Truy cập hiện tại

Đang có 237 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Vài suy nghĩ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

(TGAG)- Mặc dù rời ngành đã lâu, gần 18 năm, song hàng năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20 tháng 11, lòng tôi vẫn rộn ràng, phấn khởi, chờ đợi cùng với những suy nghĩ, băn khoăn.



Không phấn khởi, chờ đợi sao được khi mà hàng năm, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11, một nhóm “học trò già” chúng tôi, khoảng 30 - 40 bạn, trở về ngôi trường tiểu học cũ, Trường Tiểu học “A” Mỹ Đức (lúc chúng tôi học tên là Trường Tiểu học cộng đồng Mỹ Đức A), cạnh đình làng Mỹ Đức, để họp mặt. May mắn cho chúng tôi còn gặp mặt gần đủ các thầy cô đã dạy chúng tôi ở bậc học này. Chúng tôi tổ chức chúc mừng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, rồi sau đó thầy trò cùng họp mặt, chuyện trò, tâm tình, kể lể… Chúng tôi, những học trò già, đứa nào cũng trên 60 tuổi, có người tóc đã bạc nhiều như nhà văn Trịnh Bửu Hoài, quay quần xung quanh các thầy, cô đã xấp xỉ 80 tuổi, có thầy cô hơn 80 tuổi, không khí thật ấm áp, vui vẻ, thân tình. Những cuộc họp mặt như thế chúng tôi đã tổ chức hơn 20 lần rồi, từ lúc tuổi mỗi người vừa xấp xi 40 tuổi. Vậy mà đến giờ này, tôi cũng háo hức chờ đợi hàng năm. Năm nay cũng thế, tôi cũng háo hức chờ đợi, vì chỉ có ngày này bạn bè cũ cùng học tiểu học mới có dịp lại gặp nhau, gặp lại thầy cô, thăm hỏi nhau. Người già sống với quá khứ, sống bằng kỷ niệm. Rất mong cuộc họp mặt sẽ được tổ chức ít nhất 10 lần nữa. Mặc dù năm 3-4 trở lại đây, một số thầy cô đã vĩnh viễn đi xa.

Rồi cuộc họp mặt tại trường Trung học Thoại Ngọc Hầu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam mà hàng năm tôi vẫn được mời dự. Trường Thoại Ngọc Hầu là ngôi trường tôi gắn bó lâu nhất suốt thời học bậc trung học. Sau này, hai đứa con của tôi đều học và tốt nghiệp trung học phổ thông từ mái trường này. Và khi các con tôi học ở đây, tôi đã tham gia làm Trưởng ban đại điện Cha Mẹ học sinh nhà trường trong bảy, tám năm. Trong cuộc họp mặt hàng năm, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam ở trường Thoại Ngọc Hầu tôi ít gặp lại bạn bè. Nhưng bù lại tôi gặp mặt các đồng nghiệp cũ của tôi vừa là thầy cô giáo dạy các con tôi, nhất là được gặp một số thầy cô giáo của tôi nay đã nghỉ hưu. Không khí thật thân mật, ấm cúng. Chúng tôi thắp nén nhang ở Niệm Sư từ để tưởng nhớ các thầy cô đã quá cố, sau đó chúc mừng các thầy cô còn sống, đã nghỉ hưu rồi đến các đồng nghiệp hỏi thăm nhau về sức khỏe, về công việc, về cuộc cuộc sống gia đình… nhất là tôi nhìn thấy sự phát triển của ngôi trường thân yêu của tôi và các con tôi.

Không phấn khởi, chờ đợi sao được khi mà hàng năm, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức họp mặt các thế hệ cán bộ, công chức từng công tác tại Sở. Tôi về công tác ở Sở Giáo dục từ tháng 8/1983, sau khi tốt nghiệp khóa học chuyên tu ĐHSP dành cho cán bộ quản lý giáo dục ở các phòng giáo dục huyện. Lúc đó tôi còn rất trẻ, vừa tròn 30 tuổi. Tôi phải gọi nhiều người công tác tại sở lúc đó là cô chú. Đây là nơi tôi công tác rất lâu, 16 năm, trong đó có gần 10 năm làm Giám đốc sở. Tôi sẽ gặp lại những cô chú lớn tuổi, còn sống để thăm hỏi, chức sức khỏe. Gặp lại những anh chị em đồng chí, đồng nghiệp cũ, một thời đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ. Đầu năm 1990 đến năm 1994 là giai đoạn đất nước còn cực kỳ khó khăn, khủng hoảng kinh tế, chính trị kéo dài, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt sụp đổ. Nguồn thu ngân sách cấp huyện không đủ trả lương cho giáo viên. Đội ngũ giáo viên lương đã thấp, lại còn bị nợ lương liên miên, nợ hoạt động phí  kéo dài, cho nên giáo viên bỏ việc hàng loạt. Yêu cầu khách quan đòi hỏi phải đổi mới phương thức quản lý - quản lý ngành dọc đến cấp tỉnh. Phải mày mò tìm phương thức quản lý sao cho có hiệu quả. Tôi đã cùng những anh em cốt cán của Sở Giáo dục lúc đó đến một số tỉnh cũng vừa quản lý ngành dọc để tìm hiểu, trao đổi… Cuối cùng đề án quản lý theo ngành dọc đến cấp tỉnh được xây dựng, UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện. Điều hành theo đề án quản lý theo ngành dọc rất mới mẻ, khó khăn, nhưng nhờ tập thể đồng lòng, từng bước rút kinh nghiệm, công việc tiến triển, trôi chảy như mong muốn… Anh em cùng tôi công tác tại Sở Giáo dục tuổi đời đã lớn, cũng đã nghỉ hưu, có người đã mất, có người bỏ về quê xa. Mỗi năm gặp lại, tuy không đầy đủ, anh em thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau, cuộc sống của mỗi người, tâm tình kể chuyện xưa, nhắc nhở chuyện nay, không khí đầm ấm, thân mật vô cùng…

Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày toàn xã hội tôn vinh nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học. Và như vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng đòi hỏi mỗi nhà giáo tự phản tỉnh, suy nghĩ về mình, suy nghĩ về nghề, suy nghĩ về ngành giáo dục. Mặc dù không còn là nhà giáo, không còn là cán bộ quản lý giáo dục, đến ngày Nhà giáo Việt Nam tôi cũng còn thói quen suy nghĩ về những điều đó. Và khi suy nghĩ về mình, suy nghĩ về nghề, suy nghĩ về ngành, tôi có cả niềm vui và nhiều nổi băn khoăn...

Tôi vui vì thấy ngành giáo dục đã phát triển vượt bậc, thoát khỏi tình cảnh dạy ca ba, phòng học tre lá, tạm bợ… đang vươn lên đủ phòng cho lớp học 2 buổi, cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, có đủ nhà vệ sinh, nước sạch, có đủ các phòng công tác, phòng thí nghiệm, phòng nghe nhìn, cảnh quan sư phạm đẹp, sân chơi rộng rãi, thoáng mát. Trường học đạt chuẩn quốc gia đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc của nông thôn mới. Cho nên đi đến đâu cũng thấy trường sở được xây dựng khang trang, sạch và đẹp.

Tôi vui vì thấy ngành giáo dục đã thoát khỏi tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng và thường xuyên, nguồn tuyển giáo viên dồi dào, chất lượng cao. Đội ngũ giáo viên đồng bộ ở các bộ môn, được đào tạo chuẩn, kể cả giáo viên các bộ môn nghệ thuật, thẩm mỹ, giáo dục thể chất. Phong trào học tập bồi dưỡng trên chuẩn rất mạnh. Những năm gần đây xuất hiện tình trạng thừa giáo viên ở bậc trung học, việc tuyển chọn giáo viên được thuận lợi hơn.

Tôi vui vì thấy ngành giáo dục đã được sự quan tâm của toàn xã hội, của các cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục thực sự thoát khỏi thế đơn độc. Quan điểm “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, “giáo dục là quốc sách hàng đầu” không chỉ được phát biểu ở đầu môi của nhiều cấp ủy, Ủy ban nhân dân các địa phương mà đã trở thành ý thức, hành động của từng cấp ủy, ủy ban nhân dân.

Tôi vui vì nhà giáo đã thực sự sống bằng lương, mặc dù còn chật vật, nhờ ngoài lương chính còn được phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên. Tôi vui vì nghề dạy học đã được thực sự tôn vinh, coi trọng, ngày 20/11 đã được xã hội hóa thực sự, mạnh mẽ… Những câu chuyện tiếu lâm đau đầu, những câu nói chế giễu nghề dạy học, chế giễu nhà giáo như “thầy giáo tháo giày đi chợ, giáo chức dứt cháo đón xuân”… đã dần dần lui vào dĩ vãng.

Tất cả những điều đó, từ lúc tôi là giáo viên dạy lớp cho đến khi làm cán bộ quản lý, tôi chỉ tìm thấy trong những giấc mơ.

Bên cạnh đó, tôi cũng có những băn khoăn. Xin nói lên đây vài điều:

Điều đầu tiên tôi thấy băn khoăn là mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học sinh, giữa thầy cô giáo và cha mẹ học sinh chưa thật là thân ái, trong sáng và lành mạnh. Thời kỳ chúng tôi là học sinh, thầy cô giáo là người được xã hội rất kính trọng, được các bậc cha mẹ học sinh quý mến, và những học sinh chúng tôi đặc biệt kính trọng, thương yêu. Bây giờ không được như vậy. Chưa kể, khi có đồng tiền chen giữa mối quan hệ này, nó làm cho quan hệ thầy trò bị biến dạng, thậm chí dị dạng. Tôi rất đau lòng khi đọc báo thấy đưa tin thầy cô giáo dùng roi vọt để đánh đập, nhục hình học trò mà gọi là dạy dỗ, giáo dục học sinh. (Tôi không đồng tình, ủng hộ, thậm chí phản đối quan niệm “thương cho roi cho vọt”). Và càng đau lòng hơn khi nghe tin học trò hành hung thầy cô giáo, có khi ngay trong khuôn viên nhà trường. Giữa cha mẹ học sinh và thầy cô giáo đúng ra phải có mối quan hệ hữu ái, thân tình, trong sáng để cùng chăm sóc, giáo dục học sinh là con em của mình. Vậy mà vẫn có những bậc cha mẹ có thái độ khiếm nhã, bất lịch sự khi giáo viên đến thăm gia đình để bàn bạc, phối hợp giáo dục, giúp đỡ con em mình. Thậm chí có những bậc cha mẹ đến trường hành hung, gây náo loạn nhà trường vì bênh vực con em mình. Thật khó hiểu. Và càng khó hiểu hơn khi chính quyền địa phương không tích cực xử lý những hiện tượng kỳ lạ đó.

Đối với ngành giáo dục An Giang, đến năm học 2016-2017, tôi vẫn rất băn khoăn về hiện tượng bỏ học còn quá lớn trong học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là cấp trung học cơ sở. Theo dõi số liệu giáo dục thống kê hơn 10 năm qua, đầu vào của lớp 6 toàn tỉnh là khoảng 36–38 ngàn học sinh, khi tốt nghiệp trung học cơ sở chỉ từ 20–22 ngàn học sinh. Như vậy, bốn năm học ở cấp trung học cơ sở, học sinh bỏ học xấp xỉ 40% tổng số học sinh. Nguy hiểm nhất là những học sinh bỏ học ở cấp trung học sơ sở (chưa xong lớp 9), không thể đào tạo nghề kỹ thuật cao, như thế sẽ khó tồn tại trong xã hội phát triển trong tương lai. Buồn nhất là trong ngành giáo dục, trong cấp ủy và ủy ban nhân dân các cấp, ít người chia sẻ với tôi về điều này.

Điều thứ ba tôi thấy băn khoăn là ngành giáo dục hiện nay đang có nhiều khuyết điểm nhưng chậm sửa chữa, trì trệ, bảo thủ. Từ chương trình, sách giáo khoa ở các bậc học, ngành học chứa nhiều yếu tố lạc hậu, hàn lâm, được toàn ngành và toàn xã hội góp ý mà rất nhiều lần thay sách vẫn không thay đổi. Hệ thống thi cử, đánh giá cực kì lạc hậu, nhiều tiêu cực, gây tốn kém, lãng phí được xã hội góp ý nhiều lần cũng không biết đường sửa đổi. Hệ thống quản lý ngành rất không hiệu quả, trên bảo dưới không nghe, Bộ lại làm tăng tính không hiệu quả đó bằng sự kém cỏi của mình trong biện pháp chỉ đạo, thích ôm đồm. Hệ thống thanh tra ngành cực kỳ lạc hậu, kém cỏi, không hiệu quả, không có uy tín,… cho nên bao nhiêu năm qua, Bộ không hề có một cuộc thanh tra chuyên môn, thanh tra toàn diện nào đối với các tỉnh, trong ngành giáo dục có nhiều hiện tượng tiêu cực như “dạy thêm, học thêm”, nạn mua bán bằng cấp, tình trạng lạm thu đầu năm học,… bao nhiêu năm không khắc phục được…v.v… Đến nổi, suốt nhiệm kỳ Đại hội X, đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần 9 (khóa X) ghi: “Tiến hành cải cách giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại Hội X và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X)”, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không tiến hành, bình chân như vại. Sang Đại hội XI, Nghị quyết Đại hội ghi rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” thì đến Hội nghị Trung ương lần 8 (khóa XI), Bộ Giáo dục-Đào tạo mới trình được đề án.
…v..v…

Đất nước chúng ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để sau một số năm, nước ta vượt qua được cái bẩy “phát triển trung bình”, vươn lên trở thành một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để làm được điều này, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 xác định có 3 đột phá chiến lược, mà “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược” (Văn kiện Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, trang 130). Theo một lôgic thông thường, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi đội ngũ nhà giáo cũng phải chất lượng cao.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin chúc đội ngũ Nhà giáo An Giang khắc phục, sửa đổi khuyết, nhược điểm, vươn lên mạnh mẽ, trở thành đội ngũ Nhà giáo chất lượng cao, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mong thay!
                               
Đặng Hoài Dũng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40412066