Truy cập hiện tại

Đang có 59 khách và không thành viên đang online

Xây dựng văn hóa trong Đảng và hai chữ "Thật sự" trong lời dạy của Bác

(TGAG)- Ngày 09/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con  người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó nhấn mạnh: “... chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng...”. Nội dung quan trọng này tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “... Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, lời khẳng định ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lời ngợi ca mà còn là một yêu cầu, một mệnh lệnh. Đảng là một biểu tượng, và phải luôn là một biểu tượng cao về văn hóa. Hình ảnh mẫu mực, trong sáng của người cán bộ đảng viên: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” chính là giá trị, là biểu tượng và là sức mạnh của văn hóa.

Văn hóa Đảng là văn hóa của một tổ chức, là hệ giá trị được kết tinh, bồi đắp trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, tạo nên bản chất, phong cách, khí chất và diện mạo của Đảng. Như mọi lĩnh vực khác, văn hóa luôn phải được quan tâm gìn giữ, bồi đắp và phát triển, văn hóa Đảng cũng vậy. Khi đất nước mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, vai trò vị thế “soi đường...” của văn hóa càng trở nên hết sức quan trọng. Là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, để làm tốt vai trò lãnh đạo của mình, Đảng cũng phải tập trung cho nhiệm vụ xây dựng văn hóa Đảng, đó là một yêu cầu tất yếu. Bên cạnh đó, quá trình mở cửa, toàn cầu hóa cùng với tác động từ kinh tế thị trường, xu hướng “vật chất hóa” các mối quan hệ xã hội đã làm cho nhiều giá trị chuẩn mực chung của cộng đồng bị phá vỡ, dẫn tới hiện tượng lệch chuẩn, đạo đức xuống cấp, chủ nghĩa cá nhân và hàng loạt các tệ nạn khác. Văn hóa Đảng đứng trước nhiều thách thức. Các quan điểm, đường lối của Đảng tuy vẫn thể hiện trình độ phát triển cao về nhận thức, nhưng việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Tệ quan liêu, bệnh hình thức, chạy theo thành tích, lợi ích nhóm... xuất hiện cả trong công tác xây dựng pháp luật, ban hành chính sách, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, cũng như quá trình thực thi tại cơ sở. Tình trạng nói không đúng đường lối nghị quyết, nói một đàng làm một nẻo, bao che, ngại va chạm, tính hình thức trong tự phê bình và phê bình... ngày càng diễn biến phức tạp. Công tác phát triển đảng viên mới có biểu hiện dễ dãi, năng lực phẩm chất không đồng đều, cán bộ đề bạt, bổ nhiệm mà chưa được tu dưỡng, rèn luyện đầy đủ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn biểu hiện buông lỏng, thiếu sâu sát... tất cả những điều đó đã góp phần dẫn tới thực trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả đảng viên được giao trọng trách, có chức có quyền.

Xây dựng văn hóa trong Đảng vì thế trở thành một vấn đề cấp bách!

Văn hóa trong Đảng gồm nhiều nội dung, xây dựng văn hóa Đảng cần những giải pháp thật cụ thể, đồng bộ và toàn diện. Tuy nhiên, văn hóa là con người, biểu hiện của văn hóa, đối tượng, mục tiêu của văn hóa cũng là vì con người, vì vậy xây dựng văn hóa luôn phải hướng đến xây dựng con người mà trước hết là nhân cách, đạo đức. Chính bởi vậy, xây dựng văn hóa trong Đảng trên hết, trước hết vẫn là lý tưởng sống, là nhân cách, là đạo đức, lối sống của đảng viên. Trước mắt, việc cần làm ngay là phải mạnh mẽ và kiên quyết đẩy lùi cho được biểu hiện suy thoái tư tưởng đạo đức lối sống, tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí... đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới văn hóa Đảng, ảnh hưởng uy tín, suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhiệm vụ đó là rất nặng nề, phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm chính trị và cả dũng khí, nhất là của người đứng đầu. Thực tiễn đã chứng minh, vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng. Dám đương đầu, dấn thân, hy sinh lợi ích của cá nhân, làm tốt vai trò nêu gương, chắc chắn việc khó đến mấy cũng làm được. 

Nhiều giải pháp đã và đang tiếp tục được Đảng ta triển khai thực hiện như: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quy định 101 của Ban Bí thư (khóa XI) về trách nhiệm nêu gương... kết quả có thể chưa được như mong đợi, nhưng đã đem lại những chuyển biến bước đầu. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà các cấp các ngành đang nỗ lực học tập, triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện, khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn trong xây dựng văn hóa Đảng, bằng những quy định cụ thể, gắn với xây dựng chương trình hành động và trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là người đứng đầu.  

Văn hóa là bản chất, là giá trị, vậy nên những gì không thực chất, chính là không văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “... mỗi cán bộ đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân...” chỉ với mấy câu như thế, Bác đã nhắc đi nhắc lại từ “thật” và “thật sự”. Mỗi đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, chỉ cần luôn tâm niệm và hành xử với người, với việc theo đúng nghĩa hai chữ “thật sự” mà Bác đã dạy, văn hóa Đảng chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy, trở thành động lực quan trọng giúp cho Đảng vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.     

Xem ra muốn có văn hóa, phải bắt đầu từ hai chữ “thật sự”!

NGUYỄN MẠNH HÀ
TP. Tuyên truyền - Văn hóa Văn nghệ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40056418