Truy cập hiện tại

Đang có 73 khách và không thành viên đang online

Để tháo gỡ những khó khăn của giảng viên lý luận chính trị

1. Ngoài mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực. Sự xuống cấp về đạo đức xã hội ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã tác động không nhỏ trong giáo dục, nâng cao nhận thức lý luận hiện nay. Mặt khác, trong thực tiễn cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề lý luận chưa được phát triển, bổ sung, làm rõ bản chất... Những vấn đề đó đang đặt ra không ít khó khăn trong giảng dạy các bộ môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể nhận diện những câu hỏi lớn đang đặt ra đối với đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay.

Một là, làm thế nào để nhận thức đúng thực chất, tránh sai lầm trong dạy và học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh?

Nhận thức đúng bao giờ cũng chỉ có một, nhưng sai lầm lại có rất nhiều dạng khác nhau. Trong mỗi dạng lại có nhiều mức độ khác nhau. Những sai lầm dẫn tới tổn thất hoặc sụp đổ chế độ đã từng xảy ra trong lịch sử. Những Đảng lớn đã từng là vĩ đại, là bậc thầy của lý luận cũng không tránh khỏi.

Cuộc sống hiện tại đặt người dạy và người học đối diện với nhiều vấn đề chưa được giải đáp hợp lý. Điều đó đặt ra cho người giảng viên phải giải thích cặn kẽ những biểu hiện tiêu cực diễn ra hiện nay. Đảng ta đã chỉ rõ: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, nguy hiểm đến mức đe dọa sự mất còn của chế độ, của Đảng. Tuy nhiên, phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng. Trong Đảng, vẫn còn nhiều đảng viên tiên phong gương mẫu, là những gương sáng làm chỗ dựa cho lòng tin của quần chúng.

Hơn nữa, trong thực tiễn, không ít vấn đề lý luận chưa được làm sáng tỏ, làm vai trò của lý luận Mác - Lênin thiếu gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Không ít vấn đề thực tiễn nảy sinh mới chỉ được lý giải chung chung, chưa nhận dạng được ở tầng sâu của các hiện tượng xã hội.

Tất cả những vấn đề nói trên không khỏi làm cho giảng viên cảm thấy lúng túng khi vận dụng lý luận để giải đáp những tình huống thực tế. Từ đó câu hỏi đặt ra là nắm vững lý luận như thế nào để không sợ sai lầm khi giáo dục tuổi trẻ hoặc không “bị kẹt” giữa những mâu thuẫn lý luận và thực tế.

Hai là, làm gì để nắm vững bản chất và xu thế vận động khách quan của thực tế

Lý luận phải gắn liền với thực tế là một nguyên lý cơ bản của nhận thức lý luận. Nhưng thực tế rất phức tạp, đa dạng, đầy mâu thuẫn và vận động không ngừng nên không dễ gì nhận thức đúng thực chất. Việc nhận thức đúng hiện tượng và bản chất, chân lý và phi lý, chính nghĩa và phi nghĩa trước thực tế đôi khi không phải dễ dàng đạt được sự thống nhất cao.

Nghị quyết 01/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 28-3-1992 đã nêu: “Công tác lý luận phải khẳng định và làm rõ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, làm rõ những vấn đề cần nhận thức cho đúng, những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và phát triển trên cơ sở tổng kết và khái quát những kinh nghiệm thực tiễn mới và những thành tựu của khoa học hiện đại”. Tổng kết và khái quát những vấn đề nói trên không hề đơn giản nên đến nay không ít vấn đề thực tiễn chưa có câu trả lời thỏa đáng về các mức độ nhận thức lý luận.

Nắm vững thực tế để nhận thức đúng lý luận không chỉ xuống cơ sở sản xuất, kinh doanh dăm bẩy ngày là đủ, tuy việc đó cũng cần thiết đối với giảng viên nhưng vẫn chỉ là một điểm nhỏ trong bể kiến thức mênh mông của hiện thực.

Cần có vốn hiểu biết thực tế vững chắc, đủ sức làm sáng tỏ chân lý và bác bỏ phi lý là khó khăn lớn của giảng viên lý luận hiện nay.

Ba là, làm thế nào để việc giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đứng vững trên cơ sở lý luận của giáo dục học

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những nguyên lý cơ bản về dạy và học lý luận Mác - Lênin nhưng việc hệ thống hóa, phát triển cụ thể và hướng dẫn vận dụng nên vẫn chưa có chuyên ngành khoa học thực sự. Vì vậy, thiếu chuyên ngành giáo dục học về lý luận Mác - Lênin là thiếu chỗ dựa căn bản của dạy và học lý luận. Vì vậy dù xoay chuyển kiểu gì cũng khó thoát khỏi chủ nghĩa kinh nghiệm rời rạc hay chỉ cải tiến phương pháp giảng dạy hoặc chỉ chạy theo trang bị kỹ thuật đơn thuần. Giảng viên lý luận đang thiếu một bàn đạp vững chắc để phát triển.

Bốn là, làm thế nào để có được nhiều nhà lý luận dẫn dắt

Nếu coi giảng viên lý luận là đội ngũ chiến đấu trên mặt trận tư tưởng thì cần phải có những nhà tư tưởng lớn, những người đi tiên phong về tư tưởng của xã hội. Kiên định con đường đã chọn là yếu tố quan trọng bậc nhất. Nhưng phải làm cho lý luận có sức sống, sức phát triển và hấp dẫn mới nhanh chóng thành tư tưởng chủ đạo vững chắc của toàn xã hội. Đội ngũ giảng viên lý luận đang cố gắng hết mình để thực hiện vai trò lịch sử đó, nhưng thực tế không hề đơn giản. Vì vậy, chúng ta rất cần thêm nhiều nhà lý luận lớn dẫn dắt.

2. Vậy chúng ta cần làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn trên? Theo chúng tôi cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phải mở rộng tri thức lý luận

Xác định lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng việc nhắc đi nhắc lại quá nhiều những lý luận chung chung, ít đi vào thực tiễn cụ thể sẽ trở thành giáo điều, xơ cứng và dễ rơi vào lạc lõng, luẩn quẩn. Vì vậy, một thực tế khách quan là cùng với việc nắm vững nền tảng và kim chỉ nam đó phải cập nhật những thông tin lý luận một cách thấu đáo để làm giàu hệ tư tưởng chủ đạo.

Các yếu tố tích cực của những vấn đề lý luận khác cũng cần phải được khai thác, vận dụng. Hồ Chí Minh trở thành nhà tư tưởng lớn vì đã kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với chủ nghĩa yêu nước và những tri thức tinh hoa của nhân loại.

Thứ hai, phải tăng cường tri thức thực tế

Một điều rất cần cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà lý luận là tri thức thực tế chỉ có thể đạt được khi nó trải nghiệm ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Nhưng đối với giảng viên lý luận vì không được đi thực tế nhiều nên tri thức đó mới chỉ là nguyên liệu thô và phiến diện. Tri thức thực tế còn nằm ở các văn bản, tài liệu, các tác phẩm có liên quan. Các nhà xuất bản, các phương tiện truyền thông, các cục lưu trữ... là nguồn cung cấp trực tiếp hay gián tiếp phong phú. Vấn đề là độ trung thực, tính công khai minh bạch và chính xác ở các nguồn tư liệu đã cung cấp. Hiện nay mức độ tin cậy của các nguồn tư liệu chưa cao nên cũng có phần hạn chế trong công tác nghiên cứu.

Không ai đồng tình với hiện tượng “mọt sách”. Nhưng thiếu  “sách” cho nhiều người cùng “mọt” thì sẽ không xuất hiện, dù chỉ rất ít một số nhà lý luận lớn. Không có tri thức thì không thể có tư tưởng lớn. Không có tài liệu  phong phú thì giảng viên lý luận không thể đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Đây là một yêu cầu rất bình thường đối với giảng viên nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng.

Thứ ba, cần xây dựng chuyên ngành giáo dục học các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Khoa học giáo dục nói chung ở nước ta còn ở mức độ khiêm tốn. Chuyên ngành giáo dục học các môn lý luận chính trị chưa được quan tâm đúng mức. Học viện Báo chí và Tuyên truyền có khoa Tâm lý - giáo dục và khoa Tuyên truyền gần gũi với môn học đã nêu nhưng cũng chưa được đưa vào nghiên cứu thấu đáo. Nền tảng nội dung đã có trong tư tưởng các nhà kinh điển Mác, Lênin và Hồ Chí Minh. Đảng ta cũng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhưng ở một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu còn thiếu bộ máy thiết kế và xây dựng.

Tuy chuyên ngành này không phải là phép mầu cho việc nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và học tập trước mắt, nhưng thiếu nó là một nguy cơ đối với vai trò của lý luận chính trị trong nhà trường và xã hội. Đây là vấn đề lâu dài nhưng không thể để chậm trễ hơn nữa.

Thứ tư, cần tăng cường tổng kết lịch sử Đảng

Những vấn đề nêu trên đều có thể tìm thấy từ lịch sử Đảng ta và các đảng anh em. Riêng Đảng ta cũng đã trải qua kinh nghiệm nhiều mặt, đặc biệt, trong đó vấn đề lớn nhất là cần đúc kết, cần nhận thức đến tận cùng cội nguồn của việc nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.

Trong khoa học, càng đi sâu càng có nhiều khám phá. Trong lĩnh vực này cũng vậy, những khám phá mới đi từ lịch sử Đảng cho đến giáo dục học lý luận chính trị sẽ trang bị những kiến thức cho thế hệ tiếp theo vững vàng đi trên con đường đã chọn và đội ngũ giảng viên lý luận nắm được bí quyết, tự tin hơn trong sự nghiệp của mình./.
_____________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, t.52, tr.23.

Nguồn: BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40052908