Truy cập hiện tại

Đang có 99 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Vai trò cứ địa liên hoàn Bảy Núi trong cục diện chiến trường Tây Nam bộ giai đoạn 1968 - 1975

(TGAG)- Sau Hiệp định Genève, tình hình miền Nam diễn biến phức tạp, Đảng bộ toàn Miền rút vào hoạt động bí mật, chờ cơ hội đấu tranh; chuyển từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chính trị, tiến tới hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Thời gian này, An Giang cũng như các tỉnh Tây Nam Bộ, tổ chức Đảng và người kháng chiến cũ bị Mỹ - Diệm khủng bố thiệt hại nặng nề. Căn cứ Đảng bộ An Giang thay đổi liên tục. Trước tình thế sống còn, các chi bộ Đảng tỉnh An Giang phải chủ động, linh hoạt dựa vào địa hình thuận lợi, hiểm yếu, kiên cường bám trụ, xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài.

Tháng 10/1954, theo tinh thần chỉ đạo của Xứ ủy, An Giang phân chia lại địa giới hành chính ở vùng Bảy Núi. Cụ thể huyện Tịnh Biên tách thành hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, dựa vào địa hình vùng núi, hai huyện lập căn cứ vững chắc, làm trạm an toàn cho các lực lượng, cán bộ từ “R” (Khu 8) qua lại bám trụ khi lưu chuyển về Tây Nam Bộ.

 
AHLLVTND Lê Thành Cư (Hai Cư) – người chỉ huy
trận đánh 128 ngày đêm giữ vững ngọn đồi Tức Dụp.
 
Năm 1955, Huyện ủy Tri Tôn đóng căn cứ ở núi Dài lớn. Tránh địch đánh phá tập trung, năm 1956, Huyện ủy Tri Tôn dời về núi Tô, nhưng linh hoạt di chuyển chiến đấu, bám dân, bám đất liên hoàn từ núi Tô đến núi Dài lớn và núi Cấm; lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị, đánh bọn đội lốt giáo phái và bọn phỉ...

Từ đó, căn cứ Bảy Núi được hình thành, cuối năm 1959, các cơ quan Tỉnh ủy An Giang từ Thường Thới (Hồng Ngự) về đóng ở núi Tô, lãnh đạo phong trào Đồng Khởi 1960.

Từ thực tế, ta tập trung toàn bộ cơ quan đầu não về bám trụ tại Bảy Núi nên từ sau phong trào Đồng Khởi, Mỹ - Diệm tăng cường hệ thống quân lực để san bằng cứ địa Bảy Núi: núi Dài, núi Tô – đồi Tức Dụp, hòng bắt gọn cơ quan Tỉnh ủy An Giang. Về lâu dài, Mỹ - Diệm thấy rằng, Bảy Núi - An Giang là một trong những hành lang quan trọng, có sức chi phối mạnh toàn cục chiến trường Tây Nam Bộ. Bởi so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang nằm ở thế cực kỳ quan trọng – đồi núi hiểm trở, sát biên giới, điểm nút từ Khu 8 về Khu 9... Địa thế đó có thể quyết định sự thành bại của Mỹ - Diệm nơi chiến trường miền Tây.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân 1968, từ năm 1966, Trung ương chi viện cho miền Nam vũ khí và lực lượng chủ lực thông qua tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển và đường 559 - Hồ Chí Minh trên bộ. Sau một thời gian hoạt động, đoàn 962 trên biển bị lộ, Mỹ đánh phá ác liệt, trong khi đó, đường 559 chỉ về tới căn cứ Trung ương Cục ở miền Đông. Tình hình cấp bách, muốn “rót” về chiến trường T3 (Tây Nam Bộ), Khu ủy, Quân khu phải tổ chức lực lượng vận chuyển, vì vậy, ngày 26/3/1967, lực lượng Thanh niên Xung phong Tây Nam Bộ được thành lập, đảm nhiệm trọng trách “nối thông hai đầu chiến tuyến”, từ đó đường vận tải 1C ra đời, đường vận chuyển vũ khí, lương thực từ Đông Nam Bộ về miền Tây.

 
  Tượng đài chiến thắng 128 ngày đêm đồi Tức Dụp. Ảnh: L.N.Â
Bảy Núi nằm trong tâm điểm của đường dây 1C, do địa hình hiểm trở, an toàn cho hàng hóa, lực lượng Thanh niên Xung phong trú đóng khi địch đẩy mạnh đánh chiếm hành lang biên giới.

Xác định tầm chiến lược Bảy Núi, từ những năm Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Mỹ tiến chiếm Bảy Núi bằng cách mở nhiều cuộc hành quân, xây dựng hệ thống ấp chiến lược, đồn bót dày đặc nhằm cô lập Bảy Núi, biến khu Tứ giác: Tịnh Biên, Tri Tôn, Huệ Đức, Kiên Lương trở thành địa bàn tự do bắn phá. Nay sự ra đời của đường dây 1C đã đưa Bảy Núi lên một tầm quan trọng mới, thu hút thêm sự chú ý của Mỹ.

Trạm 1C bên kia biên giới Campuchia xuất phát từ Bang – Hang (Stúc – mía, Cam Pốt), muốn vào địa phận Nam Thái Sơn đi Kiên Lương… phải vượt kinh Vĩnh Tế. Do nằm trong vành đai lửa, Bảy Núi, kinh Vĩnh Tế trở thành nơi chà đi sát lại của Mỹ; có lúc vượt qua được kinh Vĩnh Tế nhưng lại gặp địa hình đồng trống, rừng thưa, lực lượng Thanh niên Xung phong và hàng hóa chi viện phải tuồn vào Bảy Núi ẩn giấu, tránh sự đánh phá của địch:“Lực lượng thanh niên xung phong có hơn 800 chiến sĩ, Trung đoàn 195, 195A, đơn vị “Quyết Thắng”… là lưu lượng nhân sự của tuyến đường – có lúc dồn cả mấy ngàn người trong một vùng rừng không rộng lắm, cây rừng lưa thưa… lương thực bị phong tỏa”. Vì vậy, căn cứ núi Dài – núi Tô (khi thì núi Cấm) trở thành nơi bám trụ vững chắc cho hệ thống 1C từ biên giới về nội địa mỗi lần bị địch càn quét.

Năm 1967, dù chưa phát hiện tuyến vận tải 1C, nhưng địch tập trung lực lượng sư đoàn 9 và 21 đánh phá trên vùng diện rộng Bảy Núi trong suốt 24 ngày đêm, nhằm kiểm soát toàn bộ Bảy Núi và tuyến hành lang biên giới. Tướng Mỹ từng nhận định rằng:“Chiếm tam giác sắt Củ Chi mà chưa chiếm được Thất Sơn, trong đó có căn cứ quan trọng của cộng sản là Tuk Chup (Tức Dụp), thì coi như người Mỹ chỉ mới đứng một chân; đối phương sẽ hất người Mỹ ra khỏi đất nước Việt Nam lúc nào không biết”. Đảm trách vai trò “yết hầu” của mình, lực lượng địa phương quân đóng ở Bảy Núi đánh trả nhiều cuộc hành quân quy mô của địch, bảo vệ căn cứ, bảo vệ hàng hóa viện trợ trong quá trình lực lượng Thanh niên Xung phong đứng chân ở đây.

Có thể nói, năm 1967 là năm quyết định cho Tổng nổi dậy Mậu Thân năm 1968, năm huy động tổng lực sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và Tây Nam Bộ. An Giang là tỉnh đầu cầu, trong đó, căn cứ Bảy Núi có vai trò sống còn trên toàn Khu 9. Nếu An Giang không làm tốt công tác giữ “cửa nhà” - núi Dài, núi Tô – giáp biên giới và nội địa, chắc hẳn khi chiếm được khu căn cứ trọng điểm này, Mỹ sẽ làm bàn đạp tấn công dễ dàng các tỉnh Tây Nam Bộ; tách biệt chỉ đạo, liên lạc tác chiến giữa Khu 8 và Khu 9; không lâu sẽ “bẻ gãy xương sống của cách mạng miền Tây”. Đặc biệt, khi trận đánh Mậu Thân nổ ra, tình trạng thiếu vũ khí, lực lượng chủ lực đánh vào nội ô, cứ điểm quan trọng của địch, vì vậy, chiến dịch Mậu Thân 1968 ở Tây Nam Bộ sẽ không thu về kết quả như mong muốn.

Bị đánh đau năm 1968, trên cục diện chiến trường T3 (Tây Nam Bộ), Mỹ dồn nhiều cuộc hành quân phản kích cấp sư đoàn, đánh chụp vào các cơ quan lãnh đạo của ta trên toàn Miền, chiếm lại vùng giải phóng, nhiều cơ sở gần như bị tê liệt, điển hình: cơ quan Khu 9 và các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang ở U Minh Hạ - U Minh Thượng, căn cứ huyện ủy Hà Tiên ở núi Mo So...; đường dây liên lạc liên tỉnh bị cắt đứt. Ở chiến trường vành đai An Giang hơn 100km đường biên giới, địch huy động 3 sư đoàn: sư 7, sư 9 và 21 cùng 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ án ngữ, liên tục đánh thọc sâu vào nội địa, cô lập T3 và Trung ương Cục, chia cắt vùng căn cứ của ta từ bên kia nước bạn Campuchia. Mức độ đánh phá ác liệt và thường xuyên hơn sau khi Mỹ phát hiện đường huyền thoại 1C, hàng hóa được chuyển từ bên kia đất bạn Campuchia về miền Tây qua cửa khẩu An Giang; địch chà sát bom đạn, khóa chặt biên giới, hòng dập tắt đứt đường dây, phá hủy các kho hàng hóa, vũ khí .“Cánh đồng chiến trận” với các khu rừng 80, 85, 90 và vùng Bang Hang (Stúc – mía, Cam Pốt) nối dài đến Vĩnh Tế - Nam Thái Sơn – Hà Tiên – Cái Sắn… với Bảy Núi, Ba Hòn và khu lòng chảo Gộc Xây – Đồng Cừ, Tràm Dưỡng trở thành trung tâm đổ quân, dập pháo, B52 của địch...

Thấy được vai trò sống còn đường dây 1C với cách mạng Tây Nam Bộ, địch đánh phá trên diện rộng tuyến đường, lúc này Bảy Núi làm nhiệm vụ tiền đồn, bảo vệ người và của khi hàng ngàn lượt Thanh niên Xung phong về ngang Bảy Núi. Vai trò tiền đồn – trung trạm, Bảy Núi bảo vệ người và vũ khí của đường dây 1C từ 1967 – 1975 là sự thắng lợi quyết định thế và lực giữa ta và địch vùng Tây Nam Bộ. Thấy rằng, từ năm 1966, đường Hồ Chí Minh trên biển bị phong tỏa, đường 559 trên bộ bị ngắt đoạn, chiến lược chi viện vũ khí, lực lượng cho T3 chỉ trông nhờ vào đường 1C; biên giới An Giang, núi Dài, núi Tô không được lực lượng vũ trang địa phương giữ vững thì sẽ phá vỡ thế thân bằng về kiểm soát vùng trọng yếu của ta và địch, gây bất lợi cho ta trên toàn Miền. Lúc này, 1C bị đứt thì chẳng còn cách nào chi viện đảm bảo vũ khí, nhu yếu, quân chủ lực cho nhiều trận phản công của ta từ năm 1968 – 1975.
 

Trận địa pháo 175 ly tự hành của Mỹ đóng dưới chân đồi Tức Dụp trong trận đánh 128 ngày đêm.


Năm 1968, Mỹ bắt đầu đánh mạnh toàn diện căn cứ liên hoàn núi Dài – núi Tô nhằm phá “vành đai”, làm rúng động tinh thần quân cách mạng toàn Miền, tạo “quả đấm” quân sự lan sang các cứ điểm vòng cung lân cận. Mong đạt được ý đồ thắng lớn quân sự và “tâm lý chiến”, Mỹ huy động toàn lực lượng vùng 4 chiến thuật: Không quân, lục quân đánh phá, trong khi đó lực lượng địch ở Tây Nam Bộ chỉ có 3 sư đoàn chủ lực: sư 7, sư 9 và sư 21. Việc tập trung 2 sư đoàn 9 và 21 đánh phá căn cứ núi Dài, núi Tô, trọng tâm cuộc đọ sức 128 ngày đêm đồi Tức Dụp đã làm địch phân tán một lực lượng hùng hậu ở các chiến trường quan trọng khác.

Qua diễn biến 128 ngày đêm đồi Tức Dụp, mới thấy hết tầm quan trọng của núi Tô trong nước cờ của Mỹ ở tỉnh đầu cầu An Giang và Tây Nam Bộ: Từ ngày 11/7/1968, Mỹ hành quân tổng lực, tính chất quyết định, gây ảnh hưởng lớn, giành thế chủ động trên cục diện Miền, trên bàn đàm phán hội nghị 4 bên... Mỹ huy động hơn 18 ngàn quân, đích thân tướng Mỹ Eska 2 sao chỉ huy. Tổng số tham chiến ở Tức Dụp gồm sư 9 và 21, tiểu đoàn PakChungHy (Nam Hàn), Biệt động quân, lính dù, không quân B52, B57, thiết xa vận M113, 115 và 118. Địch giàn hàng 13 trận địa pháo 70 khẩu đủ kích cỡ hạ nòng bắn thẳng vào đồi Tức Dụp. Trận đánh lịch sử diễn ra 128 ngày đêm xung quanh diện tích đồi không quá 2km vuông chịu hàng nghìn tấn đạn, bom... khiến đồi Tức Dụp vỡ vụn. Qua trận tử thủ quyết định lịch sử của địa phương quân Tri Tôn và quân chủ lực Miền đã giữ vững vành đai Tây Nam Bộ, loại khỏi vòng chiến 4.700 tên địch, bắn cháy 11 xe tăng, 4 trực thăng và nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Tại sao Mỹ dùng hệ thống quân sự hùng mạnh “quyết tử” chiếm trọng tâm Tức Dụp, mong muốn kiểm soát toàn thể Bảy Núi? Có thể khẳng định, Mỹ xem núi Dài và núi Tô-đồi Tức Dụp là  một“cao điểm” quan trọng của ta, có thể quyết định sự thất bại, thắng lợi của Mỹ trên nhiều phương diện mà Mỹ cần chiếm. Phía ta, núi Dài, núi Tô – đồi Tức Dụp là trọng điểm kềm chân địch, phân hóa thế tiến - thủ của địch trên toàn Khu 9. Bởi vì, về cục diện Tây Nam Bộ bấy giờ, địch chỉ có 3 sư đoàn cơ yếu – sư 7, 9, 21, địch gom tổng lực về mũi đầu An Giang đánh chiếm một thời gian dài, tạo thuận lợi cho cách mạng ở T3 củng cố lực lượng và tổ chức, chuyển sang phản công, đánh chiếm lại vùng giải phóng khi địch tại mỗi địa phương bị yếu và mỏng…
Để giữ vững “cửa nhà miền Tây”, giữ tấm bia “chắn đạn” quan trọng của hành lang, lực lượng cách mạng căn cứ liên hoàn núi Dài, núi Tô kiên cường đánh bại nhiều cuộc hành quân lớn nhỏ của địch. Những địa danh Ô Tà Sóc (Ô Tàn Khốc), đồi Ma Thiên Lãnh, Bụng Ông Địa, đồi Tức Dụp (Tức Ngực)… đã đi vào huyền sử hào hùng của vành đai Bảy Núi – An Giang…
 

Trực thăng Mỹ bay thám sát trên đỉnh núi Tô ngày 15/07/1968 Ảnh: L.N. (sưu tầm)

Năm 1970, tình hình chiến trường Campuchia biến động lớn, Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, nhằm dễ dàng bứng căn cứ của ta trên đất Campuchia (và Lào) một cách “hợp pháp”. Mỹ hậu thuẫn Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Lonon lật đổ Shihanuk. Mưu đồ của Mỹ đã rõ, Mỹ mượn bàn tay Lonon đánh phá và “lùa” quân cách mạng trên đất Campuchia về sát biên giới để Mỹ đỡ lưng tiêu diệt. Trước tình hình vô cùng khó khăn, vành đai biên giới An Giang bị Mỹ - Thiệu phong tỏa, còn bên kia  Campuchia thì lính Lonon chống phá lực lượng ta. Lúc này tại Sóc Chiết (Stúc mía, Cam pốt), Tổng trạm 195 gồm đoàn 195, cả Liên đội Thanh niên Xung phong đường dây 1C, đơn vị 401 gom lại hơn ngàn quân, cùng với đó là 2 Tiểu đoàn chủ lực của ta do đồng chí Trương Phia phụ trách chưa kịp về miền Nam. Tất cả hậu cứ của Sư 1 gần 5000 người tập trung về phía biên giới sát mé kinh Vĩnh Tế, ém quân trong các lùm cây. Trong cảnh tiến thoái lưỡng nan, ta quyết định chọn một bộ phận chủ lực trở lại Campuchia đánh Lonon giải vây cho chính quyền Shihanuk và cũng giữ vững căn cứ; bộ phận còn lại tìm cách rút về phía Nam kinh Vĩnh Tế dựa lưng vào Bảy Núi bảo toàn lực lượng, đường dây 1C vẫn tiếp tục vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng tiếp tế cho Tây Nam Bộ. “Lúc đó, từ núi Dài về núi Tô anh em Thanh niên Xung phong và các lực lượng của ta ở nhiều lắm, bám vào núi có lúc lên hơn 1 ngàn người…” – lời kể của AHLLVT Lê Thành Cư, Huyện đội trưởng Tri Tôn, người chỉ huy trận đánh 128 ngày đêm đồi Tức Dụp.

Quyết tâm kiểm soát toàn bộ căn cứ liên hoàn, khống chế toàn Miền, đóng chặt cửa ngõ An Giang bằng “hàng rào đồn bót, bom đạn, hành quân càn quét”. Bước sang năm 1970, địch kiên trì mở thêm nhiều trận đánh, dội bom pháo vào căn cứ liên hoàn núi Dài và núi Tô, chiếm các cao điểm có khả năng kiểm soát vùng diện rộng. Vào tháng 9/1970, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 ngụy sử dụng một chiến đoàn, trong đó có 2 tiểu đoàn 42 và 44 Biệt động quân tấn công vào các cao điểm núi Tô. Cuộc hành quân lần này của ngụy đặt dưới sự điều động của tên Chuẩn tướng Trần Bá Di là Tư lệnh Sư đoàn 9 ngụy. Tiếp theo ngày 21/10/1970, địch lại mở cuộc hành quân quyết định đánh chụp vào núi Tô với 2 tiểu đoàn 42 và 44 Biệt động quân, dùng chiến thuật gọng kềm khóa chặt quân ta trong núi Tô; địch từ trên đánh xuống, từ dưới đánh lên, dùng lựu đạn ném như mưa vào những khe núi, vách, lõm đá mà địch nghi ngờ ta đang trú bên trong. Đánh nhiều ngày liền vẫn không vào được những hang quan trọng, địch giở chiến thuật “chôn sống” ta bằng chất ngạt, hun chất CS vào hang từ sáng đến chiều. Với tinh thần giữ trọn “mật khu”, giữ vững “chiến địa” sống còn của cách mạng An Giang - miền Tây, lực lượng địa phương quân cách mạng An Giang đẩy lùi trận 2 trận đánh liên tiếp của địch, bảo vệ từng mõm đá, lò ảng, nhiều cơ quan, cán bộ, đặc biệt hỗ trợ tốt cho đoàn 962 vận chuyển hàng chiến lược từ Bảy Núi về các tỉnh miền Tây. Dù một thời gian dài chẳng làm gì được Tức Dụp - núi Tô, núi Dài, nhưng để gây tâm lý hoang mang cho cách mạng miền Tây và cả nước, nâng cao tinh thần “vinh dự, tự hào” của ngụy quyền Sài Gòn, cuối năm 1970, Mỹ - Thiệu vẫn tuyên bố “thanh toán hoàn toàn mật khu Thất Sơn”  và “Căn cứ Cô Tô, một căn cứ mà Việt Cộng rất tự hào là bất khả xâm phạm đã bị phá hủy tan tành…”.
 

Lực lượng biệt kích Mỹ và lực lượng Sài Gòn “hội ý” trước khi tấn công vào núi Tô – đồi Tức Dụp trong trận đánh 128 ngày đêm.
 
Sau hiệp định Paris, lực lượng Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam về cơ bản “cút” hết. Tiếp tục theo đuổi “vết xe đổ” của “đàn anh”, ngụy quyền Sài Gòn ngoan cố chiếm căn cứ liên hoàn “bất khả xâm phạm”, nuôi mộng “lập lại trật tự biệt khu 44” (biệt khu 44 mà địch khoanh vùng gồm các tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp), Châu Đốc và một phần của tỉnh Kiên Giang), tiến tới “cắt đứt chi viện từ Trung ương Cục về các tỉnh Tây Nam Bộ”. Ngoài hành quân càn quét, dưới chân núi, địch lập hệ thống phòng vệ dân sự dày đặc, tung lực lượng thám sát, bảo an đánh phá cơ sở mọi lúc mọi nơi; tăng cường quân lực, vũ khí cho căn cứ Chi Lăng… Để đánh bại mưu đồ của địch, từ tháng 8/1972, Trung ương tăng cường bộ đội chủ lực Miền về đứng chân ở Bảy Núi. Vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn, chủ lực Miền, quân dân địa phương Bảy Núi liên tiếp tổ chức phản công địch, mở rộng vùng giải phóng, giữ vững vai trò điểm chốt, bảo vệ, nối thông tuyến đường 1C chi viện vũ khí, lực lượng cho các tỉnh miền Tây, đảm bảo cho các trận đánh lớn trong chiến dịch mùa khô 1972 – 1973 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975…

Tóm lại, chiến trường Bảy Núi giai đoạn 1968 – 1975, điển hình là căn cứ liên hoàn núi Dài, núi Tô – đồi Tức Dụp chịu sự chi phối nặng nề cục diện chiến trường Tây Nam Bộ cho cả ta và địch. Địch nhận rõ vai trò của Bảy Núi - một sự thành bại - “Chiếm tam giác sắt Củ Chi mà chưa chiếm được Thất Sơn, trong đó có căn cứ quan trọng của cộng sản là Tuk Chup, thì coi như người Mỹ chỉ mới đứng một chân; đối phương sẽ hất người Mỹ ra khỏi đất nước Việt Nam lúc nào không biết”, nên bằng thủ đoạn gì, mọi giá Mỹ - ngụy phải chiếm được Bảy Núi. Vì thế, có lẽ tính dự báo đã rõ, một thất thảm hại, cuộc rút chạy với quy mô lớn của Mỹ – ngụy ở Tây Nam Bộ do “không chiếm được tổng thể và đứng chân lâu dài ở Thất Sơn”.

Về phía ta, vành đai An Giang – Bảy Núi ảnh hưởng lớn mạnh chiến trường Tây Nam Bộ và cục diện kháng chiến chống Mỹ; sự quyết định “sống” , “chết” được minh chứng bằng nhiều cuộc hành quân lớn của Mỹ từ 1968 - 1972. Tổng thể giai đoạn thâý rằng, thứ nhất: Nếu An Giang không làm tốt vai trò bảo vệ “mật khu Cộng sản” Thất Sơn thì tuyến đường 1C về miền Tây sẽ bị đứt đoạn, hàng hóa, vũ khí, bộ đội Trung ương chi viện bị tồn đọng; lực lượng, vũ khí thiếu, việc mở nhiều đợt đánh lớn trên toàn miền như: Mậu Thân 1968, chiến dịch xuân hè 1972 – 1973, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 sẽ thụ động, hoặc có diễn ra nhưng không theo kế hoạch, kết quả không cao. Thứ 2: Việc giữ chân cùng một lúc 3 sư đoàn chủ lực và nhiều lực lượng khác của địch trong thời gian khá dài ở chiến trường Bảy Núi là một điều kiện hết sức thuận lợi cho toàn Miền củng cố lực lượng, xây dựng căn cứ, nhất là sau Mậu Thân 1968, thời gian này chiến trường vùng hậu: U Minh Thượng, U Minh Hạ… bị thiệt hại nặng nề trên các mặt. Thứ 3: Chiến trường Bảy Núi gây tiêu hao nặng nề cho địch về lực lượng, phương tiện chiến tranh, làm giảm số lần hành quân càn quét của ở vùng khác; sa sút tinh thần kháng chiến của địch…

Trải qua bao nhiêu chết chóc, gian khổ, đội bao nhiêu bom đạn đến “Tức Ngực”, “Tàn Khốc”, An Giang vẫn bảo vệ thành công nhiệm vụ “vành đai lửa”, “cánh cửa nhà” của mình, góp phần quan trọng làm bàn đạp quyết định cho Khu 9 làm nên những trận đánh vang dội từ 1968 – 1975…

Vĩ thanh

Trận đánh 128 ngày đêm đồi Tức Dụp là một trong rất ít chiến công vang dội của lịch sử chống Mỹ mà con người An Giang lập nên kỳ tích. Vì vậy, nên chọn một ngày cụ thể (ngày mở màn trận đánh, hoặc ngày chiến thắng) làm lễ kỷ niệm sự kiện lịch sử oanh liệt này. Tương tự mô hình: Chiến thắng Bình Giã, chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, Chiến thắng Ấp Bắc... để tạo mô hình tuyên truyền lịch sử – văn hóa, vừa phát triển du lịch vừa ôn lại hào khí, truyền thống yêu nước cho người dân trong, ngoài tỉnh... !

Xây dựng, quy hoạch lại toàn bộ căn cứ cách mạng liên hoàn, trong đó trọng tâm đồi Tức Dụp để khai thác du lịch. Thực tế mà nói, qua nhiều lần tham quan “đồi 2 triệu đô la” thấy giá trị của nó chỉ được “kể trên lịch sử bằng những trang viết, câu chuyện” chứ chưa làm cho người ta “rung động hào khí” thực sự để đến “nghiêng mình bái phục”. Ngày thường “Lèo tèo” vài người – vắng lạnh, ngày lễ chỉ độ trăm, khách đi một lèo qua núi, xuống hang rồi chẳng biết làm gì – về, ở lại chưa quá 1 tiếng đồng hồ… Nhớ cách đây vài năm, cả hôm nay, sinh viên Đại học An Giang đi thực tế kiến thức bài học về văn hóa – lịch sử đến “xuyên Việt”. Đi qua nhiều vùng đất, thấy những di tích lịch sử “kém xa” Tức Dụp quê nhà, thế mà khách du lịch trong, ngoài nước, sinh viên từ các tỉnh lẻ đến rất đông… Ngẫm lại tự đặt câu hỏi: Sao mỗi lần đi thực tế văn hóa – lịch sử hay du lịch chỉ có sinh viên miền Tây mình ra ngoài kia, sinh viên xứ họ có đến “ngọn đồi lịch sử” của mình để tìm hiểu về văn hóa – lịch sử không?

Từ năm 2010, đến nay đã bao lần trở lại núi Tô,“Bản hùng ca Tức Dụp” trong lòng vẫn còn bập bùng vang dội, nhưng lại thật hiếm gặp đoàn xe sinh viên nào từ Bắc - Trung vào đây đi thực tế (!)... Chỉ ngẩn ngơ một vài khách quê nhà...! Điều đáng tiếc này do chủ thể hay khách thể ?


L.N.Â
_______________
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang (2007), Lịch sử Đảng bộ An Giang, tập 2 (1954 – 1975).
2. Lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn (1945 – 2000), 2002.
3. Nhiều tác giả (2005), 1C - con đường huyền thoại (tập 2), Nxb. Phương Đông.
4. Nhiều tác giả (2006), Khu Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Tây Nam Bộ, Nxb. Phương Đông.
5. UBND tỉnh Cà Mau (2003), Cà Mau Anh Hùng, Nxb. Mũi Cà Mau.
6. Lời kể của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Lê Thành Cư.
7. Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang, các số: 71 – 2/2011; 72 – 3/2011; 73 – 4/2011.
8. Nhiều tác giả (1996), Vòng cung Cần Thơ năm 1968, Nxb. Tổng hợp Cần Thơ.

Bảy Núi: trong bài viết chỉ 2 ngọn núi quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là núi Dài và núi Tô - đồi Tức Dụp. Đây là hai nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Ngoài ra, hai ngọn núi này còn là căn cứ thường xuyên của Lực lượng vũ trang các địa phương tỉnh An Giang, cơ quan Tỉnh ủy An Giang, và bộ đội chủ lực Miền lưu trú lại khi Trung ương chi viện về cho vùng Tây Nam bộ.

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40128231