Truy cập hiện tại

Đang có 51 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Gặp những người trong cuộc tham gia Bảo hiểm y tế

(TGAG)- Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta không ai mà không phải trải qua những lúc ốm đau hay bệnh tật dù đó là bất kỳ thành phần khá giả, trung bình hay nghèo khó… Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và người thân, những năm qua bảo hiểm y tế (BHYT) luôn đồng hành và chia sẻ trong những thời điểm không may đó.

Có thể nói BHYT thật sự là chiếc phao cứu sinh đối với những người nghèo. Còn đối với những người khá giả BHYT cũng không kém phần quan trọng nếu mắc phải bệnh mãn tính, điều trị kéo dài từ ngày này sang ngày khác, năm này đến tháng nọ, chi phí điều trị ngày một cao từ vài triệu, vài chục triệu đến hàng trăm triệu và nhiều hơn thế nữa, nhất là người cao tuổi, bệnh nhân suy thận, tim, tiểu đường, huyết áp… Đây là những căn bệnh thường gặp và chiếm hơn phân nửa số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Những trường hợp này BHYT sẽ thanh toán từ 60% đến 80%, tùy theo bệnh nhân đi đúng tuyến hay vượt tuyến. Điển hình như trường hợp của gia đình bà Huỳnh Thị Lụa, 62 tuổi ngụ ấp Bình Tấn, xã Bình Phước Xuân. Vừa qua, chồng bà mắc phải căn bệnh xuất huyết não, điều trị dài ngày ở một bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, chi phí điều trị trên cả chục triệu đồng nhưng nhờ có BHYT và chuyển viện đúng tuyến, từ tuyến huyện, tỉnh đến Thành phố Hồ Chí Minh, gia đình bà chỉ chi 20% số tiền đó. Sau khi xuất viện về ông vẫn điều trị ngoại trú tại bệnh viện tuyến tỉnh.
 
Còn trường hợp của bà Lụa đang điều trị bệnh tim mạch theo lịch khám hàng tháng của bác sĩ Bệnh viện Tim mạch An Giang, chi phí cũng khoảng 100.000 đồng/tháng. Nếu không có bảo hiểm con số này lên 400 đến 500 ngàn đồng cộng với tiền thuốc của hai vợ chồng bà cũng cả triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí đi lại… Khoảng 01 năm nay, BHYT đã thanh toán chi phí điều trị bệnh cho ông bà đôi ba chục triệu đồng, giúp cho gia đình bà giảm bớt nỗi lo, gánh nặng về chi phí bệnh tật mà tập trung chăm sóc người bệnh tốt hơn. Được biết gia đình của bà Lụa có 5 người, tất cả đều tham gia BHYT trên 7 năm, năm năm đầu mới tham gia BHYT, gia đình bà đều khỏe mạnh, bà quan niệm rằng mình không bệnh thì đóng bảo hiểm giúp người khác, đến khi bệnh thì được chia sẻ, bà Lụa nói.


 
Cũng như bà Lụa, gia đình của bà Nguyễn Thị Đẹp, sinh năm 1953, ngụ ấp Đông, xã Mỹ Hiệp (Chợ Mới) tham gia bảo hiểm y tế 6 - 7 năm nay, ban đầu sức khỏe của vợ chồng bà rất tốt nhưng 2 năm nay, bà và ông đều mang trong mình căn bệnh tiểu đường và tim mạch, cũng đang điều trị ngoại trú hàng tháng tại Bệnh viện Tim mạch An Giang, quá trình điều trị rất hiệu quả và ít tốn kém, bà Đẹp nói với chúng tôi trong sự hài lòng: “Hàng tháng tôi qua bệnh viện Tim mạch An Giang, khám, lãnh thuốc, 5 tháng thì xét nghiệm lại, đo nhịp tim, siêu âm, nếu không có bảo hiểm thì tốn trên 400 ngàn đồng/tháng, bây giờ tôi chỉ tốn tối đa 100 ngàn đồng/tháng. Bác sĩ tư vấn mình cũng tốt lắm, nhiều người không biết, cho rằng thuốc lãnh bảo hiểm không tốt, bác sĩ phục vụ không tốt, nhưng tôi thấy tốt lắm, nếu tôi không tham gia bảo hiểm là tốn tiền nhiều lắm”.

Nhờ có BHYT trong lúc ốm đau mà gia đình bà có thể xoay sở được, kinh tế ổn định, không phải vay mượn, tránh được tình trạng nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số người chưa tham gia BHYT hay đã tham gia một thời gian nhưng không tham gia nữa, vì nghĩ rằng hiện tại sức khỏe rất tốt, khi nào không khỏe mới tham gia bảo hiểm, tránh lãng phí. Đây là quan niệm hết sức sai lầm, bởi vì một khi bệnh tật ập xuống không thể lường trước được, có thể hôm nay chúng ta khỏe nhưng không biết ngày mai sẽ ra sao? Không ai có thể lường trước và biết được điều gì sẽ xảy ra. Đến lúc ốm đau, tai nạn bất ngờ, chi phí điều trị cao gấp nhiều lần so với người tham gia BHYT. Trường hợp này chị Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1967, xã Mỹ Hiệp đã mắc phải, chị Hà kể: “Mấy năm trước tôi đóng bảo hiểm thi không bệnh gì hết, do ngán tiền nên tôi ngưng không tham gia. Ai dè không có bảo hiểm lại bị bệnh, kỳ đó lên máu (tăng huyết áp) và bị rắn cắn, vào bệnh viện, ngày tốn hơn triệu đồng, giờ sợ quá nên đã đóng bảo hiểm”.
 
Vì thế mỗi người, mỗi gia đình cần tham gia BHYT ngay lúc còn khỏe mạnh để cùng chia sẻ với cộng đồng và được cộng đồng chia sẻ trong lúc ốm đau, bệnh tật, chung tay xây dựng một xã hội hiện đại, nhân văn.

Từ tháng 10/2017, quy định về BHYT có những điểm mới: trên thẻ chỉ có thời gian bắt đầu, không có thời gian kết thúc và thời gian đáo hạn kéo dài là 90 ngày để người tham gia được hưởng liên tục quyền lợi, sau 90 ngày mà không tham gia mới thì thẻ BHYT vô hiệu khi khám, chữa bệnh. Sắp tới sẽ có mã số cố định định danh cá nhân trên từng thẻ BHYT của mỗi người. Chị Lê Ngọc Lam- Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Chợ Mới giải thích rõ hơn về vấn đề này: “Việc cấp mã số bảo hiểm cố định giống như giấy chứng minh nhân dân để sau này tiện thủ tục hành chính khi mình quên hay mất thẻ mình chỉ cung cấp mã số bảo hiểm, cơ sở khám chữa bệnh sẽ tra cứu lại thời gian tiện cho bệnh nhân khám chữa bệnh. Có thời gian bắt đầu, không có thời gian kết thúc, hướng đến cải cách hành chính, in thẻ nhựa giống như thẻ ATM, để sử dụng lâu dài, chỉ cấp lại khi bị mất thẻ. Tham gia bảo hiểm y tế khi hết hạn trong vòng 90 ngày, cầm thẻ này đến khám chữ bệnh không cần phải thông qua đại lý mua bảo hiểm nào cả, đây là những tiện ích cho người tham gia bảo hiểm”./.

Ánh Minh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37114637