Truy cập hiện tại

Đang có 493 khách và không thành viên đang online

Sự cần thiết dạy trẻ em tự bảo vệ bản thân mình trước những tai nạn thương tích

(TGAG)- Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 hướng đến chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em". Có thể nói trẻ con hiếu kỳ, tò mò và luôn muốn khám phá những điều mới lạ. Trong khi đó, cuộc sống luôn chứa đựng những nguy hiểm bất ngờ mà chính người lớn cũng không thể lường trước được, chỉ một phút sơ suất, trẻ em có thể gặp phải những tai nạn thương tích, từ đó dẫn đến những tổn hại và mất mát lớn lao. Chính vì thế ngoài việc nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em,  thì điều cần thiết là phải dạy cho trẻ em những kỹ năng có thể tự bảo vệ mình trước những tai nạn thương tích. Thông qua đó kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, đảm bảo cho trẻ em sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.
 
Những tai nạn thương tích thông thường xảy ra với trẻ nhỏ như: bỏng, ngã, ngộ độc, động vật cắn, ngạt nước, điện giật... đặc biệt là tai nạn giao thông và đuối nước. Những tai nạn trên đây đều là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em Việt Nam mỗi năm. Mỗi ngày bên cạnh việc ở trường thì trẻ còn có thời gian ở nhà với bố, mẹ, người thân trong gia đình, thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời cùng với bạn bè…Trong khi những người lớn, trong đó có thầy, cô giáo, bố mẹ… đều không thể bảo vệ trẻ 24 giờ trên 24 giờ để trẻ có thể hoàn toàn được an toàn. Vì lẽ đó, những người lớn, đặc biệt là cha, mẹ của trẻ thường sợ hãi, lo lắng, tìm cách nghiêm cấm con tiếp xúc với các rủi ro trong cuộc sống nhưng lại quên giải thích cho trẻ lý do vì sao và hậu quả có thể xảy ra là gì nếu những rủi ro xảy ra. Điều này khiến trẻ với tâm lý muốn khám phá lại càng tò mò hơn và vô tình dẫn trẻ đến với các mối hiểm họa tiềm ẩn trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, quan tâm giáo dục trẻ về kỹ năng bảo vệ bản thân là điều rất cần thiết mà cha, mẹ, thầy, cô giáo nên làm trước khi để những sự cố đáng tiếc xảy ra.
    
Trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em thực sự không quá khó. Trẻ thường bắt chước theo các hành vi và thói quen của những người thân trong gia đình. Do đó, nếu muốn dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân thì trước hết người lớn cần thực hành để trẻ quan sát, học hỏi. Với bản chất thích khám phá, trẻ có thể sẽ nghịch chơi các đồ vật khá nguy hiểm như dao, kéo, bếp ga, điện, nước sôi khi những vật dụng này nằm trong tầm với của trẻ… Những lúc này, cha mẹ không nên quát mắng, cấm đoán mà nên tận dụng cơ hội để cùng trẻ trò chuyện về những đồ vật nguy hiểm, chỉ rõ cho trẻ mỗi đồ vật nguy hiểm chỗ nào và vì sao nguy hiểm để trẻ đề phòng và sử dụng đúng cách. Bên cạnh đó, hằng ngày hãy dạy cho trẻ những tình huống, con sẽ phải nói gì, làm gì khi bị lạc đường, khi bị bắt nạt, bị động vật cắn, giật điện, đứt tay, hỏa hoạn, bị ngạt nước, té ngã... Đến độ tuổi nhất định thì dạy cho trẻ học bơi, cách tham gia an toàn khi tham gia giao thông thế nào… Thông qua những tình huống này, cha mẹ có thể đánh giá được khả năng phản ứng của con cũng như kịp thời hướng dẫn con cách xử lý một cách an toàn nhất.

Cha mẹ cũng cần giúp con phân tích tình huống nào thì tự xử lý ngay được, tình huống nào cần gọi người trợ giúp, đồng thời cung cấp cho con danh sách số điện thoại cần phải ghi nhớ để được hỗ trợ kịp thời trong những tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, mỗi câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy trên các phương tiện truyền thông như: tivi, báo, đài… hoặc những tai nạn hằng ngày mà trẻ nghe được, thấy được đều có thể biến thành bài học giá trị để chia sẻ với trẻ, giúp trẻ hiểu trong tình huống đó nên làm gì và cách đề phòng ra sao?

Tóm lại kỹ năng bảo vệ bản thân thực sự rất cần thiết cho con trẻ. Càng lớn, trẻ càng có nguy cơ phải đối mặt nhiều tình huống với mức độ nguy hiểm cao hơn như bị xâm hại, bị cướp giật, bị lạm dụng... Chính vì vậy, bên cạnh việc giúp trẻ hình thành thói quen và kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân. Cha, mẹ, thầy, cô giáo, những người thân của trẻ cần đồng hành và chia sẻ với trẻ về những mối nguy hiểm có thể gặp phải trong gia đình, trong trường học và ở ngoài xã hội phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Những kỹ năng và thông tin này sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin, luôn sẵn sàng đối diện và vượt qua các mối nguy hiểm trong cuộc sống.

Từ đó trẻ em có thể tự tin khám phá thế giới với sự chủ động kiểm soát của bản thân. Điều này có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy sự trưởng thành của trẻ về mặt nhân cách lẫn trí tuệ, giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình trước các tình huống nguy hiểm trong cuộc sống/.

Ngọc Hân
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37290919