Truy cập hiện tại

Đang có 70 khách và không thành viên đang online

Đào Hữu Cảnh một liệt sĩ đáng kính

(TGAG)- “Tôi đã từng hỏi thăm nhiều người về người liệt sĩ được đặt tên cho một xã của huyện Châu Phú đó là xã Đào Hữu Cảnh. Tôi thường được nghe: Đó là tên của  một vị lãnh đạo lực lượng vũ trang của huyện Châu Phú, vợ và con của người này đã và đang sống tại địa phương.

Nghe ra tưởng đâu mọi người biết rất nhiều, hiểu rất nhiều về người chiến sĩ cách mạng này, nhưng thật ra cũng chỉ với những thông tin chung chung như trên. Nếu để giải thích với khách lạ, hay với thanh thiếu niên bây giờ và mai sau về cuộc đời và những cống hiến của đồng chí Đào Hữu Cảnh với nhân dân, với đất nước thì như vậy là chưa thỏa đáng, là chưa thể hiện hết trách nhiệm của những lớp người đi sau. Tôi tìm những người đã từng sống, chiến đấu gần gũi bên đồng chí Đào Hữu Cảnh và chợt giật mình, trong số đó có người đã mất, người đã lớn tuổi không còn nhớ nhiều về những kỷ niệm cách nay gần 50 năm. May mắn thay vẫn có người còn mạnh khỏe và sáng suốt để kể cho tôi nghe- Đồng chí  Trần Tuấn kể , tôi xin được chép lại sau đây…”.

Với tôi, ông Đào Hữu Cảnh không chỉ là một vị lãnh đạo tài ba, một người anh thân thiết mà còn là một người thầy đáng kính để suốt đời mình học tập noi theo .

Ngày đầu, tôi quen biết ông Đào Hữu Cảnh vào khoảng năm 1957, tôi chỉ khoảng  17 tuổi, đang sống với gia đình ở khu vực có 72 nóc gia theo đạo Cao Đài, thân Việt Minh, thuộc ấp Hòa Thạnh, Phú Hiệp (Hòa Lạc cũ), là vùng nuôi chứa cán bộ cách mạng. Gia đình tôi cũng đã từng nuôi chứa các ông bà: Tư Kỉnh, Sáu Nhâm,  Sáu Nhọn, Út Vân... Và cũng như bao thanh thiếu niên thời đó, trong xóm đó, tôi được các chiến sĩ cách mạng tin tưởng xem là  con em gia đình cơ sở.

Một hôm, ông Tư Kỉnh  bảo tôi xuống bến sông chờ đón một người bơi xuồng be, đội nón lá, trông giống như một người đi giăng câu; và tôi phải dùng cái rế treo ngoài hiên nhà de ra bờ sông làm ám hiệu. Chiều hôm đó, tôi thấy một người thanh niên khoảng hai mươi bảy tuổi, dáng nhỏ nhắn, gầy ốm vừa bơi xuồng vừa quan sát, thấy ám hiệu ghé vào và tôi mời lên nhà gặp ba tôi . Sau này tôi mới hiểu, tình hình lúc đó, địch ráo riết lùng sục bắt bớ cán bộ cách mạng ở lại sau đình chiến để tiêu diệt, bọn cặp rằn lộng hành và ông Đào Hữu Cảnh đã ra tay trừ khử, bị lộ phải điều lắng đến xứ Hòa Thạnh này.

Ông Đào Hữu Cảnh tên thật là Đào Văn Sạ nhưng ở xóm 72 nóc gia thân Việt Minh, Hòa Thạnh này, ông còn được gọi là Bảy Cảnh, Sáu Sạ, Sáu Dỏm... Ông Bảy Cảnh tổ chức dân quân tự vệ, tập hợp thanh niên, phụ nữ, nông dân  qua các phong trào thể thao, văn nghệ để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia cách mạng…Đến khoảng năm 1960, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng, huyện Châu Phú thành lập Đội trừ gian để loại bỏ những tên ác ôn, ông Đào Hữu Cảnh được rút về làm Đội trưởng. Đến năm 1961, lực lượng vũ trang của huyện Châu Phú đã hình thành và phát triển thành Lực lượng địa phương quân do ông phụ trách. Đến năm 1962 lực lượng này gồm hai tiểu đội, gọi là lực lượng địa phương 802, tôi có tham gia và có điều kiện gần gũi với ông.

Tuy là lính mới, còn trẻ nhưng lúc đó tôi cũng đã nhận ra những điều tốt đẹp để học tập từ người chỉ huy Đào Hữu Cảnh. Xuất thân từ một gia đình bần cố nông, ông Đào Hữu Cảnh không có điều kiện học hành cao nhưng ở ông lúc nào cũng thể hiện rõ tinh thần cầu tiến; việc gì  không rõ, không hiểu thì ông hỏi và rút kinh nghiệm. Nhất là, ở ông có sự giác ngộ rất cao về lý tưởng cộng sản, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng, hết lòng thương dân, thương lính và căm thù giặc tột cùng.

Ông tổ chức và trực tiếp giảng dạy cho lực lượng du kích, lực lượng địa phương quân về cách điều nghiên nắm tình hình địch, cách tổ chức và thực hiện chiến tranh du kích, cách chống càn v,v… Những điều ông truyền đạt có lẽ không có nhiều trong tài liệu mà được chính ông rút ra từ kinh nghiệm chiến đấu vì ông từng thường xuyên đi theo trinh sát điều nghiên, lập kế hoạch tác chiến, tổ chức chiến đấu và chiến thắng.

Lịch sử Đảng bộ của huyện Châu Phú, của Lực lượng vũ trang tỉnh An Giang đều có ghi nhận những chiến tích vẻ vang của lực lượng vũ trang Châu Phú mà ông Đào Hữu Cảnh là huyện đội trưởng. Trận lực lượng cách mạng hóa trang đánh tập kích ở đình Bình Long ( Cái Dầu ) tiêu diệt 3 tên địch, thu trên 20 khẩu súng vào giữa ban ngày khiến cho bọn tề nguỵ hoang mang, khiếp sợ. Rồi trận chống càn vào ngày 17/ 8/ 1962 do tên trung úy Vũ Ngọc Điển chỉ huy. Dưới tài chỉ huy sáng suốt của ông, lực lượng vũ trang của huyện biến thế bị động thành thế chủ động, giành thắng lợi vẻ vang, tiêu diệt gần 70 tên, bắt sống 18 tên địch, thu được 2 máy  bộ đàm, 3 trung liên và gần 20 khẩu súng các loại… Đây là một trận đánh được xem là điển hình của tỉnh, thể hiện rõ bản lĩnh của người chỉ huy. Tình hình lúc đó,  tuy bị  địch càn bất ngờ, lực lượng vũ trang của huyện mới đến địa điểm đóng quân được vài giờ nhưng ông Đào Hữu Cảnh đã nhạy bén điều nghiên địa hình, bố trí lực lượng, giữ bí mật phục kích địch, chủ động chọn đúng thời điểm bất ngờ nổ súng tiêu diệt địch, truy kích địch và rút lui an toàn tránh được những thiệt hại không cần thiết.  Rồi trận đánh chống càn ngày 10/ 10/ 1962 tại Cốc Đạo Cậy , ông chỉ huy lực lượng vũ trang huyện Châu Phú tiêu diệt nhiều tên địch, bắt sống 16 tù binh trong đó có tên Bảo chỉ huy đại đội bảo an Tri Tôn thực hiện trận càn này. Qua nhiều trận đánh, lực lượng vũ trang của huyện Châu Phú ngày càng lớn mạnh, phát triển được 35 tay súng trang bị vũ khí đầy đủ. Đồng thời, chiến lợi phẩm Châu Phú thu được còn tăng cường về tỉnh trên 100 khẩu súng. Huyện cũng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Những chiến tích vẻ vang của lực lượng vũ trang huyện Châu Phú gắn liền với tên tuổi uy danh của người chỉ huy trưởng dũng cảm, gan dạ và mưu trí Đào Hữu Cảnh. Ông được cấp trên tin tưởng, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị ngưỡng mộ và đặc biệt được nhân dân trong vùng tin yêu với tên gọi gần gũi: Ông Bảy Cảnh.

Ông Đào Hữu Cảnh được mọi người kính trọng không chỉ vì tài chỉ huy quân sự, mà trong cuộc sống đời thường ông luôn được xem là tấm gương sáng để cán bộ đảng viên và chiến sĩ học tập noi theo. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày ông Bảy Cảnh không hề có sự cách biệt với ai, mà luôn chan hòa với mọi người; có lúc thương anh em chiến sĩ mệt mỏi, ông nấu cơm hay trực gác thay cho chiến sĩ. Cấp dưới có gì sai sót, ông luôn nhẹ nhàng tâm tình, khéo léo giúp người có khuyết điểm nhận ra thiếu sót của mình mà sửa chữa. Không bao giờ đồng đội thấy ông biểu lộ sự nóng giận, quát mắng cấp dưới, dù anh em nhiều lúc vấp váp khuyết điểm đáng phải xử lý kỷ luật nặng.

Bên cạnh đó, gia đình của ông Đào Hữu Cảnh từ lâu đã là cơ sở tin cậy. Người thân trong gia đình ông hết lòng vì Đảng, sẵn sàng che chở, tiếp tế mọi thứ cho cán bộ cách mạng. Một chuyện đau lòng xảy ra gây nên mất mát đớn đau cho gia đình ông Bảy Cảnh, nhưng qua đó mọi người càng kính phục ông và gia đình ông hơn. Trong một đợt đưa anh em trong đơn vị về nhà, có một nữ chiến sĩ vốn là giao liên lấy súng ra lau, súng bị cướp cò làm đứa con trai đầu lòng mới hơn mười tuổi của ông Bảy Cảnh chết tại chỗ. Người thân và ông vô cùng đau đớn vì tai họa bất ngờ này, anh em cùng đơn vị lo sợ và tức giận với người gây ra. Mặc dù rất đau khổ, nhưng ông Bảy Cảnh biết nén nỗi đau mất mát của riêng mình, ông khuyên nhủ người thân trong gia đình tha thứ cho người lỡ gây ra tai nạn. Người nữ giao liên này khi đã lỡ làm đứa con trai lãnh đạo chết vừa sợ sệt, vừa ray rứt, đau khổ, nhưng gia đình ông Bảy Cảnh đã tha thứ. Khi họp đơn vị, ông Bảy Cảnh cũng chỉ  kiểm điểm rút kinh nghiệm, nhắc nhở anh em không nên để xảy ra sơ sót như vậy nữa, anh em càng kính phục ông Bảy Cảnh và gia đình của ông hơn...

Vào 30 tháng 10 năm 1965 (âm lịch) ông cùng người con trai và nhiều chiến sĩ cách mạng trong đơn vị bị địch phục kích hy sinh ở huyện Châu Phú. Ông là một liệt sĩ tiêu biểu để địa phương đề nghị Chính phủ đặt tên cho một xã của huyện Châu Phú An Giang.
* * *

Chuyện về ông Đào Hữu Cảnh còn rất nhiều, tôi- người chép lại lời kể này và những người đã từng tham gia lực lượng vũ trang huyện Châu Phú ngày ấy có mong ước huyện Châu Phú, kết hợp với lực lượng vũ trang tỉnh và những người nghiên cứu lịch sử nên tổ chức những buổi tọa đàm đánh giá một cách đầy đủ về những đóng góp to lớn của đồng chí Đào Hữu Cảnh cho sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Có thể, từ đó địa phương có cơ sở đề nghị Nhà nước xem xét truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đồng chí Đào Hữu Cảnh… (Những người đã từng sống, chiến đấu bên ông trước kia ngày càng ít đi, già yếu đi…để chậm trễ, mai này có còn ai biết rõ ???)

Thông qua đó, huyện Châu Phú  nên viết một cách cụ thể chi tiết tiểu sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Đào Hữu Cảnh, làm tư liệu quý báu  về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu dũng cảm của một liệt sĩ tiêu biểu để giáo dục truyền thống cách mạng cho những thế hệ mai sau biết tự hào và noi theo./.

Mai Bửu Minh

===================
Mai Bửu Minh ghi theo lời kể của đồng chí Trần Tuấn, có tham khảo tư liệu Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Phú giai đoạn 1930 - 1995, xuất bản năm 2002.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39916249