Truy cập hiện tại

Đang có 127 khách và không thành viên đang online

Nơi nào rơm rạ nhớ nhau?

(TGAG)- Tết xong thì cũng là lúc người ta ra đồng. Cái thói quen ấy bao đời nay vẫn vậy. Mùa mới và cũng là mùa đầu tiên của năm mới với bao hi vọng cũng mới. Năm nay, lúa trên những cánh đồng xả lũ trúng hơn. Niềm vui nhân đôi khi mà giá bán cũng cao hơn so với nhiều vụ trước. Đất mẹ châu thổ hiền hòa bao đời nay vẫn vậy, vẫn chảy dòng sữa ngọt lành nuôi lớn những đứa con của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ.

Buổi sáng, trên cánh đồng lúa chín rộ, vàng ươm nghiêng mình đón gió. Mấy con chim sẻ bay sát ngọn lúa, nhanh miệng đớp mớ sâu cuối cùng. Những giọt sương còn đọng lại trên lá lóng lánh phản chiếu cùng con nắng ban mai. Những gương mặt rạng rỡ đu mình trên chiếc máy gặt đập liên hợp nhanh nhảu cột chặt miệng, xô ngã bao lúa nằm lũ lượt phía sau, trắng cả cánh đồng. Chiếc máy kéo cũng vừa kịp đến, người đỡ, người vác thảy lên xe, quay đầu nhanh về phía đầu bờ chất thành đống. Cuộc sống hối hả trên cánh đồng mùa gặt hôm nay tựa như dòng chảy thôi thúc của thời bốn chấm không vậy…


Nhìn những thay đổi trên cánh đồng lúa làm tôi nhớ đến lúc trước, hình ảnh năm bảy người cứ mỗi sáng tinh sương cùng nhau ra đồng vừa trò chuyện, vừa đưa lưỡi hái lòn qua cây lúa cách gốc rạ chừng một tấc cắt từng mớ vừa tròn bàn tay, để nhẹ một bên và xếp thành từng dãy. Quen nhau tự bao giờ mà hể gặp nhau thì lưỡi hái và mấy cây lúa cứ rì rào theo sức của các chị, các cô? Hương thơm nhè nhẹ thoát lên từ hạt ngọc của trời làm người ta phấn chấn. Quên làm sao được những buổi nắng trưa cùng nhau ngồi bụi chuối ăn cơm, chia nhau miếng cá, miếng rau muống luộc thấm đẫm tình làng, nghĩa xóm.

***

Lúc nhỏ, mỗi lần lúa chín vụ Đông Xuân cũng là lúc vui nhất. Tôi thường theo ba mẹ lúc sáng sớm để ra đồng. Tướng gầy gò, nhỏ xíu nhưng lại ham mang vác. Tay trái cầm giỏ xách đựng lưỡi hái cắt lúa, còn tay phải thì cầm cái gàu-mên đựng cơm. Vừa đi vừa kiếm mấy trái xoài rụng, chín cây nằm méo mó dưới gốc. Dùng lưỡi hái gọt bỏ chỗ bị chuột, dơi cắn mà ăn với cơm trắng, cá lòng tong kho queo ngon đáo để.

Tụi con nít chúng tôi không phụ cắt lúa mà đi dọc theo những bờ đê đào hang bắt chuột đồng. Một nhóm ba bốn đứa mang theo nào len, thùng thiếc, dây lác buộc lúa. Cả nhóm chia ra mỗi đứa một việc. Tôi thì nhận việc nhẹ nhàng nhất là xỏ dây mớ chuột mà mấy đứa khác đào, đổ nước có được. Mỗi hang đào được có hai con chuột lớn, mấy con chuột bé tẻo teo, đỏ hỏn. Tôi bỏ bọc mớ chuột con này đem vô nhát tụi con gái trong xóm. Tụi nó la í ới thế là cả bọn chúng tôi có một trận cười vỡ bụng. Vui hơn là lúc tôi cùng ba với mấy anh, mấy chú ví cù. Cánh đồng lúa mênh mông được mọi người cắt vòng quanh, chừa lại mớ lúa gọn lỏn vừa cái chày lưới. Lũ chuột bị ví vào trong đó hết đường mà chạy. Mọi người giăng chày, tắn lại cho thiệt kĩ rồi cắt từ từ cho mớ lúa nhỏ lại. Đến những đường lưỡi hái cuối cùng thì lũ chuột cũng đã nằm gọn trong chày. Bữa nào trúng đậm thì bữa đó tôi có bữa cơm chiều no nê với món chuột khìa nước dừa, mớ rau sống, chén nước mắm đồng pha tỏi, ớt, bột ngọt và một ít đường cát trắng. Ngon không gì bằng!

Cánh đồng mùa gặt là nơi mà tôi cùng mấy đứa nhỏ trong xóm bày ra nhiều trò chơi trẻ nít sau giờ tan học. Thích nhất là được ngồi trên mé đê thả mắt nhìn theo cánh diều đang bay cao trong buổi chiều mát rượi nhưng không phải là diều hình Đô-rê-mon hay cá mập ngộ nghỉnh như bây giờ. Diều do chúng tôi tự làm lấy, nhánh trúc khô vót nhỏ, buộc chéo lại nhau theo hình dấu cộng. Mớ bọc lót bao phân, rọc ra ráp lại theo khung sườn đã làm sẵn rồi dùng nhang đốt chấm từng lỗ nhỏ dán lại với cái đuôi thiệt dài. Dây diều là dây gân hoặc dây ni-lon được cuộn ngoài cái lon sữa bò hoặc cành cây khô. Những lúc gió mạnh, diều đứt dây, vắt tòn ten lên đọt cây cà na rách tươm. Vậy là có một buổi chiều buồn hiu vì phải mất công làm lại con diều khác. Mấy đứa khác diều thả bay cao hơn, cười lộ hàm răng cửa súng, đen xì. Tuổi thơ miệt đồng hồn nhiên quá đỗi.



Những buổi không chơi thả diều thì chúng tôi rủ thêm mấy đứa nữa chơi đá banh trên đất lúa. Trái banh mũ, xẻ ra, nhét rơm khô rồi dùng kim vá lại. Mỗi bên bốn đến năm đứa thi nhau đá. Gốc rạ bị đốt cháy thành tro sau khi lúa được mang vô nhà, đổ đầy mê bồ trữ lại để dành. Cũng chính vì thế mà bữa nào đá xong trận banh thì chân mấy đứa nhỏ chúng tôi cũng đen như tro. Rồi cả bọn chạy thẳng ra con kinh gần đó nhảy cẫng xuống nước tắm đến rong bám hai bên mép miệng tạo thành những bộ râu quai nón, lạ lẫm. Có bữa tắm lâu nên hôm sau tôi bị sốt gần bốn mươi độ. Mấy đứa khác thì bị gọi về đánh cho mấy roi in hằn dấu tích của một ngày “quậy phá”. Hôm sau có rủ mấy thì tụi nó cũng không dám ra chơi. Rồi đất cũng được xới lên, bơm nước vô để bắt đầu cho mùa vụ mới.


Trên cánh đồng lúa chín, màu vàng của hạt ngọc trời vẫn đẹp. Chỉ có điều khác hơn lúc tôi còn nhỏ là người ta cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Tụi con nít giờ cũng không ra đồng, tụ tập thành nhóm năm bảy đứa đào hang bắt chuột, thả diều, chơi đá banh và tắm sông nữa. Nhìn cánh đồng lúa đang mùa thu hoạch tôi thấy nhớ cái tuổi thơ hồn nhiên ngày nào. Màu vàng lúa chín vẫn dung dị và mùi thơm của hạt ngọc trời vẫn không đổi. Chỉ có gốc rạ trên các cánh đồng lúa cắt xong là nhớ da diết bước chân và tiếng cười nói của trẻ nít chúng tôi ngày nào.

Tác giả: Huỳnh Chí Nghĩa
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39844400