Truy cập hiện tại

Đang có 28 khách và không thành viên đang online

An Phú: Người dân xã Phú Hữu nhọc nhằn mưu sinh mùa lũ muộn

(TUAG)- Vào khoảng tháng 6 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, là thời điểm nước từ thượng nguồn đổ về chảy vào các kênh rạch, tràn lên những cánh đồng mang theo phù sa và tôm, cá cùng các loài sản vật thiên nhiên ban tặng. Đây cũng là lúc người dân tất bật mưu sinh với hy vọng có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống trong mùa nước nổi. Thế nhưng, hiện tại, năm nay thì mực nước lũ về rất nhỏ và muộn so với năm trước, kéo theo đó là các sản vật mùa lũ cũng không nhiều, khiến việc khai thác của người dân không được thuận lợi.
 

Ông Huỳnh Văn Đằng (xã Phú Hữu) với nghề vó cất trên sông

Trong không khí se lạnh của buổi sáng sớm nơi đầu nguồn biên giới, ông Huỳnh Văn Đằng ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú một người có hàng chục năm sống bằng nghề vó cất (bằng động cơ máy) mưu sinh mùa lũ tại ngã tư Cầu Cỏ Lau, ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, ông Đằng giặt giũ lưới để chờ đón những con cá đầu mùa nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu vì nước lũ về rất ít so với mọi năm. Chia sẻ với chúng tôi về khó khăn của nghề trong năm nay, ông Đằng cho biết: “Mực nước lũ đến thời điểm này thấp hơn gần 1m so với năm ngoái, mọi năm thời điểm này thu nhập từ 10 đến 20 triệu nhưng năm nay chưa tới 4 triệu đồng, đặc biệt gần 1 tháng trở lại đây không có cá gì hết, có bữa không đủ ăn…”.

Ngoài ra, ông Huỳnh Văn Đằng cũng cho biết thêm, năm nào nước lớn, cá tôm nhiều thì ghe, xuồng của người dân đi khai thác qua lại khu vực này cũng nhiều và rất nhộn nhịp còn đến thời điểm này thì vắng vẻ, câu, lưới, lợp, lờ… vẫn còn nằm nhiều trên bờ chưa có dịp để đánh bắt vì lượng cá, tôm, cua… rất ít.
 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Hữu chia sẻ về khó khăn mùa lũ năm nay

Còn đối với ông Nguyễn Văn Nghĩa, ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Hữu mùa nước năm nay, ông Nghĩa bỏ ra 5 triệu đồng để đầu tư sắm mới 100 cái lờ đặt cá linh với mong muốn, một mặt bán tăng thu nhập cho gia đình, mặt khác kiếm thêm mồi cho vèo cá lóc gần 1.000 con của gia đình, thế nhưng, đến thời điểm này lại không như mong đợi. Nói về con nước và nghề đặt lờ năm nay, ông Nghĩa vừa cười, vừa nói: “Với 100 cái lờ như mọi năm là được 10 – 20kg mỗi ngày nhưng hiện tại một ngày chỉ được vài kg, nếu bán ra trừ tiền xăng cũng không còn bao nhiêu, được ít như vậy cũng phải làm để chủ yếu kiếm thêm mồi cho cá lóc, thậm chí phải bắt ốc bươu vàng thêm thì mới đủ mồi ăn…”
 

Thu hoạch cá linh của anh Nguyễn Hoàng Minh (ấp Phú Quới, xã Phú Hữu) bằng nghề đạt lú (loại 12 cửa ngục)

Cũng giống như ông Nguyễn Văn Nghĩa, anh Nguyễn Hoàng Minh cùng ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Hữu, năm nay anh cũng mua sắm 20 cái lú (loại 12 cửa ngục) để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình trong mùa lũ, mỗi ngày anh bán cá, cua, ốc… trừ chi phí anh thu được khoảng trên 100 ngàn đồng mỗi ngày.

Có thể thấy trong những năm, việc người dân vốn quen nghề mưu sinh mùa lũ phải chịu cảnh khó khăn khi con nước ngày về càng ít, nguồn lợi thủy sản cũng vơi dần. Có không ít người phải chuyển sang nghề khác làm ăn để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống nhưng cũng có nhiều người ở lại vẫn bám lấy con nước nhưng thu nhập ngày càng thấp dần, hy vọng trong những tháng còn lại nước lũ sẽ nhiều hơn để mang đến nhiều sản vật hơn để cuộc sống của người vùng biên giới Phú Hữu nói riêng và An Phú nói chung được khấm khá hơn từ mùa lũ./.

Nghĩa Thanh, Thế Anh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37268900