Truy cập hiện tại

Đang có 58 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Người phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo

(TGAG)- Đó là chị Nguyễn Thị Trang, ngụ ấp Thị 1, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang, tươm tất, chị đang cùng cô con gái nhỏ khoảng chừng 4 tuổi vui hát và tập cháu chơi các trò chơi. Cứ ngỡ đây là người phụ nữ nhàn nhã ở nhà vui đùa với con. Nhưng khi theo từng bước chân chị về quá khứ, chúng tôi đã nhìn thấy ở chị, người phụ nữ cần cù, giàu nghị lực đã không quản ngại khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình chị Trang, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo- Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Mỹ Luông cho biết:

 “Hoàn cảnh chị Trang trước đây thuộc diện hộ nghèo ở ấp Thị 1, hai vợ chồng làm thuê, đời sống bấp bênh, thu nhập 80-100 nghìn đồng không đủ chi phí cho 4 miệng ăn gia đình.”

Hai mươi năm trước, chị kết hôn cùng anh Bùi Thanh Long, hai vợ chồng đến với nhau đều nghèo khó, chị buôn gánh bán bưng, anh đi làm mộc. Nhưng lúc đó nghề mộc không thịnh như bây giờ, rất ít việc làm, ngày được ngày mất. Mọi chi tiêu trong gia đình đều đổ lên đôi vai của chị. Ngày ngày, chị đẩy xe bán bánh mì, bánh tằm, bún riêu khắp các nẻo đường ở thị trấn, dù vất vả, cực nhọc nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi con nhỏ ra đời, bình thường hai vợ chồng đắp đỗi qua ngày, nay lại thêm con nhỏ, cuộc sống khó khăn trăm bề khi hai vợ chồng đều long đong.

     Được người quen giới thiệu, chị cùng anh đăng kí vào bán hàng ăn ở căn tin trường Khai Trí (nay đã sát nhập vào trường THPT Châu Văn Liêm), không đủ tiền để thuê người phụ bán mà tự mình nấu nướng, dọn hàng rồi tất bật với công việc mới. Chị tâm sự: “trước đây khổ lắm, hai vợ chồng phải thức sớm dọn hàng, nấu nướng, bày biện qua trường. Con thì để lại một mình trong nhà”.

Cứ tưởng cuộc sống chị dù vất vả nhưng sẽ đỡ hơn từ mua bán ở căn tin, nhưng chi phí ngày một tăng lên, chị không đủ điều kiện bán nữa. Hàng ngày chị đẩy xe khắp nơi trong thị trấn, sáng thì bánh mì, bánh tằm, chiều thì bún riêu, dọc theo các trại kinh doanh gỗ, công ty giày,… nơi tập trung lao động để buôn bán. Ngày nắng, công nhân có tăng ca, trại gỗ đông người làm thì mừng, vì mua mau bán đắt đủ chi phí trang trải cuộc sống. Ngày mưa, ít người lao động thì chị trở về với nặng gánh lo toan. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, con nhỏ, không nghề, không vốn, bấy lâu nay chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ việc buôn gánh bán bưng của chị và làm thuê của anh mà cũng không đủ chi tiêu hàng ngày. Có lúc chị tưởng cuộc sống của gia đình mình cứ quanh quẩn mãi với khó khăn, nhưng nhờ Hội Phụ nữ thị trấn quan tâm kịp thời và tạo điều kiện để chị mua bán, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo. Năm 2015, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội, đóng chiếc xe đẩy mới, làm thêm ít món ăn, mua cặp bò nuôi vỗ béo, hàng ngày anh chị thay phiên chăm sóc, nỗ lực lao động, chi tiêu tiết kiệm chỉ mong có đồng dư lo cho hai con ăn học. Chị chia sẻ: “Ráng làm vươn lên, làm từ từ, hà tiện hà tặn, mót mái từ từ gầy dựng, có dư chút đỉnh mua bò nuôi, mua đất”.

Sau bao năm phấn đấu, không ngại khó, không ngại khổ, giờ đây, người phụ nữ ấy đã được hưởng quả ngọt. Từ căn nhà xập xệ, không đất đai sản xuất giờ chị đã có căn nhà khang trang trên 100 triệu, nuôi được ba con bò trong chuồng, vươn lên thoát nghèo, con trai được học đến nơi đến chốn khi không đầy vài tháng nữa là em tốt nghiệp chuyên ngành Cao đẳng công nghệ ô tô. 

Vui với niềm quả ngọt của người hội viên phụ nữ cần cù vượt khó, Chị Nguyễn Thị Thảo- Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Mỹ Luông chia sẻ: “với tinh thần vượt khó của chị cùng với sự giúp vốn của hội, từ hai con bò, chị đã nuôi được ba con bò, cất được căn nhà khang trang, mua được công đất trồng cỏ nuôi bò để chị có thời gian buôn bán, tăng thêm thu nhập”./.

Xuân Kiều


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39961201