Truy cập hiện tại

Đang có 116 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Một số kết quả của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trong năm 2015

(TGAG)- Thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang luôn quan tâm cải tiến hoạt động tổ chức hội nghị lấy kiến đóng góp các dự án luật, nâng cao chất lượng ý kiến đóng góp như: đa dạng các hình thức lấy ý kiến; mở rộng đối tượng các thành phần kinh tế, hình thành nhóm cộng tác viên là những cán bộ được đào tạo chuyên ngành luật, có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn...

Qua đó, Đoàn ĐBQH ghi nhận được nhiều ý kiến sát đáng, có tính chuyên sâu và thuyết phục, làm cơ sở cho các ĐBQH nghiên cứu, tham gia thảo luận, cho ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội, góp phần nâng cao công tác lập pháp của Quốc hội, ban hành các dự Luật quan trọng, phù hợp thực tế tình hình xã hội.

Kết quả, trong năm 2015, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp 26 dự án Luật trình tại kỳ họp Quốc hội và qua kiến nghị của công dân về một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mà trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, Đoàn đã đặt vấn đề với các cơ quan ban hành văn bản nghiên cứu, xem xét lại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cần được điều chỉnh phù hợp thực tế, như: Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp; Thông tư 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Ngân hàng nhà nước về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống; Quy chế số 179/QC-NHHT ngày 28/03/2014 của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam về quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống Quỹ tin dụng nhân dân.

Về công tác giám sát, Đoàn đã tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội địa phương tham gia các đoàn giám sát và thực hiện giám sát ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời, thành lập Đoàn giám sát tại địa phương giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo... Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ngành tỉnh trong hoạt động giám sát. Các cuộc giám sát của Đoàn thường xuyên mời đại diện Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận tỉnh, các sở, ngành liên quan cùng tham dự nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.

Năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã tham gia với các Đoàn giám sát của Trung ương để xem xét các nội dung quan trọng: Việc kinh doanh, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế; đánh giá bổ sung tình hình thực hiện NSNN năm 2014, triển khai thực hiện dự toán 2015; Quyết toán NSNN năm 2013; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; việc chấp hành pháp luật trong quản lý và thu thuế giai đoạn 2011-2014; thực hiện Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (ODA) đối với giáo dục, đào tạo…

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm thực hiện như: Tổ chức giám sát Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ghi nhận 11 ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc triển khai Luật hợp tác xã năm 2012 và thực hiện chính sách, pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp", đã ghi nhận 21 ý kiến, kiến nghị. Trong đó, có 10 ý kiến, kiến nghị đối với địa phương và 11 kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.

Qua các đợt giám sát, các vị ĐBQH đã tích cực góp ý, nêu ra những mặt hạn chế cần được khắc phục trong công tác quản lý, điều hành ở địa phương; đồng thời ghi nhận các kiến nghị của các cơ quan được giám sát để Đoàn có kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương; chất lượng các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh từng bước được nâng cao. Qua giám sát, khảo sát đã giúp cho Đoàn Đại biểu Quốc hội nắm rõ hơn về tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực tại địa phương, đồng thời phát hiện những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, cần được xem xét điều chỉnh, sửa đổi phù hợp thực tiễn.

Về công tác tiếp xúc cử tri, xác định đây là một trong những hoạt động trọng tâm của ĐBQH, là trách nhiệm của người đại biểu dân cử, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội và báo cáo kết quả kỳ họp đúng luật định. Trong năm, Đoàn đã tổ chức 107 điểm tiếp xúc tại 11 huyện, thị, thành. Đã có trên 7.663 lượt cử tri tham dự, có 636 lượt cử tri phát biểu. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp ghi nhận được 395 ý kiến, kiến nghị, trong đó có 324 ý kiến, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và 71 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Thông qua việc tiếp xúc cử tri ĐBQH cũng tuyên truyền chính sách pháp luật đối với những dự án Luật đã được thông qua và cho ý kiến. Từ công tác tiếp xúc cử tri làm cơ sở cho ĐBQH có những kiến nghị đề xuất cụ thể, chuyên sâu với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành về cơ chế, chính sách mang tầm vĩ mô.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh An Giang thì trong năm qua, hoạt động của Đoàn vẫn còn một số mặt tồn tại hạn chế:

- Chưa tham khảo rộng rãi ý kiến các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật, một số cơ quan chức năng cử thành viên tham dự chưa đúng chuyên môn, chất lượng ý kiến đóng góp đôi lúc chưa sát với thực tiễn, chưa bao quát hết mọi khía cạnh đời sống xã hội mà dự án luật điều chỉnh và thiếu sự lập luận mang tính thuyết phục. Đối với Luật chuyên ngành, do am hiểu về chuyên môn của ngành còn hạn chế, nên ý kiến đóng góp còn chưa sâu, chưa xác đáng.

- Việc thành lập Đoàn giám sát thiếu các chuyên gia. Cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát một số nơi chưa tuân thủ thời gian gửi báo cáo, tài liệu phục vụ cho Đoàn giám sát để nghiên cứu trước. Các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh được các cơ quan hữu quan ghi nhận và có quan tâm điều chỉnh nhưng số lượng văn bản chính thức trả lời còn ít. Việc đôn đốc và theo dõi kết quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát tuy có quan tâm, nhưng chỉ dừng ở mức theo dõi và phản ánh tình hình chung; việc thực hiện kiến nghị sau giám sát vẫn chưa triệt để, chưa xây dựng kế hoạch theo dõi tiến trình giải quyết và kết quả giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các kiến nghị của Đoàn giám sát, chưa tổ chức hậu kiểm đối với các đơn vị chịu giám sát.

- Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri còn nặng tính hội nghị, chưa có sự tham dự đầy đủ các thành phần xã hội ở địa phương, hình thức tiếp xúc nhóm, tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc chưa nhiều. Tại các buổi tiếp xúc cử tri đôi lúc thiếu sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện nên các vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương chưa được giải trình cụ thể tại buổi tiếp xúc.

Có thể khẳng định, trong năm qua, các vị Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân tỉnh nhà nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung; tích cực học hỏi nghiên cứu từ đó đã tạo ra những bước chuyển cơ bản trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cá nhân đại biểu và hoạt động của Đoàn nói chung, góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội ngày càng thiết thực, hiệu quả./.

Nguyễn Hùng

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40400062