Truy cập hiện tại

Đang có 57 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Thương binh Trần Quốc Toản hết lòng giúp đỡ đồng đội cùng vượt khó vươn lên làm giàu

(TGAG)- Tổng kết phong trào thi đua yêu nước cựu chiến binh gương mẫu tỉnh An Giang giai đoạn 2009 - 2014 có rất nhiều gương điển hình trên tất cả lĩnh vực. Điều đáng nói trong số hơn 700 cá nhân hội viên cựu chiến binh tiêu biểu có những người là thương binh, bệnh binh. Tuy phải khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, nhất là vượt qua bệnh tật, hạn chế về sức khỏe, nhưng với ý chí và nghị lực của bản thân, rất nhiều hội viên cựu chiến binh phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không ngừng phấn đấu rèn luyện học tập, lao động sản xuất, trở thành hạt nhân tập hợp khối đoàn kết trong hội và toàn dân, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tấm gương ông Trần Quốc Toản, thương binh ¾, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Vĩnh thị xã Tân Châu là một trong những điển hình.
_________________

* Từ người lính Cụ Hồ năm xưa, trở thành ân nhân của nhiều hội viên cựu chiến binh và hộ nghèo ở nông thôn

Đã nhiều lần định gặp và trò chuyện với anh, nhất là khi hay tin anh dự đại hội thi đua yêu nước cấp toàn quốc từ mấy năm trước, nhưng mãi đến dịp trung tuần tháng Bảy vừa qua, nhân chuyến công tác cùng với đoàn cán bộ Hội Cựu chiến binh Việt Nam tỉnh An Giang đến thị xã Tân Châu, tôi mới có dịp đến thăm gia đình người thương binh hạng ba trên bốn, anh Trần Quốc Toản, người mà anh em trong hội cựu chiến binh thường gọi là anh Bảy Toản, hiện giữ chức chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Vĩnh thị xã Tân Châu.


Nhìn dáng vẻ bên ngoài của anh Bảy Toản, đặc biệt là trực tiếp chứng kiến một ngày lao động quần quật của anh bên cạnh đàn bò hơn chục con, ít ai nghĩ rằng người thương binh mất một chân phải này đã bước sang tuổi năm mươi ba. Thời khóa biểu cho một ngày lao động bình thường của anh Bảy Toản là từ 3 giờ sáng, dậy phụ giúp vợ chuẩn bị cho một ngày đẩy xe bán hàng rong, sau đó anh ra sau nhà chăm sóc, cho bò ăn, rồi đến trụ sở hội sinh hoạt, đi xuống ấp, vận động quần chúng, găp gỡ hội viên, rồi trở về nhà lo cho đàn bò, thường là khoảng 10 giờ tối mới xong công việc một ngày.

Nói về anh Trần Quốc Toản, đặc biệt là nghị lực của một thương binh hết lòng vì đồng đội, ông Trần Hoàng Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Tân Châu cho biết: “Chính từ đức tính thật thà, chất phát, chuyên cần, ham học hỏi mà anh Toản được anh em hội viên cựu chiến binh và mọi người quý mến. Anh lao động, làm lụng không chỉ cho gia đình mà còn giúp nhiều hội viên cựu chiến binh và hộ nghèo vươn lên làm giàu từ việc hỗ trợ vốn, truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi bò giống. Từ mô hình chăn nuôi bò giống này mà từ hơn 10 năm qua, anh Trần Quốc Toản đã gầy dựng đàn bò lên đến hơn 200 con. Đặc biệt là số bò giống này anh rãi đều khắp trong hội viên và hộ nghèo ở địa phương. Đến nay hội viên  cựu chiến binh xã Phú Vĩnh không còn hộ nào khó khăn về kinh tế”.

Cách nay tròn 30 năm, sau khi rời quân ngũ với một phần thân thể để lại nơi chiến trường, thương binh Trần Quốc Toản, không như nhiều người khác đồng cảnh ngộ luôn mang nặng sự tự ti, mặc cảm, thụ động trong cuộc sống, anh Toản lại hăng say tham gia công tác xã hội, tranh thủ ra đồng quần quật bên khoảng ruộng lúa 8 công do cha mẹ để lại. Cứ thế tích lũy dần, 10 năm sau, anh lập gia đình, rất may người vợ đảm đang của anh đã cùng chồng ra sức làm lụng, dành dụm đến nay tài sản của gia đình đã vượt hơn 5 tỷ đồng. Nhưng điều đáng quý là phần lớn số vốn này anh đều dành cho công việc từ thiện, xã hội, giúp đỡ  những hộ nghèo, hỗ trợ đồng đội vượt khó vươn lên. Trường hợp của hai hội viên cựu chiến binh cùng ngụ ấp Phú Hưng xã Phú Vĩnh là ông Võ Hoàng Minh, thương binh 2/4 và ông Nguyễn Minh Dũng, thương binh ¾ là điển hình. Cả hai gia đình thương binh này trước đây đều gặp khó khăn, nhưng từ khi được ông Trần Quốc Toản trực tiếp hỗ trợ vốn và tư vấn kỹ thuật chăn nuôi bò giống, đến nay mỗi hộ đều nuôi được từ 4 đến 6 con bò, mỗi con hiện có giá từ 50 đến 60 triệu đồng. Chỉ tay vào đàn bò căng tròn bên ruộng cỏ xanh mướt, ông Nguyễn Minh Dũng, cũng là thương binh cụt một chân nói trong cảm động: “Mấy năm trước túng quẫn lắm, may nhờ anh Bảy Chiến cho mượn vốn mua bò nuôi. Hai con giống mua khoảng hơn 30 triệu một con, sau vài tháng nuôi thúc đến nay đã có người hỏi mua giá 55 triệu. Sắp tới sẽ mượn vốn của anh Bảy mua thêm vài con nữa”. Tôi hỏi vui, mất một chân đi lại khó khăn làm sao mà lo cỏ cho bò ăn đủ sức được! Ông Dũng xề xòa, chân chất cho biết, thằng con trai lớn của ông vừa thi hành xong nghĩa vụ tại ngũ ở Sư đoàn 330 về, thấy gia đình hết cảnh túng thiếu, cũng hăm hở bắt tay vào giúp ông trồng thêm cỏ nuôi bò.

Riêng về anh Bảy Toản, tâm sự với chúng tôi anh cho biết lý do đơn giản là giúp được một người đồng chí, đồng đội thoát nghèo là thấy lòng mình vui rồi: “Trước đây mình cũng từ nghèo khó. Nay nhờ may mắn làm ăn khấm khá, thì người đầu tiên tôi nghĩ đến đó là đồng đội của mình, những người thân trong xã, trong huyện còn nghèo. Mình có ít thì giúp ít, có nhiều thì giúp nhiều. Thấy đồng đội ngày xưa và bà con mình thoát cảnh túng thiếu là mình vui rồi!”. Anh Toản nở nụ cười hiền bên trại nuôi bò của ông Dũng và ông Hai Minh tâm sự như thế.

* Hạt nhân của phong trào thi đua yêu nước ở địa phương

Còn nhiều nữa những câu chuyện tưởng đơn giản liên quan đến vai trò chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã - thương binh Trần Quốc Toản như mỗi năm tự nguyện đóng góp vào các công trình xây dựng nông thôn mới hơn 30 triệu đồng; tuy cụt một chân nhưng đã hơn 20 lần hiến máu cứu người; luôn tích cực tham gia cùng lực lượng Dân quân, công an xã giữ gìn trật tự xã hội, vận động thanh niên nhập ngũ...


Nhận xét về tấm gương của anh Trần Quốc Toản, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Phú Vĩnh cho biết: “Xã Phú Vĩnh có rất nhiều gương điển hình trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đóng góp xây dựng nông thôn mới... Nhưng đối với anh Trần Quốc Toản là tấm gương tiêu biểu nhất. Tuổi trẻ địa phương học ở anh Toản rất nhiều, đặc biệt là nghị lực của người cựu chiến binh, dù bị thương tật nặng nhưng luôn lạc quan, có ý chí mạnh mẽ, quyết vươn lên bằng sức lao động của mình. Anh không chỉ làm giàu cho gia đình mà đóng góp rất nhiều cho công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn mới, giúp cho hàng trăm hộ dân làm ăn ổn định, thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Anh là một trong những nhân tố điển hình phong trào thi đua yêu nước của địa phương”.

Từ những nỗ lực của bản thân và thành quả đóng góp cho địa phương, ông Trần Quốc Toản vinh dự được nhận các phần thưởng như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng, Bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và nhiều phần thưởng khác của lãnh đạo tỉnh An Giang.

Tinh thần và nghị lực vượt khó vươn lên của thương binh Trần Quốc Toản không chỉ thể hiện sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới, mà còn là tấm gương về ý chí quyết tâm học tập, cống hiến suốt đời của người đảng viên để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Bài, ảnh:  Văn Tranh
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40113452