Truy cập hiện tại

Đang có 85 khách và không thành viên đang online

Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi

Nguyễn Thị Lợi, sinh năm 1913, quê quán xã Châu Phú, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc (nay là thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Chồng chị quê ở tỉnh Hưng Yên vào Châu Đốc lập nghiệp, làm nghề bưu chính. Kết hôn, chị theo chồng ra Bắc, sinh được hai người con một trai, một gái. Sinh sống một thời gian, chị đưa con trai nhỏ trở lại miền Nam. Trên đường đi, đạn pháo của thực dân Pháp bắn chết đứa con trai ngay trên tay chị. Đau buồn chất ngất, chị không tiếp tục vào Nam mà dừng chân tại Thanh Hóa.


Biến đau thương thành sức mạnh, chị tham gia hoạt động cách mạng và có dịp tiếp xúc với đồng chí Hoàng Đạo là Tổ trưởng Tổ điệp báo A13. Sau một thời gian, tổ chức nhận thấy Nguyễn Thị Lợi là người phụ nữ bản lĩnh, thông minh, kiên trung, có đầy đủ tố chất của một chiến sỹ điệp báo. Hoàng Đạo đã quyết định kết nạp chị vào Tổ điệp báo do mình phụ trách. Tổ điệp báo A13 gồm Hoàng Đạo có mật danh A13, Nguyễn Kim Sơn mật danh A14, Chu Duy Kính với mật danh A15 và Nguyễn Thị Lợi mật danh A16.

Thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, buộc Pháp phải thay đổi chiến lược, lôi kéo Bảo Đại lập chính phủ bù nhìn với âm mưu dùng người Việt trị người Việt, lôi kéo, mua chuộc các thế lực phản động chống phá cách mạng, gây chia rẽ, suy yếu Mặt trận Dân tộc thống nhất. Thời gian này, Ty điệp báo Trung ương lệnh cho Hoàng Đạo nhanh chóng kết thúc nhiệm vụ điệp báo trong hàng ngũ địch để nhận nhiệm vụ mới. Tổ điệp báo A13 quyết định lập chiến công lớn.

Chớp thời cơ, khi Pháp chủ động đặt vấn đề đưa bà Phu nhân của Quốc vụ Khanh Hoàng Đạo đang sinh sống ở Thanh Hóa  ra Hà Nội chung sống với mục đích khống chế, mua chuộc các chức sắc trong chính quyền Bảo Đại. Lợi dụng cơ hội Pháp sử dụng Thông báo hạm Amyot D'Inville đang trên đường từ Sài Gòn ra Hà Nội sẽ ghé Thanh Hóa để đón phu nhân Quốc vụ Khanh Hoàng Đạo, A13 quyết định đánh bom chiến hạm nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giáng đòn tâm lý vào kẻ xâm lược, làm phá sản âm mưu chiến tranh của thực dân Pháp. Và người giữ nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không ai khác chính là nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi mật danh A16, đóng vai là phu nhân Quốc vụ khanh Hoàng Đạo. Trước nhiệm vụ vinh quang, Nguyễn Thị Lợi đã chủ động nói với đồng chí Hoàng Đạo: “Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của trận đánh này, tôi xin nộp cho tổ chức một bức thư tình nguyện cảm tử, mong tổ chức chấp nhận lời đề nghị của tôi”. Ước muốn tha thiết của chị được nắn nót thành những dòng chữ đầy cung bật cảm xúc: “Tôi Nguyễn Thị Lợi quê Châu Phú - Châu Đốc, chiến sỹ tình báo xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà…”.

Ngày 26-9-1950, thực dân Pháp cho chiến hạm Amyot D'Inville, một trong những Thông báo hạm lớn nhất của Pháp trong khu vực Thái Bình Dương đến bãi biển Sầm Sơn để đón phu nhân Quốc Vụ Khanh. Hôm ấy, biển động sóng to, tàu Amyot D'Inville đậu xa bờ.

Sáng ngày 27-9-1950, theo kế hoạch, Nguyễn Thị Lợi trong vai vợ Quốc vụ Khanh, Hoàng Đạo đi tiễn, Kim Sơn trong vai phiên dịch, Chu Duy Kính trong vai người ở, xách vali cho phu nhân. Tất cả lên chiếc thuyền nhỏ thẳng tiến ra chiến hạm. Lúc này nhiệm vụ quan trọng của Tổ điệp báo bắt đầu. Khi cập mạn tàu, Hoàng Đạo cùng Kim Sơn đưa chị Lợi lên boong tàu. Do không quen, chị bị say sóng. Tổ điệp báo được thuyền trưởng ân cần tiếp đón và bố trí một căn phòng khang trang cho phu nhân Hoàng Đạo. Sau nghi thức chào hỏi, Hoàng Đạo xin phép Chỉ huy chiến hạm để vợ vào phòng nghỉ ngơi. Chu Duy Kính xách va ly chứa 30 kg thuốc nổ cùng bà Hoàng Đạo vào phòng. Để đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, anh kiểm tra lại va ly đã ngụy trang rất kỹ lưỡng phía trên lớp quần áo, phía dưới khối thuốc nổ, sau khi kích hoạt khối thuốc nổ và để về vị trí cũ. Đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn và Chu Duy Kính chào từ biệt chị lần cuối. Chị nở nụ cười cùng đồng đội thay cho lời ly biệt và sau đó cả tổ rút lui an toàn.

Khi lên bờ, cả tổ vừa hồi hộp, vừa lo lắng cho A16, mắt luôn hướng ra Biển Đông. Bất chợt một ngọn lửa vụt sáng từ chiến hạm bùng lên, kèm theo đó một tiếng nổ vang dội làm rung chuyển cả vùng biển Sầm Sơn. Thông báo hạm Amyot D'Inville nổ tung, một cột khói đen nổi lên giữa biển khơi mang theo 200 sỹ quan binh lính Pháp và tay sai cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang đã nằm lại đáy biển Sầm Sơn. Nhiệm vụ thành công. Niềm vui vỡ òa hòa lẫn nỗi đau khôn xiết trước sự ra đi mãi mãi của Nữ điệp báo A16 đã hy sinh thân mình để làm nên chiến thắng. Nguyễn Thị Lợi đã thực thi nhiệm vụ cảm tử trong sự bình thản như thế, không một chút lo âu, run sợ hay ngập ngừng.

Ghi nhận công lao to lớn của chị, ngày 03-8-1995, Nhà nước đã truy tặng cho nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra chị được truy tặng Huân chương Quân công hạng III. Hiện nay, Tượng đài của chị được dựng trang trọng trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hóa. Tên chị còn được đặt trường cấp ba và một con đường khang trang vinh dự mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi.

Chiến hạm Amyot D'Inville nổ tung, không chỉ đập tan âm mưu của quân đội Pháp đánh vào vùng tự do khu IV thời đó mà còn làm sụp đổ một mưu đồ chính trị, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ của kẻ xâm lược, góp phần thắng lợi cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

An Giang tự hào sản sinh ra người con ưu tú Nguyễn Thị Lợi làm rạng danh quê hương, rạnh danh ngành Công an. Chị là biểu tượng đẹp, tiêu biểu cho truyền thống vẻ vang của đội quân tóc dài. Chiến công và sự hy sinh thầm lặng của chị đã trở thành giai thoại của ngành tình báo Việt Nam. Thế hệ cán bộ, chiến sỹ công an nói chung, công an An Giang nói riêng nguyện học tập và noi theo tấm gương sáng của anh hùng Nguyễn Thị Lợi.

Phòng Lịch sử Đảng

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40597987