Đọc tập ký “Nơi đầu nguồn sông Hậu”
- Được đăng: Thứ ba, 13 Tháng 11 2018 09:23
- Lượt xem: 5146
“An Giang cảnh trí mỹ miều
Ta thương, ta nhớ ta liều ta đi”
Có lẽ câu ca dao đã trở nên rất quen thuộc đối với những ai từng sống ở An Giang, đã từng đến, hay đã từng biết đến vùng đất này. Cũng như các tỉnh nằm ở vùng Tây Nam Bộ, cảnh trí An Giang gắn liền với đặc thù của vùng sông nước. Ở đây không phải chỉ đẹp về cảnh trí mà cả con người vùng đất này cũng mang nét đẹp của phong cách con người Nam Bộ, chịu thương chịu khó, anh dũng, cần cù, kiên cường bất khuất. Trần Sang là một tác giả đã tìm thấy cảm hứng từ vùng đất này để chắp bút viết nên một tập ký riêng cho vùng quê An Giang - tập ký “Nơi đầu nguồn sông Hậu”.
Tập ký “Nơi đầu nguồn sông Hậu” đã thể hiện sự thâm nhập, khảo sát, ghi nhận khá tỉ mỉ cuộc sống, cảnh vật và con người ở từng địa phương vùng biên giới Tây Nam của tỉnh An Giang. Ở đây, nhiều dân tộc sinh sống tạo nên sự phong phú đa dạng về phong tục tập quán, lối sống và văn hóa. Tác giả Trần Sang đã đi sâu tìm hiểu những nét riêng của từng vùng đất và cuộc sống của mỗi dân tộc, không chỉ là người Kinh mà còn đi vào cuộc sống của bà con Chăm, Khmer, không chỉ viết về cuộc sống của người dân vùng sông nước mà còn viết về các chiến sĩ bộ đội biên phòng, những người thầm lặng giữ gìn biên cương tổ quốc. Đi vào từng trang viết của Trần Sang mới thấy được vốn sống, sự khảo sát nghiêm túc của tác giả về mọi lĩnh vực của đời sống và con người An Giang. Mỗi một nơi tác giả đi qua và tìm hiểu đều để lại những trang viết có giá trị giúp người đọc hiểu rõ hơn về vùng đất này. Những tư liệu sống động, những con số thống kê, những nhân chứng tiêu biểu tạo nên những câu chuyện chân thực, sống động. Điều đó cho thấy người viết có ý thức thâm nhập, tìm hiểu kỹ đối tượng, từng địa danh, con sông, nhân chứng cụ thể để có được những tư liệu quý giá. Có thể thấy bước chân người viết trải khắp vùng biên giới An Giang, như chính tác giả đã chia sẻ:
“Tôi có may mắn suốt dặm dài biên giới An Giang (ngót gần 100km) hầu như đã đi khắp, nào là: Đồn Biên phòng Sông Tiền, Phú Hữu, Long Bình, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Ngươn, Nhơn Hưng, Tịnh Biên, Vĩnh Gia, Lạc Quới… Nếu có điều kiện là tôi ghé vào, trò chuyện với các chiến sĩ, chính trị viên để hiểu hơn đời sống của nhân dân vùng biên và những người lính quân hàm xanh…”
(Bình yên biên giới vào xuân)
Đọc tập ký của Trần Sang, người đọc có cảm giác như được cùng tác giả trải qua một cuộc du lịch kỳ thú mà mỗi nơi đi qua đều để lại những dấu ấn, những cảm xúc riêng. Đó là một cuộc du ngoạn không phải chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” mà nó còn giúp người đọc hiểu tường tận hơn vùng đất biên giới An Giang. Đây là nơi không chỉ có “cảnh trí mỹ miều” mà còn là nơi con người sống chan hòa, đầy tình người nhân hậu bao dung, tâm hồn phóng khoáng rộng mở đúng chất Nam bộ. Đặc biệt những trang viết của Trần Sang còn giúp người đọc hiểu hơn về những nét văn hóa riêng của từng vùng, từng dân tộc Chăm, Khmer… những ngành nghề đặc trưng của từng nơi: nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer, nghề trồng trầu Ở Long Sơn, nghề làm chiếu lác Định Yên, nghề buôn bán tro ở chợ tro nổi Trà Thôn… Mỗi một ngành nghề đều được tác giả miêu tả tỉ mỉ nguồn gốc, đặc trưng riêng.
Viết về vùng đất An Giang, tác giả Trần Sang không thể không nói tới những con người ở đây. Đó là những con người Nam bộ hiền lành chân chất, dù là dân tộc nào cũng là những con người chịu thương chịu khó, hăng say lao động, có ý thức vươn lên trong cuộc sống, có tấm lòng từ tâm nhân hậu, giàu tình yêu thương. Kể cả những người tưởng như chỉ biết sống vì đạo nhưng lại hết sức lo đời, như sư trụ trì chùa Vĩnh Quang (Tiếng chuông chùa rơi vào lòng người), người đã góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ người nghèo, nuôi trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là rất quan tâm, chăm lo cho công tác khuyến học ở địa phương. Một tấm lòng thật đáng trân quý! Đặc biệt còn có những con người kiên cường trong đấu tranh chống giặc và đã hy sinh anh dũng như chị Neang Nghés (Trên vùng đất Ô Lâm), hay những người kiên trì chiến đấu bất chấp gian khổ, tù đày, sự tra tấn dã man của giặc như bà Đỗ Thị Cam (Người con gái Nhơn Hưng kiên trung)…
Đọc tập ký, có thể cảm nhận rằng người viết là một cây bút rất có tâm và tấm lòng yêu quý vùng đất An Giang, nơi mình sinh ra và lớn lên. Có lẽ vì thế mà khi viết về mảnh đất này, tác giả thường gửi gắm vào đó tình cảm yêu mến, tự hào đối với từng nơi, từng vùng, từng dòng sông, cánh đồng, phum sóc… và con người ở đây. Nhà văn Mai Bửu Minh đã nhận xét: “Trần Sang là người làm thơ… vì vậy trong tâm hồn của người viết ký có cảm nhận của người làm thơ nên trong mỗi tác phẩm của anh có nhiều cảm xúc đan xen, ghi nhận hình ảnh con người, mảnh đất quê hương yêu mến của mình theo mỗi bước chân”. (Đọc tập ký “Nơi đầu nguồn sông Hậu - Mai Bửu Minh).
Lời nhận xét trên hoàn toàn đúng vì ký Trần Sang không chỉ là những ghi chép khô khan nhằm mục đích thông tin đơn thuần. Dường như có thể dễ dàng bắt gặp bóng dáng tác giả thấp thoáng giữa những trang viết để bộc lộ tâm tư tình cảm qua những lời văn tràn đầy cảm xúc, ngôn từ giàu hình ảnh. Có khi đó là hình ảnh một người đang thả hồn vui thú ngắm nhìn cảnh vật, cuộc sống êm đềm thanh bình của quê hương:
“Tôi cảm nhận được xung quanh mình là một khung cảnh bình yên, tươi tốt và thân thuộc. Màu xanh mát rượi của cây cối, của luống rau tươi, của những giàn đậu đũa sai trái lủng lẳng, những cây đu đủ quả mập mạp từ gốc tới ngọn, những cây cà tím, trái to và dài gần chạm đất. Và những luống rau muống, cải bẹ xanh, cải ngọt đang tươi tốt, xanh um khẽ đung đưa trong gió… tất cả toát lên một sức sống mãnh liệt nhưng cũng rất hồn hậu và tươi trẻ nơi miền biên giới Tây Nam trong những ngày nắng đổ này”.
(Vườn rau của lính)
Có khi đó là cảm xúc khó tả của một người con xa quê đã lâu nay được trở về thăm quê cha đất tổ:
“Cha tôi đã lớn lên ở đây, tuổi thơ ông đã ngụp lặn dưới dòng sông Hậu này và miệt mài mưa nắng trên cánh đồng xứ sở cù lao. Mỗi lần về đây như trở về nguyên quán của mình, lúc nào cũng có một cảm giác rất lạ, mặc dù đã hơn 30 năm gia đình tôi đã định cư nơi khác…”
(Bình yên biên giới vào xuân)
Có lúc người viết bộc lộ sự cảm phục đối với người phụ nữ kiên cường Đỗ Thị Cam. Và khi viết về cuộc sống bình dị tuổi xế chiều của “Người con gái Nhơn Hưng kiên trung” ngày nào, tác giả không kìm được cảm xúc đã thốt lên: “Ôi, thật sự vĩ đại mà cũng hết sức bình dị làm sao!”
Đọc tập ký, có thể thấy rằng tác giả Trần Sang luôn muốn chia sẻ cảm thông với những vui buồn, khó khăn của người dân An Giang. Đó là niềm vui khi cảm nhận được cuộc sống yên bình của người dân, sự khởi sắc đi lên của từng địa phương. Nhưng cũng không ít lần, tác giả thể hiện sự băn khoăn, trăn trở đáng trân trọng. Chẳng hạn, đó là sự trăn trở trước những khó khăn của người nông dân, đặc biệt là bài toán nhức nhối “được mùa rớt giá”, sự trăn trở về việc lưu giữ và truyền bá bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ của dân tộc Chăm Islam, trăn trở về việc xã hội cần thiết phải thể hiện sự tri ân đối với những người Đảng viên trung kiên... Tuy nhiên trên hết tác giả luôn bộc lộ một niềm hy vọng lạc quan vào cuộc sống ngày mai của An Giang dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Sự xuất hiện của nhân vật trữ tình – tác giả giữa những trang viết tạo nên sự đan xen giữa yếu tố tự sự và trữ tình, là một nét riêng trong ký của Trần Sang. Điều này làm cho những bài ký của Trần Sang gần với bút ký, tuy ghi chép sự việc, con người nhưng cũng tràn đầy cảm xúc. Giữa những sự việc được ghi chép có những trang miêu tả sống động, những liên tưởng bất ngờ thú vị:
“Trên đường chạy vào búng Bình Thiên, mặt trời đã ửng đỏ, những tia nắng sớm đông cũng đã vui đùa trên những mái nhà, những hàng cây xua tan những hạt sương còn đọng lại trên lá, hay là những hạt sương cũng đã kịp “kết tủa” chỉ chờ những tia nắng chiếu vào tạo nên những hình cầu vồng lạ lẫm mà tinh lắm mới nhận thấy trước khi chúng vỡ ra…”
“… Những hàng còng hai bờ sông, in bóng xuống đang lặng lẽ chảy như một cô gái quê e thẹn, chất phác và mộc mạc. Dòng sông này là nơi lưu trữ nguồn lợi thủy sản dồi dào, bởi lòng sông sâu và những khúc cua tạo thành hàm ếch là nơi “yêu thích” trú ngụ của các loài cá…”.
(Bình yên biên giới vào xuân)
Điều đặc biệt là khi khép lại mỗi bài ký, tác giả thường bộc lộ những cảm xúc, tâm tư chân thành, tình yêu thương và sự tự hào đối với vùng quê An Giang, có khi qua một lời ru lắng đọng (Người con gái Nhơn Hưng kiên trung), một bài thơ (Biên giới ở lại trong ta), một câu đối (Tháng Tám về thăm quê Bác Tôn) hay lời một bài hát (Nơi đầu nguồn sông Hậu)... Có lẽ vì vậy mỗi bài ký của Trần Sang thường để lại cho người đọc một dư âm khó quên. Và đây cũng là điều đặc biệt tạo nên nét riêng trong những bài ký của Trần Sang.
Đọc xong tập ký “Nơi đầu nguồn sông Hậu” của Trần Sang, không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến hình ảnh NẮNG - những tia nắng lấp lánh giữa bầu trời trong xanh. Có lẽ vì nắng thường mang đến cho người ta một cảm giác ấm áp tươi vui - nắng của một ngày mới tràn đầy hy vọng, như trong bài ký “Xóm người Chăm ở Vĩnh Hanh”, tôi xin mạn phép dẫn ra đây lời kết của tác giả:
“ …Quê hương mình đã thay đổi từng ngày và “nắng đã về sau những cơn mưa”…
Bài, ảnh: ThS. Ngô Thị Hy