịch vụ, giá trị tài sản cố định đến cuối năm 2014 được hơn 2,3 tỷ đồng. Hoạt động các dịch vụ của HTX đã đi vào ổn định và phát triển như: Tưới tiêu, Kober, tín dụng nội bộ, máy xịt thuốc bảo vệ thực vật, máy xạ lúa nếp và dịch vụ cung ứng phân bón… mang lại hiệu quả và lãi đáng kể cho thành viên, cũng như góp phần giảm chi phí cho thành viên và nông dân từ 10 - 20% so với tư nhân bên ngoài. Lãi cổ phần hàng tháng bình quân từ  3% - 4,5%/ tháng/cổ phần.

Ngoài ra còn có HTX Phú An đang được huyện triển khai xây dựng thành mô hình điểm HTX nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ giai đoạn 2016-2020 và 1 trong 5 HTX nông nghiệp trong tỉnh được tổ chức JICA (Nhật Bản) và Socodevi (Canada) chọn thực hiện mô hình HTX kiểu mới. HTX nông nghiệp Phú An hiện có 102 thành viên, trong đó, có 85 thành viên có đất với diện tích là 152ha (chiếm 10,62% so diện tích HTX làm dịch vụ); hoạt động ổn định với 04 dịch vụ: tưới tiêu, tín dụng nội bộ, nạo vét, kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngoài ra lượng giống sản xuất hàng dịch vụ do các thành viên Câu lạc bộ sản xuất giống (do HTX thành lập) đáp ứng kịp thời nhu cầu giống trong và ngoài xã. Tổng diện tích phục vụ 1.535ha, gồm 23 trạm bơm điện và 12 máy bơm dầu  lớn nhỏ  phụ  vụ  tưới  tiêu, hệ thống đường nước tưới tiêu thông thoáng đảm bảo phục vụ tưới tiêu 03 năm 08 vụ. Nông dân sản xuất có kỹ thuật chuyên canh cây nếp CK92. Tổng doanh thu năm 2014 đạt gần 4 tỷ đồng, lợi nhuận trên nữa tỷ đồng. Hiện tại còn nhiều HTX nông nghiệp làm ăn cũng rất hiệu quả như HTX Thọ Mỹ Hưng, HTX Phú Thượng (Phú Thành)... Hoạt động các HTX này từng bước xác lập vị trí khá quan trọng góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Tân, hiện các HTX nông nghiệp phát triển vẫn còn chậm và chưa vững chắc. Phần lớn quy mô nhỏ, năng lực nội tại nhiều hạn chế. Cụ thể về vốn, tài sản, cơ sở vật chất, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Chậm mở rộng, dịch vụ đơn điệu, quản lý nghiệp vụ kế toán, tài chính còn phụ thuộc quá lớn vào kế toán, chưa tập hợp được nhiều nông dân tham gia, một vài HTX tỷ lệ lãi quá cao, không hài hòa lợi ích... Thời gian tới, Ủy ban nhân dân các xã ngoài tăng cường thường xuyên vai trò quản lý nhà nước cần phối hợp với các đoàn thể lồng ghép nội dung về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của hợp tác xã trong các cuộc họp dân hoặc tuyên truyền trong hệ thống. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo cấp ủy Đảng và quản lý nhà nước đúng mức. Nguồn nhân lực quản lý, điều hành HTX phải có tâm huyết; hài hòa lợi ích giữa thành viên với cộng đồng; vốn hoạt động đầy đủ; tài chính rõ ràng, công khai, minh bạch; không ngừng phát huy chất lượng dịch vụ... làm tốt các giải pháp thì HTX nông nghiệp mới phát triển bền vững./.
Văn Hải

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40419351