Truy cập hiện tại

Đang có 93 khách và không thành viên đang online

Chung tay bảo vệ môi trường

Xung quanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu

(TUAG)- Biến đổi khí hậu tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng về thời tiết và cuộc sống của người dân trên toàn cầu. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không dễ dàng, đòi hỏi các quốc gia phải “chung sức, chung lòng”. Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp nội dung: “Xung quanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu”.

Tương lai mờ mịt

Nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 2,4 độ C vào cuối thế kỷ này là cảnh báo mới nhất của tổ chức phân tích về khí hậu uy tín nhất thế giới Climate Action Tracker (CAT). Với mức gia tăng nhiệt độ này, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt và bão lớn sẽ diễn ra trên diện rộng, gây nên tác động tàn phá trên toàn cầu.

Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ Christian Aid (Anh) cho biết, 65 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm trung bình 20% vào năm 2050 và giảm 64% vào năm 2100 nếu mức tăng nhiệt của trái đất lên tới 2,9 độ C. Ngay cả khi mức tăng nhiệt trên trái đất được hạn chế ở mức 1,5 độ C theo như mục tiêu tham vọng nhất đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thì tăng trưởng GDP của các nước này vẫn giảm 12% vào năm 2050 và giảm 33% vào cuối thế kỷ này.



Trên thực tế, nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 1,1 độ C kể từ giữa thế kỷ 19. Thế giới đã phải chứng kiến một loạt các thảm họa thời tiết kinh hoàng do biến đổi khí hậu gây ra trong những tháng gần đây, từ các đợt nắng nóng gay gắt đến lũ quét và cháy rừng vượt tầm kiểm soát. Nhiệt độ tại thung lũng Tử thần ở bang California (Mỹ) - được mệnh danh là nơi nóng nhất trên thế giới - không ngừng tăng lên. Mùa hè 2021 là mùa hè thứ hai liên tiếp, nhiệt độ nơi đây tăng tới 54,4 độ C. Tháng 7/2021 cũng là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên trái đất. Các thảm họa liên quan khí hậu đã khiến hàng chục triệu người phải di dời nơi ở và gây thiệt hại tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD.

Giải pháp là gì?

Theo các nhà khoa học, thế giới phải giảm 45% lượng phát thải khí nhà kính trong thập kỷ này để khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Các quốc gia chịu trách nhiệm đối với khoảng 90% lượng khí thải toàn cầu hiện đã cam kết mục tiêu trung hòa khí thải vào khoảng năm 2050, trong khi thời hạn này là năm 2060 đối với Trung Quốc và 2070 đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu lượng phát thải trong hai thập kỷ tới vẫn cao, nhiệt độ Trái đất có thể sẽ tăng hơn 1,5 độ C ngay cả khi sau đó, các quốc gia đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Báo cáo của Christian Aid cũng cho thấy hơn 1/3 các nước trên thế giới cần được gấp rút hỗ trợ xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu nếu nền kinh tế các nước này phải đương đầu với các đợt nắng nóng, hạn hán, bão lũ vốn ngày càng trở nên khốc liệt hơn và gây chết nhiều người hơn do sự ấm lên của trái đất.

Trong khi đó, Liên hợp quốc yêu cầu các nước thực hiện khử carbon ở mọi ngành nghề, từ sản xuất điện đến vận tải, nông-lâm nghiệp theo lộ trình đến năm 2030 đối với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và 2040 đối với các nước khác... Cùng với đó, các nước cần chấm dứt tất cả hạng mục đầu tư vào than đá cả ở khu vực công và tư trên quy mô quốc gia và quốc tế; chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm; định giá carbon và chuyển hướng tạo việc làm xanh; và cung cấp ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm cho nguồn quỹ ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu dành cho các nước đang phát triển.

Đầu tư là quan trọng nhất

Giới chuyên môn cho rằng từ nay đến năm 2030, thế giới cần đến 5.000 tỷ USD/năm để triển khai các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Việc nhiệt độ toàn cầu được giới hạn tăng ở mức 1,5 độ C được cho là sẽ không ngăn được tình trạng thời tiết cực đoan tiếp tục xấu đi hay mực nước biển tăng, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa những tác động nghiêm trọng đối với con người và hệ sinh thái. Do đó, thế giới cần tăng đáng kể nguồn đầu tư vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Ước tính, toàn cầu cần tăng đầu tư gấp 8 lần để có để đáp ứng được nhu cầu lên đến 5.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, hoặc tăng trung bình 436 tỷ USD/năm trong thập kỷ này.

Trong khi các nước đang phát triển muốn nhận được nhiều tiền hơn để ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu gây hạn hán, lũ lụt và cháy rừng thường xuyên hơn thì các nước phát triển chủ trương khuyến khích tài chính hướng tới việc cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Vấn đề khó khăn hơn đối với các nước giàu là làm thế nào để bồi thường cho các nước kém phát triển hơn về những tổn thất và thiệt hại do phát thải trong quá khứ - lĩnh vực chưa có cam kết cụ thể nào được đưa ra.

Nêu bật sự cấp thiết của việc các quốc gia cần có sự chuẩn bị để ứng phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh: Chỉ riêng các nước đang phát triển sẽ cần chi tới 300 tỷ USD mỗi năm cho các biện pháp như vậy tới năm 2030 và lên đến 500 tỷ USD mỗi năm tới năm 2050. Theo UNEP, chi phí để thích ứng ở các nước đang phát triển ước tính gấp 5 đến 10 lần so với khoản tài chính mà các nước trên thế giới đầu tư cho các biện pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và khoảng cách này ngày một nới rộng.

Trong năm 2019, các quốc gia giàu có đã hỗ trợ 79,6 tỷ USD cho các nước đang phát triển trong vấn đề khí hậu, song khoảng hơn 65% trong số đó là dành cho các nỗ lực giảm phát thải, trong khi các biện pháp thích ứng lại là ưu tiên thứ yếu. UNEP nhấn mạnh ngay cả khi các nước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những tác động của biến đổi khí hậu sẽ còn tồn tại với trong nhiều thập niên tới. Do đó, thế giới cần đẩy mạnh đầu tư vào các biện pháp thích ứng nhằm giảm thiểu đáng kể thiệt hại và tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40055280