Truy cập hiện tại

Đang có 73 khách và không thành viên đang online

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu

(TGAG)- Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020). Tuyên giáo An Giang trân trọng giới thiệu toàn văn bản Đề cương.
 
Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân (Ảnh: Tư liệu)

I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ TỐ HỮU

Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, Bí danh là Lành, sinh ngày 4/10/1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế[1]. Năm 12 tuổi mẹ mất; năm 13 tuổi vào học tại trường Quốc học Huế.

Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế;

Năm 1937, Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1938, Đồng chí được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách công tác tuyên truyền và thanh vận;

Tháng 4/1939, bị thực dân Pháp bắt và kết án hai năm tù giam ở Huế. Do đấu tranh chống tra tấn, Đồng chí bị thực dân Pháp tăng án tù và đày đi Lao Bảo, rồi Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn,... sau đó đi trại tập trung Đắk Lay (Kon Tum) trong nhiều năm.

Tháng 3/1942, Đồng chí vượt ngục Đắk Lay về Huế, sau đó ra Hà Nội; cuối tháng 7/1942, bí mật vào Thanh Hóa hoạt động, gây dựng lại cơ sở cách mạng;

Từ năm 1943 - 1945, làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tham gia Ban lãnh đạo chiến khu Quang Trung; sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban Khởi nghĩa ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và liên lạc với các đồng chí hoạt động cách mạng ở Nam Trung Bộ.

Tháng 8/1945, đồng chí Tố Hữu làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế; năm 1946, được điều ra Trung ương phụ trách công tác văn hóa và thanh niên; cuối năm 1946, về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Từ năm 1947 - 1950, Đồng chí được Trung ương điều động lên Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ và làm Trưởng tiểu ban văn nghệ Trung ương; tháng 9/1950, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Tuyên truyền do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách; đồng chí Tố Hữu được phân công làm Trưởng Ban.

Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Tố Hữu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tháng 7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 39-SL bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha thông tin thuộc Phủ Thủ tướng.

Cuối năm 1954, Đồng chí được phân công làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật;

Năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Năm 1968, Đồng chí được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn và Trưởng ban Khoa học - Giáo dục Trung ương;

Năm 1969, được phân công làm Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (từ năm 1977 là Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc);

Năm 1972, được phân công kiêm Trưởng Ban Thống nhất Trung ương.

Năm 1976, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Tố Hữu được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc;

Từ năm 1980, được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước;

Năm 1981, được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VII, được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng;

Tháng 3/1982, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng cho đến tháng 6/1986.

Từ tháng 6/1986, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng;

Tháng 10/1991, được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết, nghiên cứu một số vấn đề về tư tưởng, văn hóa, giáo dục và khoa học.

Đồng chí Tố Hữu mất ngày 9/12/2002 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trong suốt cuộc đời gần 70 năm không ngừng nghỉ hoạt động cách mạng và làm thơ, đồng chí Tố Hữu đã có công lao, thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật, nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác.

II. ĐỒNG CHÍ TỐ HỮU VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC

1. Đồng chí Tố Hữu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam

  Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, muôn dân nô lệ lầm than dưới ách bóc lột của chế độ thực dân phong kiến; ngay từ thuở nhỏ, Tố Hữu đã chứng kiến cảnh cực khổ của Nhân dân, những bất công, ngang trái của xã hội đương thời nên đã sớm hun đúc lòng yêu nước, căm thù giặc.

Sau khi mẹ mất, năm 13 tuổi Tố Hữu vào học tập tại trường Quốc học Huế. Tại đây, Tố Hữu đã tiếp cận được tư tưởng của Các Mác, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh... Đặc biệt được sự dìu dắt của các đồng chí Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Tố Hữu nên đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Tháng 4/1939, Đồng chí bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)… Ngục tù của thực dân đế quốc đã không khuất phục nổi ý chí cách mạng và niền tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Tố Hữu. Đồng chí cùng với các chiến sĩ cộng sản như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Lê Tự Nhiên, Lê Chưởng, Phạm Tế, Hồ Tùng Mậu, Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh… đã “biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản”; nêu cao khí phách người cộng sản, kiên quyết đấu tranh chống tội ác của nhà tù thực dân; luôn sẵn sàng che chở, giúp đỡ đồng chí của mình. Trong lao tù, Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của Tố Hữu là một tiếng kèn thôi thúc, như lời mách bảo, nung nấu ý chí, cuốn hút thanh niên theo cách mạng, thôi thúc tuổi trẻ hành động, thể hiện nỗi niềm của hàng triệu người dân đất Việt tin tưởng vào độc lập tự do, tương lai tươi sáng.

Tháng 3/1942, Đồng chí vượt ngục về Thanh Hóa hoạt động, được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban khởi nghĩa các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và được phân công tham gia tổ chức Xứ ủy lâm thời Trung Bộ, giữ chức Phó Bí thư Xứ ủy. Những năm tháng gian khó của cách mạng, đồng chí Tố Hữu đã cùng với đồng chí, đồng bào xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở miền Trung. Ngày 17/8/1945, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Đồng chí đến Huế cùng các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên - Huế và chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở Huế. Ngày 23/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa gửi tối hậu thư cho Bảo Đại khuyên ông ta tự thoái vị; đến 14 giờ cùng ngày, trước 10 vạn đồng bào tại sân vận động Huế, đồng chí Tố Hữu nhân danh Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố “Xóa bỏ chính quyền Bảo Đại, lập chính quyền nhân dân toàn tỉnh, bảo đảm tính mạng và tài sản cho toàn thể đồng bào. Yêu cầu đồng bào tiếp tục sản xuất làm ăn và giữ vững trật tự an ninh. Từ nay, nước ta đã hoàn toàn độc lập tự do. Nhân dân được hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình”[2].

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ, đồng chí Tố Hữu đã có đóng góp to lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế - Trung tâm chính trị đầu não của Triều đình Nguyễn, dinh lũy cuối cùng của chế độ thực dân phong kiến, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Nhân dân ta lại phải đương đầu với hai cuộc kháng chiến thần thánh để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà thơ Đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của dân tộc. Trong kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Tố Hữu luôn có mặt ở tiền tuyến như một chiến sĩ xung phong, nhiều lần tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Bắc. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cùng với đồng chí, đồng bào cả nước, đồng chí Tố Hữu đã không quản ngại gian lao, nguy hiểm sẵn sàng lao vào chiến trường miền Nam, dọc theo tuyến đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh để viết nên những câu thơ hùng tráng về tiền tuyến lớn tạo sức lay động mạnh mẽ đến toàn quân, toàn dân ta, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng cách mạng. Đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ mới, vừa nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; đây cũng là thời điểm bắt đầu một cuộc đấu tranh không kém phần gian nan, vất vả, cực nhọc để từ đói nghèo đến ấm no, từ tụt hậu đến tiên tiến; đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện là người dám chịu trách nhiệm, góp phần vào những quyết định táo bạo, đầy sáng tạo để xóa bỏ cơ chế đã không còn thích hợp với tiến triển thời cuộc, vận hội mới.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao nhiều trọng trách quan trọng, dù ở cương vị và lĩnh vực công tác nào, đồng chí Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, nêu cao truyền thống kiên trung, bất khuất, kiên cường của người cộng sản, giữ gìn đạo đức cách mạng trong sáng, gắn bó với đồng chí, đồng bào, với cơ sở.

2. Đồng chí Tố Hữu - nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa

Cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu đã luôn thể hiện phẩm chất cao quý là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, được giao phụ trách vận động văn hóa kháng chiến, lĩnh vực tuyên truyền và văn nghệ, đồng chí Tố Hữu đã hòa cùng công cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, động viên đội ngũ cán bộ tuyên huấn và văn nghệ sĩ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường với niềm tin lạc quan mãnh liệt vào thắng lợi. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhiệt huyết của Đồng chí đã lan tỏa, khích lệ các cán bộ tuyên huấn, văn hóa - văn nghệ bám sát các công trường, nông trường, nhà máy hầm mỏ, ruộng đồng, trường học, đơn vị quân đội… để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, phản ánh và biểu dương người tốt việc tốt, các tấm gương tiêu biểu. “Tuyên truyền điển hình” - một phương pháp tuyên truyền rất hiệu quả là sáng tạo được Đồng chí quan tâm chỉ đạo sâu sát trong những năm tháng kháng chiến, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Là người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ và nội dung, phương thức công tác tư tưởng của Đảng. Cuối những năm 60, đầu những năm 70, đồng chí Tố Hữu đề nghị và được tập thể Ban Bí thư Trung ương Đảng chấp nhận mở rộng quy mô đào tạo cán bộ lãnh đạo và cán bộ lý luận, mở thêm Trường Đảng Trung ương tại chức, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam ở vùng giải phóng miền Nam, hệ đặc biệt cho các cán bộ chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp quản các tỉnh, thành phố miền Nam. Với tinh thần chỉ đạo đó, các trường Đảng tỉnh cũng được củng cố về tổ chức, nội dung, chương trình đào tạo. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận, cán bộ tuyên huấn các cấp, cũng như việc nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên luôn được đồng chí Tố Hữu quan tâm đặc biệt. Trước và sau các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc hoặc Hội nghị Trung ương, đồng chí Tố Hữu thường chủ động, đi trước truyền đạt nội dung, tinh thần các văn kiện, giúp các cơ quan Tuyên huấn, báo chí, trường Đảng sớm có thông tin, tài liệu phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân một cách nhanh nhất.

Đồng chí Tố Hữu là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng chí không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân, mà còn là người lính xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và lành mạnh. Trong quá trình xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng - văn hoá, đồng chí Tố Hữu đã trực tiếp góp phần động viên, tập hợp, tổ chức và phát triển đoàn văn nghệ từ Bắc vào Nam, những tài năng của Nhân dân, những chiến sĩ trung kiên đó đã làm nên một nền văn hoá - văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh bất tử, các giá trị đó còn phát huy tác dụng đến hôm nay và mãi mãi về sau.

Những tác phẩm của Đồng chí: Tổ chức cơ sở Đảng và nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên (1968), Tăng cường năng lực lãnh đạo của các huyện ủy (1968), Nâng cao chất lượng đảng viên…(1971), Quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp… (1976), Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt theo gương các điển hình tiên tiến (1978), Công tác giáo dục và sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau (1980), Nắm vững đường lối, giải quyết sáng tạo các nhiệm vụ kinh tế (1985)… giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên từng lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đảng qua các thời kỳ cách mạng.

Trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, cả trong chiến tranh và thời bình, đồng chí Tố Hữu nổi lên như một vị tướng cầm quân, vừa như một người lính xung trận. Chính vì vậy, ngay cả khi không giữ cương vị lãnh đạo trực tiếp, Bộ Chính trị Trung ương Đảng vẫn tín nhiệm, phân công Đồng chí phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa. Từ năm 1991, Đồng chí tiếp tục được mời tham gia nghiên cứu, tổng kết một số vấn đề tư tưởng - văn hóa, khoa học, giáo dục. Với tầm cao trí tuệ, sự xả thân cho lý tưởng cách mạng, đồng chí Tố Hữu đã trở thành một nhà lãnh đạo tài năng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Không chỉ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, với cương vị là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ trong giai đoạn đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, đồng chí Tố Hữu đã có những đóng góp vào việc hình thành nhiều chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế quan trọng do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI.

3. Đồng chí Tố Hữu - một nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam

 Tố Hữu là nhà thơ cách mạng lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ XX. Đồng chí đã đưa thơ chính trị đến trình độ rất trữ tình. Những tác phẩm của đồng chí Tố Hữu là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình, có tính tư tưởng cao, sức động viên, lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp Nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Những bài thơ của Tố Hữu vừa giản dị, gần gũi, vừa tinh tế, sâu sắc với lối tu từ và nghệ thuật diễn đạt phong phú, độc đáo và có sức truyền cảm lớn. Nội dung thơ chứa chan lòng yêu nước, thương dân và một lý tưởng cách mạng sáng ngời, một âm hưởng hừng hực, một khí phách hiên ngang của những con người Việt Nam đứng lên đánh giặc, giải phóng đất nước, quê hương. Nhân dân, quần chúng lao động gọi Tố Hữu là nhà thơ của mình, thuộc lòng thơ Tố Hữu, coi đó là phương châm suy nghĩ và hành động.

Trước cách mạng tháng Tám 1945, thơ của Tố Hữu thể hiện tình yêu thương đồng loại, tâm hồn nhân ái, thanh cao. Từ khi đến với cách mạng, thơ Tố Hữu cổ vũ tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản, tinh thần lạc quan, niềm tin vào Đảng, tương lai tươi sáng của đất nước; ngợi ca, kêu gọi, thúc giục con người hành động theo chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong thơ Tố Hữu không chỉ là trường ca khắc họa những chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng của toàn dân, mà còn thể hiện tình cảm thiết tha, đậm đà của Tố Hữu dành cho Tổ quốc, non sông, lòng kính yêu với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là sự gặp gỡ đẹp đẽ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và Đảng, thơ với Nhân dân, đúng như tâm sự của Tố Hữu “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ, cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi “Trăm năm duyên kiếp: ĐẢNG VÀ THƠ”.

Thơ Tố Hữu không chỉ góp phần tuyên truyền và tổ chức thực hiện đường lối cách mạng của Đảng ta, động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hăng hái nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; mà còn đóng góp to lớn vào sự phát triển nền thơ ca Việt Nam Thời đại Hồ Chí Minh.

***

Với tám mươi hai năm tuổi đời, gần bảy mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và làm thơ; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng dạn dày, đồng chí Tố Hữu là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng - văn hóa xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí đã nêu gương sáng về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, một nhà văn hóa tài năng hết lòng vì sự nghiệp cách mạng vẫn còn sống mãi.

Năm 2020, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Tố Hữu, là dịp để chúng ta ôn lại về cuộc đời hoạt động và những cống hiến, đóng góp của đồng chí Tố Hữu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng nói riêng; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

 BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

______________
[1] Theo Hồ sơ cán bộ Trung ương quản lý lưu tại kho lưu trữ Trung ương.
[2] Tố Hữu người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004, Tr 247.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40692516