Truy cập hiện tại

Đang có 101 khách và không thành viên đang online

Vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong Văn kiện Đại hội XII

(TGAG)- Từ khi Đảng ra đời, vấn đề văn hóa và con người luôn được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng. Trước hết được thể hiện trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 với chủ trương xây dựng nền văn hóa mới; năm 1998, Đảng ra Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết như một cương lĩnh văn hóa trong thời kỳ đổi mới, tạo tiền đề cho Đảng ta từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ tiếp theo.

Sau hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, vấn đề xây dựng văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011) và các Nghị quyết hội nghị Trung ương khẳng định, hoàn thiện. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta nhận định tình hình trong nước và thế giới có sự thay đổi lớn, nhiều vấn đề phát sinh trong lĩnh vực văn hóa mà Nghị quyết chưa đề cập, đòi hỏi phải có những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, giải pháp mới về xây dựng nền văn hóa, xây dựng con người, đặc biệt phải có nhận thức mới về vai trò của văn hóa trong phát triển. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (tháng 5/2014) đã nhất trí ban hành nghị quyết mới về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Kế thừa, bổ sung và phát huy kết quả đạt được, Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Nghị quyết Đại hội XII đã nghiên cứu, sắp xếp tổng hợp lại thành 7 nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với giai đoạn hiện nay và sắp tới, nhất là vấn đề xây dựng nhân cách, đạo đức con người.

Nếu như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, XI và các văn kiện của Đảng trước đây xác định quan điểm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và nói đến yếu tố con người như là một nguồn lực quan trọng trong phát triển, thì Nghị quyết Đại hội XII đã bổ sung nhân tố xây dựng con người gắn với xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần với hàm ý văn hóa và con người là cặp đôi biện chứng, trong đó con người là chủ thể sáng tạo văn hóa và thụ hưởng các giá trị, sản phẩm văn hóa. Ngoài ra, yếu tố con người đề cập lần này là những con người rất cụ thể, con người phải có nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực, kỷ năng, trách nhiệm xã hội..., việc xây dựng con người phải thông qua hoạt động thực tiễn, cụ thể của từng người, chứ không nói chung chung nữa.

Tại Đại hội XII của Đảng, khi nói về phát triển văn hóa và con người Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật”. Điều này có nghĩa phát triển văn hóa thì không thể tách rời phát triển con người. Về mặt lý luận, nói tới văn hóa là nói tới con người, vì vậy mọi hoạt động văn hóa, dù phát triển đa dạng, phong phú như thế nào đều phải hướng tới, phải quy tụ vào mục tiêu xây dựng, nuôi dưỡng con người.

Ngoài yếu tố văn hóa liên quan đến phát triển nhân cách và trí tuệ con người thì Báo cáo chính trị Đại hội XII cũng đề cập những điểm rất mới đó là văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị, đề cập đến chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa...

Trong hoạt động chính trị, văn hóa càng gắn chặt, càng sâu sắc bao nhiêu, thì hiệu quả mang lại cao bấy nhiêu, bởi trong bất kỳ thời đại nào, văn hóa, nhân cách, đạo đức, nhân phẩm không thể tách rời con người. Người có vị trí càng cao thì đạo đức phải càng cao, người có trách nhiệm lớn, quyền hạn lớn thì văn hóa cũng phải lớn. Trong kinh tế, UNESCO từng chỉ ra rằng, nền kinh tế nào mà chỉ quan tâm phát triển kinh tế, bỏ quên yếu tố con người, yếu tố văn hóa thì sẽ dẫn đến hệ lụy là kinh tế không phát triển được mà xã hội cũng có nhiều điều bất an. Trong hội nhập văn hóa, vấn đề là phải tìm hiểu yếu tố nào là truyền thống, cốt lõi của văn hóa Việt Nam, trên cơ sở đó ta xây dựng cốt cách của mình, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Bởi văn hóa là “mưa dầm thấm lâu”, nhưng sự suy thoái, sự thoái hóa văn hóa lại rất nhanh, nếu không có những kế sách đủ mạnh, đặc biệt là những quốc gia đang trên đường hội nhập.

Có thể thấy mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế, chính trị và văn hóa ngày càng chiếm vị trí đặc biệt trong đường lối xây dựng và phát triển đất nước, đây là điểm tưởng như không mới, song thật sự là một việc vô cùng quan trọng trong điều kiện xã hội hiện nay. Nhận thức đúng quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII để từng bước hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, đào tạo cũng như hoạt động kinh tế, chính trị vào việc xây dựng con người, làm cho yếu tố con người thực sự trở thành nhân tố quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.

LÊ HÂN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40050373