Truy cập hiện tại

Đang có 184 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Xoa dịu nỗi đau da cam trên địa bàn huyện Phú Tân

(TUAG)- Đã 63 năm trôi qua, kể từ khi thảm họa da cam/đioxin xảy ra để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đặc biệt đối với nạn nhân và gia đình họ, cuộc sống khó khăn vẫn luôn đeo đẳng, đơn giản vì họ không có sức khỏe để tự chăm sóc mình. Chung tay xoa dịu nỗi đau, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam là những hành động cụ thể đang được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Tân quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua.


Trên địa bàn huyện Phú Tân hiện có 135 hội viên Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin, trong đó 34 người trực tiếp và gián tiếp bị nhiễm chất độc da cam/đioxin đang được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Có những gia đình có 2 đến 3 người cùng mang trong mình loại bệnh tật hiểm nghèo hoặc bị dị dạng, khiếm khuyết cơ thể do di chứng chất độc da cam/đioxin gây ra, không thể sống độc lập mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc, hỗ trợ của người thân, họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Trên tuyến đường kênh thần nông ở vùng quê ấp Phú Đông, xã Phú Long, trong căn nhà tình nghĩa đã cũ, gia đình bà Nguyễn Thị Lợi, 73 tuổi, là vợ của người nhiễm chất độc hóa học đã qua đời, có 4 người con, trong đó 3 người con bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, thần kinh không bình thường, thích gì làm đó, đôi khi nóng giận đập phá đồ đạt. Do phải chăm sóc 3 người con không thể đi làm nên mọi của cải trong nhà bà đều bán hết để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và lo cho các con. Giờ đây, tuổi đã cao gia đình bà cũng chẳng còn lại gì để bán, mọi chuyện đều phải trông cậy vào sự trợ giúp của xã hội và số tiền làm thuê, bán vé số đắp đổi qua ngày của người con gái thứ 2 và người con trai thứ 4 những khi họ chưa lên cơn bệnh.

Bà Nguyễn Thị Lợi, xã Phú Long nghẹn ngào chia sẻ: Nổi đau không thể nào kể hết được, vất vả, cực nhọc mấy cũng phải cố gắng vươn lên sống nuôi con chứ biết sao giờ, một đứa mệt mỏi lắm này tới 3 đứa cực khổ mấy cũng gắng lo, sống ngày nào lo ngày nấy chứ không bỏ được. Cũng nhờ được Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện với Công ty Xổ số kiến thiết An Giang cho hàng tháng sống lây lắt qua ngày.


Còn đối với gia đình bà Hứa Thị Nành, sinh năm 1950, ngụ ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, từng tham gia chống Mỹ cứu nước từ những năm 1962, công tác quân y, tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai và đã nhiễm phải chất độc da cam/đioxin. Khi trở về với cuộc sống đời thường, lập gia đình, bà sinh 7 người con, không may người con gái thứ 7 của bà bị nhiễm chất độc da cam/đioxin, tay chân tật nguyền, bị thiểu năng, ngờ nghệch, không thể tự chăm sóc bản thân mình. Bản thân bà Nành tuổi cao, bệnh nhiều lại bị tai nạn xe nên việc đi lại của bà gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Bích, người con gái thứ 6 của bà Nành bồi hồi chia sẻ: Thấy em mình vậy cũng lo chứ, tội nghiệp lắm, ăn uống, tắm rửa, vệ sinh gì cũng không biết. Không may em mình bị nhiễm chất độc da cam như vậy mình làm chị mình cũng thấy buồn. Đôi khi muốn lo cho em mình nhiều lắm mà hoàn cảnh mình cũng khó khăn, không có khả năng, anh chị em cũng vì cuộc sống mưu sinh phải đi làm xa không lo cho em mình được. Cũng nhờ Nhà nước với chỗ Hội và các mạnh thường quân đã quan tâm giúp đỡ phần nào cho gia đình, tôi thấy cũng mừng. Cảm ơn Nhà nước và mọi người đã hỗ trợ.

Mặc dù nguồn lực còn hạn chế, nhưng những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin huyện Phú Tân đã chủ động phối hợp Tỉnh hội, các ban, ngành huyện, các xã, thị trấn nỗ lực thực hiện nhiều chương trình để đồng hành chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam/đioxin bằng những hành động thiết thực. Trong năm 2023, Hội đã thăm hỏi, động viên và tặng 77 suất quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam nhân các dịp lễ, tết; hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho 7 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, mỗi hộ được hỗ trợ 500.000 đến 1.000.000 đồng/tháng, với tổng số tiền 66 triệu đồng. Ngoài ra, Hội đã thành lập mô hình “Nhóm hỗ trợ nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện”, khi mới thành lập Nhóm chỉ có 5 thành viên đến nay đã tăng lên 51 thành viên, mỗi thành viên tham gia đóng góp từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng/tháng để hỗ trợ nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền đóng góp của Nhóm đến nay hơn 40 triệu đồng.



Cùng với những hoạt động chăm lo đời sống cho nạn nhân, gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đioxin. Thường trực Huyện hội thường xuyên làm tốt vai trò tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện về các hoạt động của Hội, cụ thể là xây dựng kế hoạch để điều tra, khảo sát, phân loại nắm chắc số nạn nhân bị phơi nhiễm đang gặp khó khăn để có kế hoạch chăm sóc, giúp đỡ một cách thiết thực, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Chính sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể trong toàn huyện Phú Tân, sự sẻ chia, đồng hành của cộng đồng chung tay chăm lo đời sống nạn nhân da cam/đioxin đã tiếp thêm nghị lực để họ vượt qua bệnh tật, số phận, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống./.

Hồng Nga
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39074406