Truy cập hiện tại

Đang có 69 khách và không thành viên đang online

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

(TGAG)- Trải qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển (1948 - 2019), các thế hệ giảng viên của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng luôn cố gắng nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Tuy nhiên, trong tình mới hiện nay, công tác nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn không ít hạn chế, bất cập; tri thức kinh điển chưa được coi trọng đúng mức,v.v...

Để thực hiện tốt  Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Trường đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, xem đây là khâu đột phá để góp phần đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay. Từ năm 2010 chất lượng đội ngũ giảng viên tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Tổng số giảng viên hiện nay là  34 đồng chí (chiếm 59,6% tổng số cán bộ). Trong đó 76,5% giảng viên có trình độ sau đại học (4 tiến sĩ,  2 nghiên cứu sinh, 20 thạc sĩ ) số có trình độ cao cấp lý luận chính trị đạt  70, 59%.

Hằng năm nhà trường có quy định và 100% giảng viên luôn hoàn thành nghĩa vụ nghiên cứu khoa học,  đi thực tế ở cơ sở. Kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ (từ năm 2010 đến nay trường đã hoàn thành 1 đề tài cấp tỉnh, hàng chục đề tài cấp cơ sở, tham gia nhiều đề tài cấp bộ và có hàng chục bài viết đăng trên các tạp chí uy tín của Trung ương và địa phương). Các hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn của giảng viên đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Nó còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn, tránh xơ cứng, giáo điều...

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên của Trường vẫn còn không ít hạn chế. Hiện tại, số giảng viên chỉ chiếm 59,65%  trong tổng số 57 viên chức , trong đó có 4 giảng viên tập sự. Nếu không có giải pháp quyết liệt, đội ngũ giảng viên sẽ thiếu hụt trầm trọng (khó đạt mục tiêu đạt 2/3 tổng số viên chức vào năm 2025). Điều lo ngại nhất hiện nay là nhiều giảng viên có trình độ, năng lực, giàu kinh nghiệm đã đến tuổi nghỉ hưu; đa số còn lại tuổi đời và tuổi nghề còn quá trẻ, phần lớn còn hạn chế về trình độ, năng lực, kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm giảng dạy, v.v... Quá trình chuyển giao, kế thừa, phát triển liên tục giữa các thế hệ giảng viên đang gặp nhiều khó khăn. Từ đó, sắp tới phải thực hiện tốt một số giải pháp như sau.

Trước nhất, cần tập trung tổ chức thực hiện tốt Quy định số 09 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị; Quy định số 1066-QĐ/TU, ngày 26/6/2019  của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng. Trong đó, đặc biệt chú trọng quy định về trình độ, năng lực, phẩm chất và uy tín cán bộ. Mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ có đủ năng lực, phẩm chất vào các vị trí lãnh đạo, quản lý phù hợp. Kiên quyết đấu tranh loại trừ những cán bộ, giảng viên có biểu hiện suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; tự diễn biến, tự chuyển hóa, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm.

Thứ hai, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có trình độ chuyên môn cao, có vốn sống thực tế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo; chú trọng phát huy vai trò của các nhà giáo có kinh nghiệm, năng lực và uy tín. Đồng thời, hết sức coi trọng việc nâng đỡ, khuyến khích các giáo viên trẻ, tạo cơ hội và động lực cho cán bộ, giáo viên trẻ phát triển. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đáp ứng yêu cầu là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, trên 90% giảng viên của trường có trình độ thạc sĩ trở lên, 20% đạt trình độ tiến sĩ, 80% trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Thứ ba, thường xuyên chăm lo xây dựng đạo đức nhà giáo, đúng như C.Mác đã nói, bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục. Người thầy giáo cần phải tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nhà giáo. Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với người học, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Tập trung nghiên cứu các vấn đề cơ bản phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường. Nghiên cứu khoa học phải góp phần vào việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đấu tranh phê phán những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch. Nghiên cứu khoa học cũng góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương và bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Chú trọng xây dựng môi trường dân chủ trong nghiên cứu khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, tính Đảng, xây dựng môi trường văn hóa mẫu mực mang phong cách trường Đảng.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, vừa có vai trò nền tảng, vừa có vị trí then chốt trong tình hình hiện nay. Vì vậy, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng; góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, luôn kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động thực tiễn.

VÕ MINH HOÀNG
TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
__________________________
Bài đăng trên TTCTTT số 8/2019
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37030550