Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch
Đặc sắc đua bò Bảy Núi
- Được đăng: Thứ sáu, 06 Tháng 9 2019 09:51
- Lượt xem: 3002
(TGAG)- Vào giữa mùa mưa hằng năm, cũng là thời điểm người Khmer An Giang bước vào lễ Dolta, ngày lễ truyền thống lớn nhất trong các ngày lễ của người dân tộc Khmer. Trong các hoạt động văn hóa thể thao phục vụ cho ngày Dolta, lễ hội Đua bò Bảy Núi là hoạt động đặc biệt sôi động và hấp dẫn, mang đậm bản sắc riêng của người Khmer An Giang suốt 27 năm qua.
Từ thế kỉ 17, lưu dân người Việt đến biên thùy An Giang khẩn hoang tìm đất sống, tuy nhiên chủ yếu ở vùng đồng bằng. Sau này, khi người Khmer có mặt, vốn thích ở vùng cao, từ đó dưới chân dãy Thất Sơn bắt đầu có người sinh sống.
Người Khmer phát lâm trồng trọt, tạo nên những thửa ruộng trên màu mỡ với giống lúa cấy gọi là lúa Sóc cho gạo rất ngon. Đất lành chim đậu, người Khmer định cư vùng Bảy Núi ngày càng đông, sống theo phum, sóc quanh chân núi, đa số vẫn làm ruộng, trồng và khai thác cây thốt nốt. Bò là con vật có sức mạnh, giúp người nông dân cày kéo trong các vụ mùa nên được người Khmer thương yêu, nuôi nấng và chăm sóc rất kỹ. Người ta cất chuồng bò bên cạnh nhà, tháng mưa có nhiều muỗi còn giăng mùng cho chúng ngủ. Tới mùa vụ, những đôi bò trong xóm tập trung cày, bừa cho đất của nhà này xong kéo sang đất của nhà khác, gọi là vần đổi công, nên rất đông vui và có cảm giác công việc hoàn thành nhanh hơn.
Trong bối cảnh nhộn nhịp ấy, có những chiều bừa ruộng xong sớm, một số chủ bò cao hứng rủ nhau bắt cặp đua chơi. Để chứng tỏ bò của mình khỏe, ai cũng muốn giành chiến thắng. Nhưng khi vào đua rồi mới biết, bò khỏe chưa đủ, thắng thua còn do tài nghệ của người điều khiển sao cho đôi bò nhịp nhàng tăng tốc. Đua chơi nhưng từ từ trở thành một môn nghệ thuật hấp dẫn và không bao lâu sau lan rộng ra các phum sóc khác. Rồi đôi bò vô địch phum sóc này không còn đối thủ, phải thi đấu với những đôi bò của phum, sóc khác. Vào mùa mưa cày bừa để gieo cấy, người ta đua trên ruộng nước xâm xấp. Đến khi lúa chín, vào mùa gặt, dùng bò kéo xe chở lúa họ cũng rủ đua. Đua bò kéo xe phải chạy trên đường làng. Mới đầu chỉ có vài đôi ngẫu hứng đua chơi, dần dần phổ biến ngày càng đông nên kéo xe bánh lớn bất tiện, người ta đổi xe bánh nhỏ chở một hai người ngồi vì đường làng chật hẹp. Đôi bò chạy sau nếu không vượt qua được đôi bò trước thì chỉ cần đạp lên xe của đôi bò trước là thắng cuộc. Có con lỡ đà té nhào vào thùng xe của đôi trước làm cả hai xe lật xuống ruộng. Hình thức đua này khá nguy hiểm nên không được duy trì. Người ta giữ lại cách đua bò kéo bừa trên ruộng nước hoặc trên đường cát, an toàn hơn.
Người Khmer theo đạo Phật tiểu thừa và ngôi chùa là nơi thiêng liêng, sinh hoạt tinh thần của mọi người. Hằng năm, các chủ bò trong phum sóc đều dẫn bò đến cày bừa thí công cho đất của chùa. Sau những buổi cày bừa các đôi bò lại rủ nhau đua. Sư Cả chùa và Tà À Cha thấy vậy đứng ra treo giải thưởng là những sợi dây nài khớp bạc hoặc những vòng lục lạc đẹp mắt. Từ đó đua bò trở thành tập quán của người Khmer Bảy Núi vào dịp tết Dolta hằng năm, khoảng cuối tháng tám qua tháng chín âm lịch.
Năm 1992, chính quyền hai huyện vùng Bảy Núi là Tịnh Biên và Tri Tôn nhận thấy đua bò là một hoạt động văn hoá thể thao độc đáo của người dân tộc Khmer đã nhiều năm góp phần phong phú, sôi động cùng với nhiều hoạt động nghệ thuật khác trong dịp tết Dolta. Hai huyện đã đứng ra liên kết tổ chức thành lễ hội đua bò truyền thống hằng năm để đồng bào dân tộc được vui chơi, thưởng ngoạn và rèn luyện thể lực, thi đua chọn bò khỏe, bò hay phục vụ nền sản xuất nông nghiệp năng suất cao. Lễ hội được hai huyện luân phiên nhau tổ chức, trao giải thưởng. Các ngành liên quan của huyện tham gia Ban tổ chức và cuộc đua có điều lệ, qui định rõ ràng.
Sân đua bò là một thửa ruộng hình chữ nhật xâm xấp nước, dài từ 150 đến 160 mét, ngang từ 70 đến 80 mét, chung quanh có đê cao một mét bao bọc cũng là nơi để khán giả đứng xem và cổ vũ. Cuối sân có một cửa trống để bò đến đích có lối thoát ra ngoài. Lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2019 dự kiến có 64 đôi bò vào vòng chung kết được tuyển chọn từ các cuộc đua vòng loại ở cấp xã, thị trấn cùng các đội khách mời ngoài tỉnh như Sóc Trăng, Cần Thơ và Giang Thành, Hòn Đất của Kiên Giang. Đặc biệt, còn có đội Kirivong của nước bạn Campuchia. Các đôi bò thi đấu từng cặp ngẫu nhiên do bốc thăm và loại trực tiếp, cuối cùng tranh 8 giải gồm nhất, nhì, ba, tư và 4 giải khuyến khích. Giải thấp nhất trị giá 8 triệu đồng, cao nhất 30 triệu đồng, nếu được tài trợ nhiều, tiền giải sẽ tăng lên.
Trong cuộc đua, người điều khiển được gọi là tài xế. Tài xế đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành bại vì luật đua qui định các đôi bò đều chạy một vòng hô (chạy chậm), sau đó chuyển sang vòng thả (chạy nhanh) trên đoạn đường quyết định 100 mét (hoặc 120 mét tùy theo sân). Đôi nào vượt lên về đích trước sẽ thắng cuộc với điều kiện không chạy ra khỏi đường đua rộng 8 mét. Trường hợp vào vòng thả, cách điểm xuất phát 30 mét (có sân qui định 20 mét) trở lên nếu đôi sau đạp lên cây bừa của đôi trước được công nhận thắng cuộc không cần phải đến đích.
Năm nay, huyện Tri Tôn vừa xây dựng sân đua bò mới đúng tiêu chuẩn trên diện tích khá rộng là 5,25 hecta, có sức chứa 50 ngàn người ở Tà-pạ, thuộc xã Núi Tô. Giải vẫn do Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tài trợ chính nên còn gọi là tranh cúp truyền hình An Giang.
Từ thế kỉ 17, lưu dân người Việt đến biên thùy An Giang khẩn hoang tìm đất sống, tuy nhiên chủ yếu ở vùng đồng bằng. Sau này, khi người Khmer có mặt, vốn thích ở vùng cao, từ đó dưới chân dãy Thất Sơn bắt đầu có người sinh sống.
Người Khmer phát lâm trồng trọt, tạo nên những thửa ruộng trên màu mỡ với giống lúa cấy gọi là lúa Sóc cho gạo rất ngon. Đất lành chim đậu, người Khmer định cư vùng Bảy Núi ngày càng đông, sống theo phum, sóc quanh chân núi, đa số vẫn làm ruộng, trồng và khai thác cây thốt nốt. Bò là con vật có sức mạnh, giúp người nông dân cày kéo trong các vụ mùa nên được người Khmer thương yêu, nuôi nấng và chăm sóc rất kỹ. Người ta cất chuồng bò bên cạnh nhà, tháng mưa có nhiều muỗi còn giăng mùng cho chúng ngủ. Tới mùa vụ, những đôi bò trong xóm tập trung cày, bừa cho đất của nhà này xong kéo sang đất của nhà khác, gọi là vần đổi công, nên rất đông vui và có cảm giác công việc hoàn thành nhanh hơn.
Trong bối cảnh nhộn nhịp ấy, có những chiều bừa ruộng xong sớm, một số chủ bò cao hứng rủ nhau bắt cặp đua chơi. Để chứng tỏ bò của mình khỏe, ai cũng muốn giành chiến thắng. Nhưng khi vào đua rồi mới biết, bò khỏe chưa đủ, thắng thua còn do tài nghệ của người điều khiển sao cho đôi bò nhịp nhàng tăng tốc. Đua chơi nhưng từ từ trở thành một môn nghệ thuật hấp dẫn và không bao lâu sau lan rộng ra các phum sóc khác. Rồi đôi bò vô địch phum sóc này không còn đối thủ, phải thi đấu với những đôi bò của phum, sóc khác. Vào mùa mưa cày bừa để gieo cấy, người ta đua trên ruộng nước xâm xấp. Đến khi lúa chín, vào mùa gặt, dùng bò kéo xe chở lúa họ cũng rủ đua. Đua bò kéo xe phải chạy trên đường làng. Mới đầu chỉ có vài đôi ngẫu hứng đua chơi, dần dần phổ biến ngày càng đông nên kéo xe bánh lớn bất tiện, người ta đổi xe bánh nhỏ chở một hai người ngồi vì đường làng chật hẹp. Đôi bò chạy sau nếu không vượt qua được đôi bò trước thì chỉ cần đạp lên xe của đôi bò trước là thắng cuộc. Có con lỡ đà té nhào vào thùng xe của đôi trước làm cả hai xe lật xuống ruộng. Hình thức đua này khá nguy hiểm nên không được duy trì. Người ta giữ lại cách đua bò kéo bừa trên ruộng nước hoặc trên đường cát, an toàn hơn.
Người Khmer theo đạo Phật tiểu thừa và ngôi chùa là nơi thiêng liêng, sinh hoạt tinh thần của mọi người. Hằng năm, các chủ bò trong phum sóc đều dẫn bò đến cày bừa thí công cho đất của chùa. Sau những buổi cày bừa các đôi bò lại rủ nhau đua. Sư Cả chùa và Tà À Cha thấy vậy đứng ra treo giải thưởng là những sợi dây nài khớp bạc hoặc những vòng lục lạc đẹp mắt. Từ đó đua bò trở thành tập quán của người Khmer Bảy Núi vào dịp tết Dolta hằng năm, khoảng cuối tháng tám qua tháng chín âm lịch.
Năm 1992, chính quyền hai huyện vùng Bảy Núi là Tịnh Biên và Tri Tôn nhận thấy đua bò là một hoạt động văn hoá thể thao độc đáo của người dân tộc Khmer đã nhiều năm góp phần phong phú, sôi động cùng với nhiều hoạt động nghệ thuật khác trong dịp tết Dolta. Hai huyện đã đứng ra liên kết tổ chức thành lễ hội đua bò truyền thống hằng năm để đồng bào dân tộc được vui chơi, thưởng ngoạn và rèn luyện thể lực, thi đua chọn bò khỏe, bò hay phục vụ nền sản xuất nông nghiệp năng suất cao. Lễ hội được hai huyện luân phiên nhau tổ chức, trao giải thưởng. Các ngành liên quan của huyện tham gia Ban tổ chức và cuộc đua có điều lệ, qui định rõ ràng.
Sân đua bò là một thửa ruộng hình chữ nhật xâm xấp nước, dài từ 150 đến 160 mét, ngang từ 70 đến 80 mét, chung quanh có đê cao một mét bao bọc cũng là nơi để khán giả đứng xem và cổ vũ. Cuối sân có một cửa trống để bò đến đích có lối thoát ra ngoài. Lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2019 dự kiến có 64 đôi bò vào vòng chung kết được tuyển chọn từ các cuộc đua vòng loại ở cấp xã, thị trấn cùng các đội khách mời ngoài tỉnh như Sóc Trăng, Cần Thơ và Giang Thành, Hòn Đất của Kiên Giang. Đặc biệt, còn có đội Kirivong của nước bạn Campuchia. Các đôi bò thi đấu từng cặp ngẫu nhiên do bốc thăm và loại trực tiếp, cuối cùng tranh 8 giải gồm nhất, nhì, ba, tư và 4 giải khuyến khích. Giải thấp nhất trị giá 8 triệu đồng, cao nhất 30 triệu đồng, nếu được tài trợ nhiều, tiền giải sẽ tăng lên.
Trong cuộc đua, người điều khiển được gọi là tài xế. Tài xế đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành bại vì luật đua qui định các đôi bò đều chạy một vòng hô (chạy chậm), sau đó chuyển sang vòng thả (chạy nhanh) trên đoạn đường quyết định 100 mét (hoặc 120 mét tùy theo sân). Đôi nào vượt lên về đích trước sẽ thắng cuộc với điều kiện không chạy ra khỏi đường đua rộng 8 mét. Trường hợp vào vòng thả, cách điểm xuất phát 30 mét (có sân qui định 20 mét) trở lên nếu đôi sau đạp lên cây bừa của đôi trước được công nhận thắng cuộc không cần phải đến đích.
Năm nay, huyện Tri Tôn vừa xây dựng sân đua bò mới đúng tiêu chuẩn trên diện tích khá rộng là 5,25 hecta, có sức chứa 50 ngàn người ở Tà-pạ, thuộc xã Núi Tô. Giải vẫn do Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tài trợ chính nên còn gọi là tranh cúp truyền hình An Giang.
TRỊNH BỬU HOÀI