Thực tiễn - kinh nghiệm
Công tác binh vận là một nghệ thuật
- Được đăng: Thứ bảy, 18 Tháng 4 2015 14:16
- Lượt xem: 3303
Từ thực tiễn của cuộc kháng chiến vĩ đại, Đảng và nhân dân ta đã nâng công tác binh vận lên tầm nghệ thuật. Bằng sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo, công tác binh vận đã kết nên sức mạnh ngày càng to lớn qua từng thời kỳ cụ thể của cách mạng, góp sức vào chiến công chung.
Biểu tình phản đối cuộc thảm sát Sơn Mỹ. Ảnh tư liệu
Một trong ba mũi giáp công
Trong mười năm đầu của cuộc chiến tranh giải phóng, nhất là khoảng thời gian trước phong trào Đồng Khởi, chúng ta gặp muôn vàn khó khăn. Ngô Đình Diệm thực hiện đàn áp phong trào cách mạng bằng chính sách "tố cộng", "diệt cộng" gây cho cách mạng nhiều tổn thất. Công tác binh vận trong thời gian này tập trung vận động đấu tranh với địch đòi chúng thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và thực thi các quyền dân sinh, dân chủ. Thông qua các hình thức đấu tranh, ta đã làm chuyển hóa một bộ phận binh sĩ ngụy giác ngộ cách mạng, sao nhãng việc luyện tập, canh gác chiếu lệ, né tránh các đợt đi càn, lùng sục; có nơi án binh trong đồn bót không chấp hành lệnh hành quân của chỉ huy. Một số đã đào ngũ bỏ về với gia đình...
Công tác binh vận thật sự nổi bật trong Phong trào Đồng Khởi ở miền nam trong những năm 1959 - 1960. Phong trào đã thu hút hàng triệu nông dân tham gia, trong đó sự tham gia của "đội quân tóc dài" góp phần quan trọng vào thắng lợi. Với lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận của đông đảo chị em phụ nữ, có sự hỗ trợ của vũ trang, ta đánh địch bằng ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận. Ở mũi binh vận, các mẹ, các chị đã vận động, lôi kéo chồng, con, em mình, giải thích chính sách của cách mạng, khơi dậy tinh thần dân tộc, khơi sâu mâu thuẫn trong nội bộ địch làm cho chúng hoang mang bỏ ngũ hoặc làm nội tuyến cho ta. Việc lấy bót Định Thủy hay phong trào "Tản cư ngược" trong cuộc đấu tranh của 12.000 phụ nữ và nông dân huyện Mỏ Cày, Bến Tre là điển hình thành công của công tác binh vận và kết hợp binh vận với vũ trang, làm cho phong trào sau đó lan rộng ra toàn miền nam.
Sau thất bại của Phong trào Đồng Khởi, chính quyền Mỹ - Việt Nam Cộng hòa bị đẩy vào thế lúng túng, buộc phải thay đổi chiến lược. Tháng 1-1960, G.Ke-nơ-đi đã chính thức công bố học thuyết mới và chọn Việt Nam làm nơi thí điểm "Chiến tranh đặc biệt". Với chiến lược này, Mỹ đã tăng cường và mở rộng vai trò lực lượng cố vấn, đưa lực lượng đặc nhiệm của Mỹ vào tham chiến, tăng cường lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa, được trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ nhằm nhanh chóng bình định miền nam. Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực thi chương trình "Ấp chiến lược" như là "quốc sách", là "xương sống" của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" nhằm kìm kẹp nhân dân, tách nhân dân ra khỏi cách mạng, hòng bình định miền nam.
Trước tình hình đó, tháng 2-1962, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền nam, trong đó nhấn mạnh: "Phá ấp chiến lược là một nhiệm vụ có tính chất cấp bách, nhiệm vụ lâu dài". Và, ngay trong năm 1962, hệ thống tổ chức, lực lượng binh vận các cấp đã được xây dựng từ cấp Miền đến các cơ sở. Các cán bộ trong các ban binh vận đã kề vai sát cánh cùng nhân dân trong các ấp chiến lược, làng xã vừa đấu tranh trực diện vừa tích cực kêu gọi binh lính, người thân của mình trong quân đội Việt Nam Cộng hòa quay về chống lại việc gom dân, lập ấp. Tính chung trong hai năm 1962, 1963, nhờ công tác binh vận, tổng số binh sĩ địch rã ngũ lên đến 99.200 tên, số súng ta thu được là 634 khẩu... Tổ chức thanh niên chiến đấu của địch tan rã nghiêm trọng, có tỉnh tan rã đến 95%. Công tác binh vận vừa tạo thêm sức mạnh cho đấu tranh quân sự vừa phát triển, phát huy thắng lợi của đấu tranh quân sự và chính trị.
"Bám thắt lưng địch" để tuyên truyền
Từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của "Chiến tranh đặc biệt", Mỹ đã chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ" bằng việc đưa quân viễn chinh và quân đồng minh đảm nhận vai trò chính, có kết hợp với quân Việt Nam Cộng hòa cùng với vũ khí và phương tiện chiến tranh của Mỹ. Lực lượng quân viễn chinh và quân đồng minh của Mỹ lúc cao nhất lên đến hơn nửa triệu người. Tận dụng ưu thế, quân Mỹ và đồng minh đã mở những cuộc hành quân "tìm diệt" vào căn cứ quân giải phóng, mở các cuộc phản công chiến lược vào hai mùa khô 1965 -1966 và 1966 - 1967. Khi ấy, ngoài việc đánh trả bằng quân sự, quân và dân miền nam còn đẩy mạnh tấn công binh vận. Ở các vành đai diệt Mỹ, ta thực hiện phương châm "bám thắt lưng địch" mà tuyên truyền, vận động, từ đó có những hiểu biết tường tận về kẻ thù để có những hình thức binh vận đạt hiệu quả.
Thực tế tình hình cho thấy, mặc dù lính Mỹ rất hung hăng trong hành động nhưng họ đều là con em nhân dân lao động Mỹ. Do bị đẩy sang chiến trường Việt Nam ác liệt, không quen thông thổ, khí hậu, họ nhớ quê hương gia đình, bị các sĩ quan chỉ huy ức hiếp, lại thêm nạn phân biệt mầu da trong quân đội nên họ cũng chán ngán cảnh chiến tranh. Họ phải đối diện với cái chết vô nghĩa để thực hiện cho mục đích của chính phủ cầm quyền xâm lược. Nắm bắt được những nhược điểm trên, công tác binh vận của ta đã sử dụng nhiều hình thức đấu tranh thích hợp, sáng tạo để thức tỉnh cho lính viễn chinh, nhằm hướng tới mục tiêu làm cho binh lính Mỹ hiểu và đồng tình với cuộc kháng chiến của ta, hạn chế hành động khủng bố, bắn giết của chúng, tiến tới đẩy mạnh phản chiến và đòi về nước.
Ở Khu V, ta đã tổ chức những lớp học tiếng Anh, tiếng Hàn cho cán bộ binh vận. Các địa phương cũng tổ chức tự đào tạo tại chỗ cho đội ngũ cán bộ binh vận hoặc tìm những học sinh biết tiếng Anh, tiếng Hàn soạn ra những câu giao dịch cần thiết để trang bị cho người làm công tác binh vận. Biện pháp chính và có hiệu quả, dễ thực hiện trong tiến hành tuyên truyền, vận động binh lính Mỹ, Hàn là truyền đơn, biểu ngữ, tranh ảnh... do nhân dân tự viết, tự vẽ...
Sau những thất bại trên chiến trường, mặc dù rất ngoan cố, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn cố tình vi phạm Hiệp định, lấn chiếm vùng giải phóng nhằm xóa bỏ hiện trạng "da báo" theo hướng mở rộng vùng chiếm đóng của chúng. Hiệp định Pa-ri là một cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta đấu tranh với kẻ thù. Công tác binh vận trong thời gian này là đấu tranh đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri, vận động binh lính địch bỏ ngũ, rã ngũ...
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đề ra chính sách binh vận 10 điểm, mở ra con đường hợp lý, hợp tình cho gia đình binh sĩ ở miền nam. Hội Phụ nữ Giải phóng và ngành binh vận ra sức xây dựng các tổ "binh vận thường trực", nghĩa là tập hợp những cán bộ chuyên việc làm binh vận. Từ đó xuất hiện những "tổ binh vận cơ động" là những chị em luôn bám theo những đơn vị chủ lực hay địa phương của địch mà hoạt động. Mang theo lương thực, thực phẩm, các mẹ, các chị đi tới cả các quân trường tự nhận là mẹ, vợ của lính, nắm tình hình gia đình lính là ai, ở đâu để có kế hoạch cùng với gia đình họ kêu gọi bỏ ngũ. Bằng cách đó, tỉnh Đồng Tháp đã làm tan rã 3.800 lính ngụy; tỉnh Trà Vinh làm tan rã 3.300 tên; một bà mẹ ở Xẻo Rô (Kiên Giang) trong hai tháng dùng ghe của mình chở 50 lính đào ngũ về quê; có ba chị em ở Tân Hiệp (Mỹ Tho) đưa 57 lính về quê... Do binh vận giỏi mà có trường hợp "mẹ lấy đồn con", "vợ lấy đồn chồng", nghĩa là các mẹ, các chị vận động con, chồng nộp đồn cho quân giải phóng...
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, phương châm đấu tranh "hai chân, ba mũi" vẫn được tiến hành. Bất chấp hiểm nguy đến tính mạng, trước kẻ thù có đầy đủ súng ống, bằng tấm lòng của những người mẹ, người chị, người em, lực lượng phụ nữ đã kiên trì giáo dục, thuyết phục khích lệ tình cảm dân tộc trong binh lính, giải thích chính sách khoan hồng của cách mạng, chỉ rõ những vô lý trong khi bọn chỉ huy chóp bu thì bỏ chạy lại bắt họ "tử thủ", nhắc nhở họ nhớ về vợ con, bố mẹ, người thân đang trong cơn hoảng loạn, đang cần đến sự giúp đỡ của họ.
Những tấm gương tiêu biểu làm công tác binh, địch vận thời gian này là: Chị Phan Thị Nghĩ ở Đà Nẵng dẫn đầu quần chúng chặn đường xe tăng giặc, kêu gọi binh lính đầu hàng; chị Hảo ở Dĩ An (Sông Bé) cùng đồng bào vận động 2.000 lính dù bỏ súng đầu hàng; phụ nữ Rạch Giá chiếm chi khu Vĩnh Thuận, bao vây uy hiếp buộc tỉnh trưởng phải đầu hàng cùng binh sĩ, nộp 8.000 khẩu súng; ở Củ Chi, khi quân ta đánh căn cứ Đồng Dù, phụ nữ giúp bộ đội truy quét tàn quân, bắt tướng ngụy Lý Tòng Bá cải trang định bỏ trốn... Chỉ tính riêng một số tỉnh Nam Bộ, từ tháng 1 đến tháng 4-1975 đã có hơn 5.000 binh sĩ, sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa đào ngũ.
Công tác binh vận là một trong ba mũi giáp công được sử dụng hiệu quả ngay từ đầu cuộc kháng chiến, mang lại những thắng lợi quan trọng, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Theo: Nhân Dân