Truy cập hiện tại

Đang có 173 khách và không thành viên đang online

Công tác tuyên truyền

Chân lý mãi mãi xanh tươi!

(TUAG)- Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi “bắt tay chúc mừng “tướng quân tại ngoại” trở về, Bác nói: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Nhân dân ta còn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Theo Hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam chỉ tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17. "Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ". Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ"…



Nhưng, từ lâu đế quốc Mỹ đã nhòm ngó nước ta. Ngày 30/12/1949, Tổng thống Mỹ S.Truman đã phê chuẩn: "Mục tiêu lâu dài của Mỹ là thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Việt Nam và Đông Dương". Khi Pháp sa lầy, một mặt Mỹ ra tay giúp, mặt khác âm mưu thay thế Pháp để độc chiếm Đông Dương. Sau khi Pháp thua, Mỹ đã nhảy vào miền Nam Việt Nam, hất cẳng Pháp. Trong cuốn "Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ", GS. John Carlos Rowe và GS. Rick Berg, Đại học Iowa (Hoa Kỳ) đã viết: "Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố… Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam". Theo các tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc chiến được coi là bắt đầu từ  01/11/1955 khi Nhóm chuyên gia hỗ trợ quân sự Mỹ (U.S. Military Assistance Advisory Group - MAAG) tại Việt Nam được thành lập.

Tháng 2/1958 Hồ Chí Minh tuyên bố: "Từ năm 1955 tới nay, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã có nhiều đề nghị cụ thể với các nhà đương cục miền Nam mở hội nghị hiệp thương để bàn về tổng tuyển cử tự do theo Hiệp định Giơnevơ đã quy định. Nhưng đến nay, chính quyền miền Nam vẫn chưa trả lời.

"Có người cho rằng trở lực chủ yếu cho sự thống nhất là vì hai miền có chế độ khác nhau, hoặc vì miền này có thể thôn tính miền kia. Theo ý chúng tôi, vấn đề căn bản ở đây không phải là sự khác nhau về chế độ, vấn đề căn bản là phải để cho nhân dân cái quyền được hoàn toàn tự do lựa chọn chế độ này hoặc chế độ khác. Chúng tôi luôn luôn chủ trương các nhà cầm quyền ở hai miền cùng nhau bàn bạc để thống nhất đất nước trên nguyên tắc đặt lợi ích tối cao của Tổ quốc lên trên hết và hợp với nguyện vọng của toàn dân.

"Trong việc thực hiện thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hoà bình, trở lực chủ yếu là do âm mưu của bọn đế quốc và tay sai. Âm mưu đó nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự của "chính sách thực lực". Vì âm mưu đó mà việc thống nhất nước Việt Nam bị cản trở, hoà bình ở Đông Dương và Đông - Nam Á bị đe doạ".

Cecil B. Currey một sử gia quân sự nổi tiếng người Mỹ đã cho biết: Năm 1956, Ngoại trưởng Allen Dulles đã đệ trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower báo cáo tiên đoán nếu bầu cử diễn ra thì "thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi". Eisenhower tin chắc vào điều đó nên đã khuyến khích Ngô Đình Diệm từ chối tuyển cử. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tồn tại ở miền Nam Việt Nam, bất kể chính phủ đó có tôn trọng nền dân chủ hay không. Giáo sư sử học người Mỹ Mortimer T. Cohen đã viết: "… Eisenhower biết rằng trong một cuộc bầu cử tự do, 80% dân chúng sẽ bầu cho Hồ Chí Minh… Không một người nào ở Việt Nam có thể thắng Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng Tuyển Cử tự do. Ông ta là George Washington của nước Việt Nam…".

Daniel Ellsberg - một người phản chiến nổi tiếng, còn được gọi là "người nguy hiểm nhất nước Mỹ" cũng viết: "Không làm gì có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ… ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp-Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam… chống chính sách của Mỹ… Cuộc chiến đó không có gì là "nội chiến", sau 1956 hay 1960, như nó đã không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến… Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ".

Robert McNamara - người được xem là "kiến trúc sư" của cuộc chiến, trong hồi ký mang tên "Hồi tưởng" xuất bản năm 1995, đã thẳng thắn thừa nhận 11 "sai lầm một cách tồi tệ". Ông viết: "Chúng ta đã đánh giá sai khi đó (và từ đó đến nay) những chủ đích địa chính trị của các đối thủ là mở rộng làn sóng đỏ xuống Đông Nam Á và chúng ta đã phóng đại những mối nguy hại từ hành động của họ đối với nước Mỹ". Trong thời gian chiến tranh, ở Mỹ đã có hơn 200 tổ chức phản chiến, 6/27 triệu  thanh niên Mỹ chống lệnh quân dịch, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài  không chịu nhập ngũ… Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ viết: "Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975…". Nhà sử học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về Đông Dương Alain Rusco cho rằng, sự kiện 30/4 "gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù… để có được chiến thắng này hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong nhiều thập kỷ đầy cam go, quyết liệt".

Các bản tin về ngày 30/4/1975 đều chiếm một dung lượng lớn trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở khắp các châu lục.  Trang chính Tờ The Washington Post số ra ngày 30/4/1975, có bài viết với tiêu đề "Sài Gòn đầu hàng Việt Cộng. Việc rút quân chấm dứt vai trò của Mỹ". Tờ The Guardian của Anh ngày 1/5/1975 cũng có bài với nội dung "30 năm chiến tranh Việt Nam đã trôi qua. Quân đội Mỹ đã thất bại, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Nhân dân Việt Nam đã tự do. Chiến thắng ấy thật vĩ đại". Hãng AFP của Pháp nhận định: Sự kiện 30/4 tại Việt Nam "là một cơn địa chấn", đưa đến sự ra đời của  một nước Việt Nam thống nhất…

Bất chấp lịch sử, một thiểu số người Việt lưu vong đến nay vẫn coi ngày 30/4/1975 là ngày "Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam", là ngày "Quốc hận", "ngày mất nước"; là "Tháng Tư đen"," là tháng "vo gạo bằng nước mắt". Bọn cơ hội còn lấp lửng: "Được thống nhất - Mất tự do và sau hơn bốn chục năm, máu đổ hoang phí, xương rơi vô ích, anh, em chia lìa, dân mất lòng tin". Một số "nhay đi -nhay lại" cái gọi là "cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn"; "cuộc chiến mang tính chất ủy nhiệm, chiến tranh mang tính ý thức hệ"; "cuộc chiến tranh của chúng ta"… Họ gào thét: "Thôi chào nhé. Chào vĩnh biệt những mùa xuân thật là thê thảm. Những mùa xuân thật là dã man. Những mùa xuân tối tăm, bệnh hoạn. Những mùa xuân đã chết rồi trong trái tim của anh và em và cũng có thể của cả một dân tộc. Chết dần, chết mòn, chết thật rồi"…

Bên ngoài, mấy "ông chủ trò" xúm vô kích động: "30/4 không chỉ là chuyện quá khứ"(VOA); "Ngày 30/4 có thật như thế"(BBC New tiếng Việt)… Gần đây, bộ phim "Chiến tranh Việt Nam" (The Vietnam War) tiếp tục được nhắc lại. Họ rêu rao rằng, cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ là nhằm đưa Việt Nam trở về với thế giới tự do… Mới đây, Tổng thống Trump đã  nói thẳng: "…Tôi chưa bao giờ là người hâm mộ cuộc chiến đó cả. Tôi nghĩ đó là cuộc chiến tồi tệ…". Ông còn nói: "Vào thời điểm đó, không ai nghe về đất nước này nhưng thật sự ngày hôm nay họ (Việt Nam) đang sống rất tốt. Về thương mại, họ là những nhà đàm phán giỏi và là những doanh nhân tuyệt vời". HR McMaste, nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump cũng cho đó là "Một trong những thảm họa lớn nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ XX".

Tệ hại hơn, một số trong nhóm "Văn đoàn độc lập" nêu quan điểm "Có nhất thiết phải qua chiến tranh mới giành được độc lập không? Giá chúng ta tìm một con đường khác ít xương máu hơn cho nền độc lập của đất nước thì quý biết nhường nào?". "Nếu không cần chống Mỹ, miền Nam có giàu như Hàn Quốc không?". Tháng 9/2018, tại Washington (Mỹ), cái gọi là "tập hợp vì dân chủ cho Việt Nam" đã tổ chức hội thảo có chủ đề "Nhìn lại chiến tranh Việt Nam" và đưa ra một số luận điểm bịa đặt, biện hộ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa. Họ kêu gọi: "43 năm qua, Việt Nam vẫn chưa có tự do, vẫn chưa có dân chủ. Thành ra sứ mệnh của người trẻ tại hải ngoại sẽ phải tiếp tục đồng hành, tiếp tục tranh đấu cho tự do và dân chủ".

Giáo sư sử học người Mỹ gốc Việt Nguyễn Mạnh Quang đã viết: "Trừ phi không biết hoặc thuộc loại phản quốc, khi có một nước khác đến ngồi trên đầu làm chủ, không có một người dân tử tế nào bằng lòng chờ cho có ngày bọn thực dân tự động trả lại cơ đồ ông cha mình cả. Nếu theo luận điệu ươn hèn như trên, thì những công lao và sự hy sinh của hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ trong các lực lượng nghĩa quân kháng chiến của nhân dân ta trong đại cuộc đánh đuổi giặc Pháp ngoại xâm từ năm 1858 đến 1954 đều là vô ích hay sao! Và hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến 1954 - 1975 để đòi lại miền Nam trong tay Mỹ, đem lại thống nhất cho đất nước cũng là vô ích hay sao! Đưa ra luận điệu này là tỏ ra vô ơn với hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc Việt Nam được trường tồn".

Nhưng như trên đã dẫn chứng, có rất nhiều tiếng nói khách quan từ "phía bên kia". Một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Việt khẳng định ở Mỹ có "vô số những bậc trí thức, học giả, có thể nói là biểu tượng lương tri của nước Mỹ. Và đọc những tác phẩm nghiên cứu lịch sử của họ, chúng ta có thể thấy rõ ràng là họ rất nghiêm cẩn trong công cuộc nghiên cứu của họ, với lương tâm trí thức, tôn trọng sự thật dù sự thật có thể làm cho họ đau lòng vì họ là người Mỹ, bắt buộc phải đối diện với kết quả của cuộc chiến ở Việt Nam". Về phía chính quyền Sài Gòn trước đây, nhiều người đã bày tỏ thiện ý. Tướng Nguyễn Hữu Có, nguyên Phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng nói: "Chiến thắng 30/4 rất vĩ đại, là chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam… Không còn chiến tranh, không còn bom rơi đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại". Cựu thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ nhận xét: "Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây… đâu mà phục quốc?".

Lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm nay là lịch sử của một nước thống nhất, là lịch sử không ngừng đấu tranh đánh bại mọi thế lực xâm lược và chia cắt. Thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975 giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, khôi phục lại sự thống nhất nước nhà. Nhưng cùng với bao điều tốt đẹp, vẫn luôn còn đâu đó  những hiểm họa tiềm tàng. Ước mơ của nhân loại về một cuộc sống hòa bình và phồn vinh vẫn còn phải ra sức… Hơn ai hết chúng ta mong muốn hòa bình. Nhưng nó không phải tự nhiên mà có, phải ra sức tranh lấy và có đủ lực lượng để gìn giữ.

Kế thừa truyền thống hào hùng của cha ông, chúng ta quyết đồng tâm, hiệp lực đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, nhanh chóng phát hiện và triệt tiêu các nhân tố bất lợi. Nhất định không để xảy ra thảm cảnh: “Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử/Cào chiến công, xé cả xác anh hùng”.

Không có gì quý hơn độc lập tự do!

Trung Thành
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39936668