Truy cập hiện tại

Đang có 72 khách và không thành viên đang online

Nữ Anh hùng Lê Thị Sy

(TGAG)- Đồng chí Lê Thị Sy (bí danh Ba Sy), sinh năm 1939 tại Hòa Hưng, Sài Gòn (nay thuộc quận 10, Tp.HCM). Cha là Vedrenne Marcel (người Pháp lai Việt, viên chức nhà đèn Sài Gòn), mẹ là Lê Thị Ngọc Dung (quê Bảy Núi, gia đình liệt sĩ).

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nội, ngoại là trí thức có cuộc sống sung túc. Từ nhỏ, Ba Sy sống bên ngoại là vùng căn cứ kháng chiến. Thừa hưởng truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, được sự dìu dắt cậu Năm Võ (Liệt sĩ Năm Võ, hy sinh năm 1968), Ba Sy hình thành tư tưởng cách mạng rất sớm.

Năm 1949, quân ta tấn công địch tại cầu sắt Vĩnh Thông, nhà ngoại Ba Sy là trạm cứu thương cho các thương binh. Và từ đây, công việc đầu tiên Ba Sy nhận được là làm giao liên tuyến Bảy Núi – Châu Đốc với nhiệm vụ mang về đầy đủ các loại thuốc, bông băng y tế cho bộ đội và Ba Sy còn tự nguyện tham gia công tác cứu thương, chăm sóc thương binh. Ba Sy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được các anh, các chú yêu mến và tin cậy.

Những năm đầu chống Mỹ, Ba Sy thoát ly gia đình, học lớp y tá và lớp bồi dưỡng chính trị, văn hóa. Tiếp tục công tác giao liên chịu trách nhiệm liên lạc, móc nối với các trạm giao liên bí mật ở Châu Đốc.

Năm 1960, Ba Sy vận động, cảm hóa và xây dựng anh Sóc Bai là lính dân vệ xã Lê Trì thành cơ sở nội tuyến. Kết quả, Sóc Bai cùng một tiểu đội dân vệ mang toàn bộ vũ khí về với cách mạng. Đây là thành tích công tác binh vận đầu tiên của Ba Sy và cũng là thành tích đầu tiên của huyện vận động được một tiểu đội phản chiến. Ba Sy còn đưa ra sáng kiến dùng dây rừng đo khoảng cách từ địa điểm đặt pháo đến đồn địch, sau khi đo đạc, chấm tọa độ, cự ly giúp đội nữ pháo binh huyện Tịnh Biên bắn chính xác tốt nên đội nữ pháo binh gọi chị là “Kỹ thuật xạ kích Ba Sy”. Cũng trong năm này, Ba Sy chỉ huy đội du kích mật bắn tỉa làm hàng chục tên chết và bị thương, trong đó có 01 tên cố vấn Mỹ.

Năm 1964, với những thành tích đã đạt được, Ba Sy được tổ chức đề bạt làm xã đội trưởng trực tiếp chỉ huy đội du kích xã Lê Trì vừa chiến đấu chống càn, vừa tham gia bảo vệ an toàn căn cứ Văn phòng Tỉnh ủy tại Ô Vàng.

Qua thời gian hoạt động, Ba Sy được tổ chức đánh giá cao phẩm chất, năng lực hoạt động, thông minh, gan dạ, Huyện ủy điều động Ba Sy về huyện, tiếp tục công tác giao liên và hỗ trợ bộ phận quân giới huyện. Ngày 19/5/1968, Lê Thị Sy vinh dự đứng vào hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước cờ Đảng, đồng chí tuyên thề trung thành với Đảng, với lý tưởng cách mạng, quyết tâm cống hiến sức mình cho quê hương.

Những năm 1965 – 1969, tình hình trở nên vô cùng ác liệt. Cùng với trận địa pháo, máy bay địch thường xuyên bắn pháo, ném bom vào căn cứ và tuyến đường giao liên. Đồng thời địch đóng chốt ngày đêm phục kích khắp nơi. Trong tình thế vô cùng khó khăn đó, đồng chí Ba Sy không ngại khó, ngại khổ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Giao liên là nhiệm vụ rất vất vả đòi hỏi sự nhạy bén và lanh lợi. Đồng chí Ba Sy luôn thể hiện tinh thần xung phong, dũng cảm sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn, nguy hiểm bất chấp ngày đêm băng rừng, leo núi, lội nước vượt qua nhiều vòng phục kích của địch, vùng đóng quân bọn biệt kích, bọn khăn trắng, đi – về chỉ trong một đêm kịp thời giao tài liệu giúp đồng đội nắm bắt được tình hình. Có lần, đồng chí mang thư từ, tài liệu đến trạm giao liên T 204, triền núi gần Ô Cạn thì chuyến giao liên vừa đi khỏi 15 phút. Vì lãnh đạo có nói thư hỏa tốc, nên đồng chí Ba Sy hỏi thăm đường giao liên thường đi về trạm T 204 B ở bên núi Thâm Đưng (Campuchia) rồi hỏa tốc một mình đi theo chỉ dẫn. Đến kinh Vĩnh Tế vẫn không kịp, đồng chí băng qua kinh rồi nhắm hướng Thâm Đưng một mình trong đêm tối với cây đèn pin đi miết không ngán ngại trời đêm nguy hiểm. Thế là đồng chí bắt kịp tổ giao liên giao tài liệu và quay trở lại, qua kinh Vĩnh Tế an toàn về đến cơ quan lúc 5 giờ sáng. Vượt qua quãng đường gian nan như thế quả là hết lòng vì cách mạng và chứng tỏ đồng chí có một nghị lực phi thường!

Đồng chí luôn sát cánh cùng tổ quân giới say mê học cách tháo gỡ bom mìn để tái chế vũ khí. Mỗi khi máy bay thả bom, đồng chí tập trung quan sát bom rơi, khi máy bay rời trận địa, Ba Sy nhanh chóng lao ra tọa độ cắm bảng “nguy hiểm” báo bà con xung quanh biết. Với kỹ xảo tháo gỡ bom bi nhanh chóng và chính xác đồng chí đã thu gom nhiều quả bom bi giao cho tổ quân giới chỉ với ba vật dung đơn giản: dao yếm, cái rổ và tấm bảng “nguy hiểm” bằng thiếc do tự tay Ba Sy làm. Ngoài ra Ba Sy còn tranh thủ may vá quần áo cho đồng đội, đơn vị.

Tháng 3/1969, máy bay địch thả bom ngày đêm khi biết bộ đội chủ lực đóng quân tại Ô Vàng. Giống như mọi khi, máy bay xa dần, đồng chí lao ra nhặt bom. Không may, máy bay địch đảo lại tiếp tục ném bom tại tọa độ cũ, Ba Sy hy sinh và chỉ còn lại một phần thân thể! Chiến trường ác liệt nên đồng đội chôn cất đồng chí tại chỗ. Máy bay địch tiếp tục thả bom lần 2 ngay vị trí vừa chôn cất Ba Sy và xóa hết dấu vết(1). Đồng chí hy sinh làm ai ai cũng đau buồn và thương tiếc một người con gái xinh đẹp, giỏi giang mang hai dòng máu Pháp – Việt, một cán bộ kiên trung cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho quê hương Bảy Núi.

Ghi nhận cống hiến của đồng chí, ngày 30/1/2011 Chủ tịch nước truy tặng Lê Thị Sy danh hiệu AHLLVTND với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hình ảnh đồng chí Lê Thị Sy sống mãi trong ký ức đồng đội, là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

_______________

[1] Dựa theo lời kể của đồng chí Phan Văn Mỳ là người trực tiếp chôn cất đồng chí Lê Thị Sy.


Phòng Lịch sử Đảng

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39917603