Truy cập hiện tại

Đang có 117 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Chợ Mới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

(TGAG)- Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, cụ thể là những mô hình mới, cách làm hay được tổ chức triển khai thực hiện khá hiệu quả như: chăn nuôi bò lai chuyên thịt; trồng rau an toàn trong nhà lưới; trồng nấm ăn; xây dựng cánh đồng lớn chất lượng cao... là những điểm bứt phá đầu tiên của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Cù lao Chợ Mới.

Trong những gam màu sáng của bức tranh nông nghiệp huyện, đáng chú ý là trồng xoài theo quy trình Việt GAP, xanh, sạch, an toàn, nâng cao giá trị trái xoài, tăng tính cạnh tranh và tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước; lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm thời gian, công sức chi phí bón phân cho nông dân, phát huy hiệu quả sản xuất.


Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi khảo sát tại Chợ Mới

Hiện tổng diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện đến nay là 6.107 ha. Trong đó diện tích trồng xoài là 5.428 ha, chiếm 88,9 %, có 127,3 ha xoài đạt chứng nhận VietGAP ở 03 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. Đang triển khai Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô 500 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm” thời gian thực hiện từ tháng 03/2018 - 02/2020. Bên cạnh, còn phối hợp với Viện cây ăn quả miền Nam tiến hành tổ chức 9 đợt tập huấn cho nông dân sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP ở 3 xã nói trên với số lượng 480 hộ dân tham dự.

Huyện cũng đang triển khai thực hiện 03 dự án sản xuất cây ăn trái ứng dụng hệ thống tưới công nghệ cao với tổng diện tích 540 ha ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. Tỉnh còn hỗ trợ đầu tư thêm 200 ha ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ở 3 xã cù lao giêng với vốn đối ứng 50%, vận động người dân tham gia lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt với diện tích 200 ha ở 3 xã nói trên. Và việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ giúp tiết kiệm nước, giúp nước cung cấp nước trực tiếp tới gốc cây, dễ dàng hấp thụ, không bị thất thoát, bốc hơi, thấm sâu. Ngoài ra, hệ thống này còn có chức năng bón phân rất đồng đều và tiện lợi bằng cách lấy phân hòa lẫn với nước, sau đó cho vào bình chứa bơm qua hệ thống dẫn nước tới từng gốc cây. Qua đây, hạn chế được tình trạng phân rơi vãi, gây lãng phí cho bà con nông dân, giúp giảm nhân công lao động trong việc phun, tưới cây. Nhưng vẫn giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Anh Nguyễn Văn Thanh, xã Mỹ Hiệp được sự hỗ trợ của Nhà nước anh đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 5.000m2 trồng xoài ba màu, bước đầu đã thấy được sự hiệu quả của nó, anh chia sẻ: "Tưới nhỏ giọt thấy hiệu quả nhiều, so với truyền thống giảm công lao động, phân bón, cái này 3 trong 1, mình tưới được nước, tưới được phân, thuốc, đem lại lợi nhuận cao hơn, 1 công giảm chi phí 300 đến 350 ngàn đồng, hiệu quả năng suất đạt hơn, thường thường mình làm thủ công trái xoài khoảng 800g này khoảng 900g, màu đẹp hơn, bóng hơn".

Còn anh Nam ở ấp Bình Thạnh 2, xã Hòa An đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả khoảng 10 công sang làm vườn, áp dụng những biện pháp canh tác theo hướng khoa học kỹ thuật đã đem lại hiệu quả cao, lợi nhuận bình quân hằng năm của anh từ 100 đến 150 triệu đồng.

Đánh giá lại tình hình thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của huyện, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lâm Anh Tú, cho biết: “Năm 2018, Phòng Nông nghiệp đã tập trung vận động nông dân thay đổi tập quán, tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất để giảm chí phí: Trên cây lúa có 99,57% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; 82,31% máy phun thuốc bảo vệ thực vật; 95% diện tích sản xuất được tưới tiêu bằng trạm bơm điện. Hiện có 95,69% diện tích gieo trồng lúa các biện pháp “3 giảm, 3 tăng” trong đó có  61,5% diện tích áp dụng “1 phải, 5 giảm”. Trên cây màu, huyện có nhà sơ chế rau đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công suất sơ chế 400 - 500 kg/ngày, có 10,81 ha của tổ rau xã Kiến An đạt chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Còn trên cây ăn trái, có 127,3 ha được chứng nhận VietGap”.

Song song với trồng lúa, ở Chợ Mới diện tích trồng nấm rơm dần được phục hồi do giá cả tiêu thụ nấm rơm luôn ở mức cao, tính đến nay toàn huyện thực hiện trồng nấm rơm được 36ha, đạt 240% kế hoạch, năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha, sản lượng thu được 288 tấn nấm tươi, giá nấm trên thị trường hiện nay trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, doanh thu được khoảng 11,52 tỷ đồng (lợi nhuận bình quân khoảng 80 - 120 triệu đồng/ha). Hay mô hình ươm giống cây con trong nhà màng ở xã Hội An, ươm giống cây con chủ yếu là ớt với diện tích 1.000m2, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác như: ươm cây con trong vỉ xốp, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh. Tạo được độ đồng đều và chất lượng cây con tốt, mô hình này đem lại lợi nhuận cao cho người sản xuất.

 
Năm 2018 là một năm đánh dấu tín hiệu tăng tốc tích cực trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp khi được tỉnh hỗ trợ đầu tư 04 dự án, với kính phí 42 tỷ đồng (03 dự án CNC tưới nhỏ giọt trên cây ăn trái 03 xã cù lao giêng với diện tích 540 ha, 01 dự án CNC tưới phun sương trên rau màu xã Kiến An với diện tích 80 ha, đã được thi công sắp hoàn thành), hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô 500ha đạt tiêu chuẩn VietGap gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm (đang thực hiện dự kiến đến quý II/2019 hoàn thành), đề án hỗ trợ nông dân 50% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt đến vườn của hộ dân với diện tích 200 ha.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Chợ Mới hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn đó là chi phí đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân và các nhà đầu tư còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp có độ rủi ro cao về thời tiết, thị trường nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chủ yếu xuất thô, chưa qua chế biến từ đó chưa nâng được giá trị. Hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương chưa vận hành chính thức để đánh giá hiệu quả để nhân rộng từ đó nhân dân còn trông chờ, chưa mạnh dạn đăng ký đấu nối do còn ngại về chi phí đối ứng, chi phí tiền sử dụng nước.

Để nông nghiệp thực sự là một thế mạnh, có thương hiệu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, trước hết cần khắc phục những hạn chế đã nêu; đồng thời cần phải tiến hành đầu tư mạnh mẽ và bài bản cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng và phát triển hơn việc ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ người nông dân trong sản xuất. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách phát triển nông nghiệp, chú trọng chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý, nhân rộng các giống cây trồng mới./.

Hải Đăng
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40455145